Khởi động chiến dịch phòng, chống bệnh sởi
LSO-Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Lạng Sơn cho biết, hiện dịch bệnh sởi đã bùng phát ở một số địa phương trên cả nước. Để phòng, chống dịch bệnh này, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành y tế Lạng Sơn đã triển khai một số biện pháp để phòng, tránh bệnh sởi lây lan, trong đó tập trung mạnh vào công tác tiêm vắc-xin sởi cho trẻ. Cùng với đó là tuyên truyền để người dân nhận biết và phòng tránh bệnh.
Tiêm phòng sởi cho trẻ em ở xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng – Ảnh: MINH HỒNG |
Theo kế hoạch của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, ngày 10/3, toàn tỉnh sẽ triển khai tiêm phòng vắc-xin sởi. Đối tượng của đợt tiêm này là trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin sởi theo lịch tiêm chủng và đối tượng đã ở vùng có dịch. Dự kiến, trong đợt này sẽ tiêm vắc xin sởi cho hơn 95% các đối tượng trên.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng khẳng định, vắc-xin sởi được tiêm miễn phí cho trẻ 9 tháng tuổi theo Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tại Lạng Sơn, chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai từ năm 1986. Đến năm 1992, toàn tỉnh đã không có thôn bản trắng về tiêm chủng. Nhờ tiêm chủng, tỷ lệ mắc bệnh, tử vong của nhiều bệnh truyền nhiễm có vắc-xin dự phòng đã giảm đi nhiều. Từ năm 2000, tại Lạng Sơn đã thanh toán được bệnh bại liệt. Các bệnh truyền nhiễm như bạch hầu, ho gà, sởi, đã không thành dịch từ năm 2005. Đạt được kết quả này là do Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng, trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức tiêm vắc-xin sởi thường xuyên và định kỳ cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng.
Theo đó, chỉ tính từ năm 2011 – 2013, 100% xã, phường trong tỉnh đã tổ chức tiêm vắc-xin sởi thường xuyên, tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95%. Đến thời điểm trước ngày 10/3, Lạng Sơn chưa phát hiện trường hợp nào nghi nhiễm bệnh sởi. Từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ mới phát hiện một số trường hợp bị bệnh như tiêu chảy (424 ca), thủy đậu (39 ca), quai bị (59 ca), tay chân miệng (7 ca)…, nhưng đều là những trường hợp nhỏ lẻ. Thực tế là vậy, tuy nhiên, người dân vẫn không nên chủ quan với tình hình dịch bệnh, vì nguy cơ nhiễm bệnh vẫn có thể xảy ra. Nguy cơ cao được thể hiện ở nhiều yếu tố. Thứ nhất, hiện nay một số tỉnh ở khu vực miền núi phía Bắc đã có dịch sởi, trong khi đó Lạng Sơn lại là địa phương có nhiều người từ các tỉnh này đến làm ăn, giao thương nên khó tránh khỏi việc người dân ở địa phương có dịch bệnh mang mầm bệnh đến Lạng Sơn. Thứ hai, một số người dân trên địa bàn còn chủ quan, chưa chú ý đến việc vệ sinh, phòng bệnh cho trẻ. Tiếp đó yếu tố thời tiết, hiện đang là mùa đông – xuân, mùa thuận lợi để bệnh sởi phát triển.
Để phòng, tránh dịch bệnh sởi trong thời điểm hiện tại, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và Sở Y tế, hiện tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã triển khai các biện pháp dự phòng bệnh sởi trên địa bàn. Đầu tiên, đơn vị triển khai cấp phát vắc-xin đến các Trung tâm y tế huyện, thành phố, sau đó triển khai tiêm phòng ở cả 243 điểm tiêm chủng nữa công tác tuyên truyền rộng rãi cho người dân về tác hại của bệnh sởi và cách phòng bệnh. Trong quá trình tuyên truyền luôn nhấn mạnh với người dân cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vắc-xin sởi, tiêm đủ mũi, đúng thời gian. Bên cạnh đó, ngành y tế dự phòng cũng đang xây dựng thêm các điểm tiêm phòng ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để tịnh tiến gần dân hơn, các điểm tiêm chủng này phải bảo đảm được các điều kiện về an toàn tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, trong thời điểm hiện tại, trung tâm Y tế tỉnh tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ y tế về giám sát dịch, đặc biệt là một số dịch như cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, sởi… Có thể nói, toàn tỉnh hiện đang có hệ thống theo dõi, giám sát dịch chặt chẽ, tất cả những điểm “nguy cơ cao” đều được theo dõi rất sát. Khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh, ngành y tế sẽ thực hiện ngay việc khoanh vùng, cách ly, đồng thời tiến hành tiêm phòng luôn.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, các bậc cha mẹ có thể nhận biết trẻ có bị bệnh sởi hay không qua các triệu chứng cơ bản như: trẻ bị sốt, ho, mắt đỏ, có dấu hiệu ban, nhất là ban dạng sởi. Nếu thấy triệu chứng này, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()