Khơi dậy tinh thần Điện Biên
Càng đến gần Đại lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, không khí thi đua cao điểm "Tiếp bước chiến sĩ Điện Biên - Tiến lên giành ba nhất" của Sư đoàn 316 (Quân khu 2) càng sôi động. Từ cơ quan, đơn vị đến mỗi cán bộ, chiến sĩ đã phát huy tinh thần "quyết chiến, quyết thắng" của thế hệ ông cha tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
Thượng tá Đỗ Xuân Tụng, Chính ủy Sư đoàn 316 tự hào: Đại đoàn 316 là một trong những đơn vị chủ lực của Quân đội ta, trực tiếp tham gia và lập công lớn ở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ cuối năm 1953, tức là sau gần ba năm thành lập, Đại đoàn đã được cấp trên điều động hành quân thần tốc lên giải phóng Tây Bắc, phá thế chủ động trong Kế hoạch Na-va, góp phần thực hiện ý định chiến lược của Đảng ta là, buộc chúng phải điều quân xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sử sách còn ghi, chiến công của Sư đoàn trong các trận đánh ác liệt trên Đồi A1, C1… và chính Đại đoàn 316 đã thực hiện quả bộc phá nghìn cân trên đồi A1, làm hiệu lệnh cho cuộc tổng công kích vào sào huyệt cuối cùng của thực dân Pháp ở Điện Biên.
Triển khai phong trào thi đua, Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn rất trăn trở để giữ vững ổn định, lập nhiều thành tích, chiến công mới, xứng đáng tầm vóc một Đại đoàn chủ lực từng tham gia chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên. Từ quý III-2013, toàn Đảng bộ Sư đoàn đã mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng với chủ đề: “tự soi, tự sửa”, nhằm tạo chuyển biến vững chắc trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.”Đợt sinh hoạt chính trị này được ví như một “chiến dịch” và đã thành công lớn” – Đại tá Trần Minh Phong, Sư đoàn trưởng khẳng định.
Cùng với đẩy mạnh thi đua nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Sư đoàn còn luôn chú trọng thực hiện các biện pháp để tiếp nối tinh thần chiến sĩ Điện Biên.100% số cán bộ, chiến sĩ viết tay bản đăng ký thi đua gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Với quan điểm “có hiểu truyền thống mới phát huy truyền thống”, Sư đoàn đã triển khai nhiều biện pháp “hâm nóng” tinh thần Điện Biên trong cán bộ, chiến sĩ như: Xây dựng chiến lệ điện tử “Sư đoàn 316 trong chiến dịch Điện Biên Phủ”; viết đề cương truyền thống và làm phim lịch sử truyền thống Sư đoàn. Trong tháng Thanh niên, đúng ngày 26-3 vừa qua, Sư đoàn hoàn thành giai đoạn 1 xây dựng mô hình “Đồi cây tri ân”. Đây là một mô hình mới, sáng tạo trong giáo dục, phát huy truyền thống cho tuổi trẻ đơn vị. Tuổi trẻ Trung đoàn 174 đã triển khai hình thức sinh hoạt truyền thống: “mỗi tuần một câu chuyện Điện Biên”, “mỗi tuần một lời thề, một điều kỷ luật”…để rút kinh nghiệm và nhân rộng trong toàn Sư đoàn. Trên các thao trường, bãi tập, không khí thi đua “vượt nắng, thắng mưa” diễn ra sôi động, khẩn trương.
Cùng với đẩy mạnh phong trào thi đua trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, dịp này, Sư đoàn còn cử gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ luyện tập đội ngũ, phục vụ Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là “trọng trách” với nhiệm vụ, với truyền thống. Nhận thức ý nghĩa đó, ngay từ tháng 2, Sư đoàn đã tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ bình chọn, để anh em tham gia đội ngũ, chuẩn bị trở lại Điện Biên phải là những người đủ tiêu chuẩn về thể lực, sức khỏe, có trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cuối tháng ba, trong tiết trời “rét ngọt”, mưa phùn lây phây kéo dài, cán bộ, chiến sĩ đơn vị vẫn kiên trì miệt mài luyện tập. Chính ủy Sư đoàn, Thượng tá Đỗ Xuân Tụng cho biết: Lớp chiến sĩ trẻ đơn vị hôm nay không hề quay lưng lại với truyền thống. Trong những lần trò chuyện, tâm sự, trao đổi với bộ đội trong lúc nghỉ giải lao trên bãi tập, bài học truyền thống luôn được cán bộ, chiến sĩ ôn lại, giáo dục chiến sĩ Sư đoàn từng có hơn một nghìn cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh, nằm lại ở mặt trận Điện Biên Phủ. Rất nhiều cựu chiến binh còn mang trên mình vết thương hoặc di chứng của chiến tranh. Sau chiến thắng, Sư đoàn lại có quãng thời gian trở lại chiến trường xưa, xây dựng các nông trường Điện Biên trước khi sang Lào và vào miền nam chiến đấu… Các chiến sĩ trẻ rất bồi hồi, xúc động, tự giác hăng say luyện tập. Có buổi hết giờ, mà anh em vẫn tranh thủ giờ nghỉ luyện tập với mong muốn sớm được “trở lại Điện Biên”.
Với tinh thần bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Điện Biên năm xưa, Sư đoàn chủ động xin ý kiến cấp trên, phối hợp các cơ quan, đơn vị đứng chân trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, thành lập tổ tăng gia sản xuất “tiền phương” tại Điện Biên, cách đơn vị gần 500 km. Chúng tôi hiểu đó chính là tinh thần Điện Biên Phủ năm xưa đã và đang được khơi nguồn, làm sống dậy trong cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 Anh hùng hôm nay…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()