Khơi dậy ý thức bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa
LSO-Kể từ năm 2005, ngày 23/11 hằng năm được lấy là ngày “Di sản văn hóa Việt Nam” theo Quyết định số 36/2005/QĐ- TTg ngày 24/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một quyết định có ý nghĩa vô cùng to lớn và sâu sắc đối với công tác giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong giai đoạn mới.
![]() |
Múa sư tử mừng lễ hội Lồng tồng làng Khòn Lèng (thành phố Lạng Sơn) năm 2017 |
Mỗi năm, kỷ niệm ngày Di sản văn hóa (DSVH) Việt Nam 23/11 chính là dịp để các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân cùng nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò, ý nghĩa, giá trị của DSVH đối với sự phát triển, nhất là trong thời kỳ hội nhập; đánh giá những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế và tiếp tục đề ra các giải pháp hiệu quả trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị DSVH dân tộc.
Theo đó, những năm qua, công tác nghiên cứu, quản lý, phục dựng, trao truyền, tôn vinh các DSVH nói chung, đặc biệt là các di sản có nguy cơ mai một được Lạng Sơn hết sức quan tâm. Hiện toàn tỉnh có hơn 600 điểm, khu di tích (trong đó có 1 khu di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 27 di tích cấp quốc gia); hơn 300 lễ hội (trong đó có 4 lễ hội được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể cấp quốc gia)… Việc gắn kết, phát huy giá trị các DSVH được chú trọng. Năm 2015, UBND tỉnh cũng đã có quyết định công nhận 39 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở, là nguồn tài nguyên hết sức quý báu đã, đang và sẽ phát huy vai trò trong phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị chuyên trách của tỉnh cũng được kiện toàn, phát huy tốt vai trò. Đối với cấp tỉnh, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) hiện có Phòng Quản lý di sản, Ban Quản lý di tích, Bảo tàng tỉnh… Đối với cấp huyện, có các phòng văn hóa và thông tin. Ở cấp xã, trực tiếp có cán bộ văn hóa xã. Song quan trọng hơn, các DSVH được phân cấp quản lý đến tận cơ sở, khu dân cư đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả gắn với việc phát huy vai trò của cộng đồng và mỗi người dân.
Sẽ là thiếu nếu không nhắc đến, năm 2010, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh được thành lập. Qua đó đã phát huy mạnh mẽ vai trò trong việc nghiên cứu, trao truyền, phát huy giá trị các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc. Đồng thời khẳng định việc “bảo tồn và phát huy giá trị DSVH phải được đặt trong dòng chảy của đời sống xã hội” với hình thức “bảo tồn động” và đẩy mạnh công tác xã hội hóa. Năm 2017, thêm một sự kiện rất vui mừng nữa là Hội Di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn được thành lập. Ngày 19/11/2017 vừa qua, hội đã tiến hành Đại hội lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2017 – 2022). Sự kiện trên không chỉ thiết thực chào mừng kỷ niệm 12 năm ngày DSVH Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2017) mà quan trọng hơn là từ nay, Lạng Sơn có thêm một tổ chức xã hội – nghề nghiệp luôn chung sức cùng các cấp, ngành và cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH của quê hương, đất nước.
Những năm qua, nhiều hoạt động thiết thực được Lạng Sơn quan tâm tổ chức tốt như: tổ chức được 7 lần ngày hội VHTT&DL các dân tộc tỉnh; đăng cai tổ chức Liên hoan hát then – đàn tính toàn quốc lần thứ IV (năm 2012), chương trình Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ V (năm 2013)… Hằng năm, kỷ niệm ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4, ngày Du lịch Việt Nam 9/7, ngày DSVH Việt Nam 23/11…, nhiều hoạt động khơi dậy ý thức giữ gìn, tôn vinh DSVH được tổ chức. Ngoài ra, Lạng Sơn còn chủ động, tích cực tham gia các sự kiện quảng bá DSVH tại các tỉnh, thành khác. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, Lạng Sơn đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, nổi bật như: Hội Hoa đào Xứ Lạng; Tuần Văn hóa – Du lịch Lạng Sơn 2017 lần đầu tiên; Liên hoan du lịch Mẫu Sơn năm 2017; Ngày hội Na Chi Lăng lần thứ nhất; Ngày văn hóa du lịch và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tại Hà Nội năm 2017…
Có thể thấy, DSVH của Lạng Sơn đã và đang được quan tâm bảo tồn, phát huy hiệu quả, đúng hướng. Với sự nỗ lực chung của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH sẽ tương xứng với nhịp độ phát triển, là nguồn tài nguyên quan trọng góp phần làm nên diện mạo, bản sắc xứ Lạng trong hội nhập và phát triển.
VIỆT THỊNH
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()