Khởi động Chương trình sản phẩm quốc gia vắc xin phòng bệnh cho người
Ngày 28/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã chứng kiến lễ ký kết hợp đồng giữa Văn phòng Chương trình sản phẩm quốc gia vắc xin phòng bệnh cho người với 4 đơn vị chủ trì thực hiện dự án khoa học công nghệ sản phẩm quốc gia vắc xin phòng bệnh cho người.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, buổi lễ đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ khẳng định vắc xin phòng bệnh cho con người là sản phẩm thương hiệu quốc gia. Chương trình tiêm chủng mở rộng được đánh giá là một trong những chương trình thành công nhất. Đặc biệt, đến nay, Việt Nam đã tự sản xuất 10/11 loại vắc xin và không những chủ động nguồn cung cấp vắc xin phục vụ cho Chương trình tiêm chủng mở rộng trong nước và đang chuẩn bị xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân chứng kiến lễ ký kết ngày 28/1. Ảnh: Đỗ Thoa |
Chương trình Sản phẩm quốc gia vắc xin phòng bệnh cho người được triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2012 về Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 với chính sách đặc biệt để phát triển, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu khu vực và thế giới.
Mục tiêu về khoa học và công nghệ của Chương trình là chủ động hoàn toàn được công nghệ tạo chủng và bộ chủng giống vắc xin để có thể sản xuất với quy mô công nghiệp phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng, sản xuất khi có dịch bệnh đối với các loại bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, viêm lão mô cầu, tiêu chảy do vi rút Rota, viêm não Nhật Bản, cúm mùa, thương hàn, bệnh dại, viêm gan A và một số dịch bệnh nguy hiểm khác. Bên cạnh đó, Chương trình cũng đặt mục tiêu làm chủ các công nghệ sản xuất vắc xin ở quy mô công nghiệp, thương mại hóa được 7 dạng vắc xin với các công nghệ tiên tiến như vắc xin đa giá, Hib cộng hợp và bại liệt bất hoạt, vắc xin Rota, vắc xin viêm gan A trên tế bào lưỡng bội, vắc xin dại trên tế bào vero, vắc xin thương hàn vi cộng hợp.
Mục tiêu cuối cùng của Chương trình là nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ trong nước đối với nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh cho người. Đến năm 2020, sản xuất và thương mại hóa được ít nhất 7 loại vắc xin quan trọng phòng bệnh cho người (vắc xin đa giá, vắc xin Rota, viêm não Nhật Bản, cúm mùa, thương hàn, vắc xin phòng dại và viêm gan A) tại Việt Nam, đáp ứng đủ yêu cầu chương trình tiêm chủng mở rộng trong nước, thay thế vắc xin nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu vắc xin ra một số nước trong khu vực và thế giới.
Dịp này, 4 đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin tại Việt Nam gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vắc xin và sinh phẩm số 1, Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế, Viện vắc xin và sinh phẩm y tế và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vắc xin Pasteur Đà Lạt đã trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của đơn vị.
Theo CPV
Ý kiến ()