Khơi dậy tiềm năng, phát triển kinh tế
(LSO) – Để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới, Lạng Sơn đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để khai thác tiềm năng, lợi thế của một tỉnh biên giới, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư.
Vị trí đắc địa
Lạng Sơn là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước ASEAN, là điểm đầu tiên của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng (Việt Nam), nằm cạnh tam giác kinh tế trọng điểm của quốc gia Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Với hệ thống gồm 12 cửa khẩu quốc tế, quốc gia và các cửa khẩu phụ, từ năm 2007, Lạng Sơn đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt – Trung đến năm 2020 với mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực chủ đạo phía Đông của miền Bắc.
Doanh nghiệp Lạng Sơn và doanh nghiệp Hà Nội ký kết hợp tác tiêu thụ nông sản. Ảnh: Đỗ Hoạt
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, đây là điểm nhấn để đưa Lạng Sơn thành nơi thu hút hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới tốp đầu quốc gia. Đến nay, khu kinh tế vẫn đang được đầu tư, phát triển mạnh và từng bước trở thành trung tâm, đầu mối quan trọng kết nối hợp tác kinh tế giữa Lạng Sơn – Quảng Tây nói riêng và giữa hai nước Việt – Trung nói chung.
Ông Phan Hồng Tiến, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Ban đã tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, xây dựng và trình Chính phủ Đề án điều chỉnh phạm vi khu kinh tế cho phù hợp với thực tế để phát triển kinh tế cửa khẩu trên toàn bộ tuyến biên giới thuộc tỉnh, gắn với phát triển kinh tế – xã hội 21 xã, thị trấn biên giới. Đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng theo chủ trương phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn trở thành khu kinh tế cửa khẩu biên giới trọng điểm của cả nước trong giai đoạn 2016 -2020.
Nằm ở vị trí chiến lược về kinh tế – chính trị của đất nước nên hệ thống giao thông của Lạng Sơn khá hoàn chỉnh về đường bộ và đường sắt gồm: tuyến quốc lộ 1A từ Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đến thủ đô Hà Nội khoảng 165 km; quốc lộ 4A kết nối với tỉnh Cao Bằng; quốc lộ 4B kết nối với hệ thống cảng biển của tỉnh Quảng Ninh; quốc lộ 1B kết nối với tỉnh Thái Nguyên… Đặc biệt, tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn được đưa vào khai thác trong năm 2020 sẽ mở ra cơ hội rất lớn trong phát triển kinh tế – xã hội.
Lợi thế so sánh
Bên cạnh vị trí đặc địa, Lạng Sơn còn có lợi thế so sánh vượt trội trên các lĩnh vực ngoài thương mại biên giới. Để khơi dậy tiềm năng, thu hút đầu tư vào địa bàn, từ năm 2010 trở lại đây, tỉnh đã đề ra 3 chương trình trọng tâm đột phá để phát triển kinh tế đó là: tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế cửa khẩu; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông. Hiện thực hóa các nhiệm vụ trọng tâm này, công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển từng ngành, lĩnh vực được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Tuyến đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đang đuợc khẩn trương hoàn thiện
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Theo thống kê của ngành, tính đến hết năm 2018, tỉnh đã thực hiện 340 quy hoạch, các quy hoạch đã phê duyệt đều đáp ứng được yêu cầu, xác định được các nhiệm vụ trọng tâm, quan điểm phát triển, mục tiêu chiến lược và phương án phát triển phù hợp. Từ đó, tỉnh đã từng bước giải quyết được các vấn đề then chốt, xác định các phương án đầu tư hợp lý, tính khả thi cao, có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển kinh tế – xã hội, phù hợp với nhiệm vụ, mục tiêu phát triển chung của cả nước.
Cụ thể, trên lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, tỉnh đã quy hoạch định hướng phát triển chuỗi giá trị các ngành hàng sản phẩm nông lâm sản chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2025 như: sản phẩm hồi, phát triển vùng cây gỗ lớn, vùng cây lương thực, thực phẩm rau, củ, quả… Việc định hướng phát triển bảo đảm phù hợp với điều kiện đất đai, các loại cây, con đặc trưng với từng vùng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư khảo sát, thực hiện các dự án về nông nghiệp, nông thôn.
Riêng lĩnh vực quy hoạch các khu công nghiệp, tỉnh đã lập quy hoạch gồm 12 khu, cụm công nghiệp trên địa bàn với diện tích khoảng 1.500 ha, quy hoạch khu chế xuất, cảng cạn phục vụ phát triển logictics. Về quy hoạch phát triển đô thị, tỉnh đã xây dựng kế hoạch xác định danh mục để thu hút đầu tư lĩnh vực này với 65 dự án, tổng diện tích gần 3.400 ha trong phạm vi toàn tỉnh.
Thúc đẩy kinh tế
Với những tiềm năng và lợi thế so sánh nổi bật, những năm qua, Lạng Sơn đã không ngừng vươn lên trở thành một vùng kinh tế trọng điểm của khu vực phía Bắc. Trong đó, với ưu thế về phát triển thương mại biên giới, đến năm 2018, tỉnh đã thu hút gần 3.000 doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn với tổng kim ngạch đạt gần 5 tỷ USD, trong 9 tháng đầu 2019 đạt 3,2 tỷ USD.
Xe hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị
Trong giai đoạn 2016 – 2018, Lạng Sơn đã triển khai 15 dự án trọng điểm với tổng mức vốn đầu tư lên đến gần 8.000 tỷ đồng, chủ yếu xây dựng giao thông để tạo động lực phát triển kinh tế. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh đang có 41 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 237 triệu USD và các dự án của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước như: Sun Group, Vin Group, Hòa Phát, Apec…
Đặc biệt, những năm qua, Lạng Sơn đã khai thác được lợi thế về sản xuất nông, lâm nghiệp, đã tạo dựng được thương hiệu và vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Điển hình như các vùng cây ăn quả với các đặc sản: na, quýt, hồng; cây công nghiệp dài ngày với vùng hồi, quế và thông. Khai thác lợi thế từ kinh tế đồi rừng, tỉnh đã trở thành vùng xuất khẩu nguyên liệu gỗ công nghiệp lớn trong cả nước với sản lượng, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp theo giá thực tế tăng từ 657 tỷ đồng năm 2010 lên 3.659 tỷ đồng năm 2018.
Có thể khẳng định: tiềm năng kinh tế của Lạng Sơn đã được đánh thức, cơ cấu kinh tế đang được chuyển dịch đúng hướng theo xu thế chung của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm giai đoạn 2011 – 2018 đạt 8 – 9%, trong đó, ngành nông, lâm nghiệp tăng 3 – 4%; công nghiệp – xây dựng tăng 9 – 11%; dịch vụ tăng 10 – 12%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, nông lâm nghiệp chiếm 20,30%, công nghiệp – xây dựng 19,68%, dịch vụ 49,78%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt gần 40 triệu đồng.
Theo đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Lạng Sơn, trong giai đoạn 2019 – 2025, Lạng Sơn ưu tiên thu hút đầu tư đối với dự án thuộc các lĩnh vực: logistics và kinh tế của khẩu; xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn; phát triển du lịch. Đồng thời, cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư khi thực hiện các dự án đầu tư tại Lạng Sơn.
Lạng Sơn cách Hà Nội trên 150 km, cách Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) 200 km; diện tích tự nhiên 810.000 ha, trong đó: đất nông, lâm, ngư nghiệp 687.439 ha với diện tích chưa sử dụng và có khả năng sử dụng là 94.521 ha; đất công nghiệp – thương mại – dịch vụ hơn 1.725 ha với 1.298 ha được quy hoạch khu, cụm công nghiệp. Về lợi thế công nghiệp, tỉnh có nguồn tài nguyên đá vôi dồi dào, là nguồn nguyên liệu quý cho sản xuất vật liệu xây dựng và chế tác đá mỹ nghệ;… |
ANH DŨNG – CÔNG QUÂN
Ý kiến ()