Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong nhà trường
(LSO) – Những năm qua, bên cạnh việc lựa chọn các bài giảng phù hợp về khởi nghiệp kinh doanh vào trong chương trình học, các nhà trường trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên cho học sinh tham gia cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp, để khuyến khích học sinh, sinh viên xây dựng các ý tưởng hình thành tư duy khởi nghiệp.
Ngày 30/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường; tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Qua 3 năm thực hiện đề án, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã xây dựng tiêu chí các nhà trường, đơn vị khởi nghiệp, đặc biệt là xây dựng tài liệu, kỹ năng về khởi nghiệp.
Học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn với ý tưởng khởi nghiệp từ bán các sản phẩm đặc trưng của Xứ Lạng
Thầy giáo Hoàng Văn Tặng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Lộc Bình cho biết: Giáo dục khởi nghiệp trong nhà trường không phải là dạy học sinh cách làm ăn buôn bán mà là giúp các em hình thành nên tư duy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, qua đó hiểu được sở thích bản thân, đưa ra những lựa chọn phù hợp. Đồng thời dạy các em hình thành tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc nghiêm túc và đúng đắn sau này.
Thực tế việc định hướng khởi nghiệp cho học sinh đã được đưa vào từ bậc học phổ thông để “tạo lập doanh nghiệp”, và được giảng dạy chính khóa ở môn công nghệ khối lớp 10 với 11/54 tiết như: Doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; Lựa chọn lĩnh vực kinh doanh; Xác định kế hoạch kinh doanh; Thành lập doanh nghiệp; Quản lý doanh nghiệp… nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản về kinh doanh và doanh nghiệp.
Cùng với dạy khởi nghiệp, hơn 10 năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi khoa học – kỹ thuật dành cho học sinh trung học, mỗi năm thu hút trên 100 mô hình, sản phẩm của học sinh tham dự, và gần đây là tổ chức ngày hội khởi nghiệp cấp tỉnh và cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên. Thống kê từ khi phát động cuộc thi từ năm 2018 đến nay, có hơn 200 sản phẩm và ý tưởng khởi nghiệp của các em học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia, chủ yếu về các lĩnh vực như: khoa học – công nghệ kỹ thuật; văn hóa, giáo dục; nông nghiệp và lĩnh vực dịch vụ thương mại. Trong đó có 92 sản phẩm dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được đánh giá tốt về tính sáng tạo, sự mới mẻ cũng như tính thực tế trong ý tưởng.
Thông qua các cuộc thi này đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, nhiều sản phẩm được “cộng điểm” khi có thể ứng dụng với giá thành thấp, phù hợp với túi tiền của khách hàng. Em Ngô Thế Thụ, sinh viên năm thứ 3, lớp cao đẳng điện công nghiệp, Trường Cao đẳng Công nghệ và nông lâm Đông Bắc chia sẻ: Sau khi khảo sát thực tế ở một số tỉnh như: Bắc Giang, Hải Dương, nhận thấy các trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng quy mô vừa và nhỏ vẫn còn khá lạc hậu, năng suất thấp nên em cùng bạn mình nghiên cứu, phát triển Dự án Hệ thống tự động hóa trong chăn nuôi gà đẻ với các ưu điểm nổi bật như: hệ thống giúp tự động nâng hạ máng ăn theo giờ đã cài đặt, tránh lãng phí thức ăn, tiết kiệm nhân công; thời gian chiếu sáng của hệ thống tối thiểu 16 tiếng một ngày, giúp tăng năng suất gà đẻ và có thể tự động hóa làm mát với nhiệt độ phù hợp để cho gà phát triển tốt, giúp vệ sinh chuồng trại và chuồng trại luôn thoáng mát. Qua đó được ban giám khảo đánh giá cao về tính ứng dụng.
Tuy nhiên, bên cạnh việc các nhà trường đã khuyến khích được sự sáng tạo của học sinh, sinh viên thì vẫn còn những hạn chế như: phần lớn các trường mới chỉ tạo ra được môi trường để đổi mới sáng tạo chứ chưa thực sự tạo ra được môi trường để hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Bởi môi trường khởi nghiệp đúng nghĩa là phải tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp để các em có thể “chơi thử”, thử nghiệm ý tưởng, thử thách bản thân.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để khuyến khích học sinh mạnh dạn trình bày các ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo của mình thì bên cạnh phân công giáo viên hướng dẫn, giúp đỡ học sinh phát triển kỹ năng, các trường cần chú trọng tổ chức cho học sinh tham quan thực tế những mô hình sáng tạo của trường bạn; tọa đàm, giao lưu, chia sẻ, giúp học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng để phát triển ý tưởng. Đồng thời, các trường đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo cho học sinh; tạo điều kiện cho các em tham gia vào các cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp, giúp các em có cơ hội đưa sản phẩm vào phục vụ học tập và đời sống xã hội, tạo sức lan tỏa phong trào sáng tạo, khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.
Ý kiến ()