Khơi dậy sức trẻ vùng biên
Một góc khu dân cư làng thanh niên lập nghiệp xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng |
Ngày ấy chưa phải đã xa, mới chỉ hơn 5 năm trước, vùng đất hợp bởi các thôn Cò Luồng, Nà Hình, xã Thụy Hùng với Nà Tồng, xã Trùng Khánh được ví như hoang đảo giữa đất liền. Điều kiện nơi đây khó khăn, khắc nghiệt. Không đường, cũng chẳng điện, sợi dây duy nhất nối vùng này với chợ Na Hình là vệt mòn bé tẹo vắt qua những núi cao như dựng đứng. Khó vậy nên một thời người dân lần lượt rời làng mà đi. Làm sao để người dân bám đất, bám làng; cách nào để vùng biên hết khó…Những cây hỏi đau đáu trong cả hệ thống chính trị.
Xuất phát từ chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về việc xây dựng dự án Làng thanh niên lập nghiệp biên giới, từ cuối năm 2007, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với Tỉnh đoàn triển khai thực hiện và hoàn thành việc lập dự án Làng thanh niên lập nghiệp biên giới Thụy Hùng, tỉnh Lạng Sơn. Và vào ngày cuối cùng của Tháng Thanh niên năm 2008, làng đã chính thức được khởi công với tổng diện tích 1.266ha, mục tiêu nhiệm vụ xây dựng cơ cấu hạ tầng và tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp, ổn định cuộc sống cho gần 150 hộ với trên 300 lao động thanh niên trong vùng. Đây thực sự là bước ngoặt trên “ốc đảo” vùng biên, đánh dấu bước chuyển thần kỳ của vùng đất khó với nhiệt huyết và sức trẻ của những con người tiên phong.
Anh Hoàng Đăng Dũng, Trưởng Ban Công tác Thanh niên Tỉnh đoàn, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án làng thanh niên lập nghiệp Thụy Hùng bâng khuâng: bước chân vào vùng khó, Ban Quản lý dự án xác định phải đối mặt với những gian truân và công việc ngập đầu, nhưng ai cũng hăng hái, bởi cán bộ xác định tư tưởng đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng có ý nghĩa rất lớn lao. Thế rồi với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những con người trẻ tuổi vừa nghiên cứu, khảo sát, vừa vận động tuyên truyền để nhân dân trong vùng hiểu rõ chính sách, đồng thời bắt tay vào xây dựng cơ sở hạ tầng. Cùng với sự hưởng ứng của người dân, trợ giúp của các cấp, nhiều đợt tình nguyện đã được Tỉnh đoàn phát động. Những con đường bê tông bắt đầu nối vùng khó với trung tâm, đất cằn dần được phủ xanh và những ngôi nhà mới khang trang dần được dựng…Những người con của vùng khó bắt đầu quay lại làng lập nghiệp, ngày càng nhiều đơn tình nguyện xin vào vùng dự án.
Trưởng làng, Hà Văn Vui phấn khởi: các hộ mới đến được cấp đất, hỗ trợ làm nhà, đất trồng rừng, với hạ tầng sẵn có, nhiều gia đình đã đóng góp cả trăm triệu đồng để tự cải tạo thêm. Lòng kiên trì, sự năng động sáng tạo và xung kích của tuổi trẻ đã dần hình thành nên một khu dân cư mới có quy hoạch bài bản, gắn liền với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Vùng khó năm xưa nay nối liền với trung tâm bằng con đường bê tông gần 6 km song song với đường biên giới. Các tuyến đường nội thôn cũng cơ bản được cứng hóa. Điện, nước sạch hợp vệ sinh giăng giăng đến từng gia đình. Từ kinh tế đồi rừng, dịch vụ vận tải và cả kinh doanh dịch vụ tại chợ Na Hình, Làng thanh niên đã xóa được hộ nghèo, thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình đạt hơn 40 triệu đồng/năm.
Giờ đây làng thanh niên lập nghiệp Thụy Hùng đã được giao lại cho xã quản lý. Nguyên Giám đốc ban quản lý dự án Hoàng Đăng Dũng phấn khởi thông báo: qua rà soát, đánh giá, Làng thanh niên lập nghiệp Thụy Hùng đã cơ bản hoàn thành được 14 tiêu chí nông thôn mới, thêm một vài tiêu chí mềm nữa là cơ bản đạt thôn nông thôn mới. Tháng 3 – Tháng Thanh niên, trung tâm khu dân cư làng thanh niên lập nghiệp rợp cờ Tổ quốc. Cuối chiều, những đứa trẻ tan học, nhảy chân sáo trên con đường bê tông dưới tán rừng xanh ngắt. Nông thôn mới thì đối với nơi nào cũng ý nghĩa, nhưng nông thôn mới ở nơi phên dậu của đất nước thì tầm vóc và ý nghĩa cũng lớn lao hơn.
Ý kiến ()