Khơi dậy tinh thần sáng tạo
Năm năm qua, Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong tổ chức công đoàn Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam được triển khai toàn diện, phát triển sâu, rộng, đạt kết quả thiết thực. Phong trào thi đua góp phần động viên, cổ vũ tinh thần sáng tạo của đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ), người lao động (NLĐ) trong công tác, lao động sản xuất.
Với phương châm “Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS)”, thời gian qua, tổ chức công đoàn BTTM QĐND Việt Nam triển khai nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa, sát với nhiệm vụ, đặc thù tổ chức CĐCS và yêu cầu thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó, hoạt động công đoàn BTTM QĐND Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng, có bước phát triển mới, vững chắc và toàn diện. Các phong trào thi đua, nhất là Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong các tổ chức CĐCS có sự đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo, đạt hiệu quả thiết thực.
Nghiên cứu bảo đảm kỹ thuật khí tài tác chiến điện tử tại Trung tâm 80, Cục tác chiến điện tử, Bộ Tổng Tham mưu. Ảnh: TRUNG HIẾU |
Một trong những mục tiêu xuyên suốt mà phong trào thi đua hướng tới là các tổ chức công đoàn luôn quan tâm, coi trọng việc phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, các ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất, kinh doanh. Theo Thiếu tướng Chu Văn Đoàn, Chủ nhiệm Chính trị BTTM QĐND Việt Nam: Để phong trào thi đua đạt hiệu quả thiết thực, khơi dậy động cơ đúng đắn, sự tham gia hưởng ứng đông đảo, với tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ, ĐVCĐ, NLĐ, Đảng ủy, thủ trưởng BTTM, cấp ủy, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp xác định công tác tuyên truyền, vận động là yếu tố tiên quyết trong quá trình triển khai.
Theo đó, nhiều hình thức tuyên truyền linh hoạt, sáng tạo được các tổ chức CĐCS tổ chức thực hiện, như: Tham quan, truyền thông trực tiếp, gián tiếp; các cuộc thi, hội thi nâng cao tay nghề, luyện chuyên môn… thông qua phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook. Trong đó, đặc biệt chú trọng phổ biến và nhân rộng gương điển hình vượt khó trong tham gia nghiên cứu các công trình, đề tài, sáng kiến hữu ích ở các cấp độ khác nhau, mang lại nhiều lợi ích cho đơn vị, doanh nghiệp, xã hội và bản thân NLĐ”.
Cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, trên cơ sở bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp, tổ chức CĐCS chủ động xây dựng các mô hình, khẩu hiệu, phương châm hành động phù hợp, sát thực tiễn, gắn với đặc thù nhiệm vụ của từng tổ chức công đoàn với nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, đặt trang trọng ở những vị trí dễ nhìn, dễ thấy, được NLĐ hưởng ứng, ví như: “Chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn, hiệu quả” của các nhà khách; “Tốc độ, chuyên nghiệp, hiệu quả” của Công ty Dịch vụ đối ngoại; “Nhanh hơn, đẹp hơn, năng suất hơn” của Nhà máy In Bộ Quốc phòng; “Thiết kế từ tâm, nâng tầm chất lượng” của Viện Thiết kế Bộ Quốc phòng; “Hợp tác cùng phát triển” của Công ty Trắc địa Bản đồ; “An toàn, hiệu quả, phát triển vững chắc” của Công ty 59…
Song song với đó, tổ chức CĐCS làm tốt việc giao nhiệm vụ cho người có tay nghề cao, hướng dẫn, giúp đỡ người mới vào nghề, người có tay nghề còn hạn chế; coi trọng bồi dưỡng, rèn luyện tay nghề qua thực tiễn công việc, kết hợp với mời chuyên gia bồi dưỡng, tập huấn; tham quan trình diễn tay nghề giỏi. Hằng năm tổ chức tốt việc thi nâng bậc thợ, thi thợ giỏi cấp cơ sở; hội thi “Thợ giỏi cơ khí” cấp toàn quân… (tham gia hội thi “Thợ giỏi cơ khí” cấp toàn quân đoạt giải nhì tập thể, 5/5 cá nhân đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” và “Thợ giỏi”).
Công tác đánh giá tay nghề được chú trọng. Hằng tháng, thông qua thực tiễn thực hiện công việc, chất lượng sản phẩm, các đơn vị đều tiến hành xếp loại, đánh giá cụ thể đến từng ĐVCĐ, NLĐ; có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời; có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với lao động có tay nghề cao, có năng suất, chất lượng sản phẩm tốt; đồng thời có biện pháp điều chỉnh kịp thời để củng cố, nâng cao tay nghề cho NLĐ.
Có thể khẳng định, bằng những giải pháp đồng bộ, bài bản, cụ thể, Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong BTTM QĐND Việt Nam ngày càng đi vào thực chất, góp phần khắc phục khâu yếu, mặt yếu trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ ở từng cơ quan, đơn vị; khuyến khích tinh thần tự học, tự rèn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của NLĐ. Thông qua phong trào, trình độ, tay nghề ĐVCĐ, NLĐ từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Qua phong trào thi đua, nhiều đề tài, sáng kiến tiêu biểu do ĐVCĐ, NLĐ làm chủ có giá trị được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, công tác quản lý, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Giai đoạn 2017-2022, có hơn 500 công trình, đề tài, giải pháp, sáng kiến do ĐVCĐ, NLĐ tham gia đăng ký, làm lợi hàng chục tỷ đồng; nhiều tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng. Cũng qua rèn luyện thực tiễn, nhiều cá nhân tiêu biểu được xem xét đề nghị cấp có thẩm quyền thăng quân hàm, nâng lương trước niên hạn; nhiều đồng chí cán bộ, ĐVCĐ trưởng thành và được tổ chức tin tưởng giao giữ vị trí lãnh đạo, chỉ huy, quản lý ở các cơ quan, đơn vị.
Ý kiến ()