Khơi dậy niềm tự hào về trang phục truyền thống các dân tộc
– Lạng Sơn – vùng đất chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Trong đó, trang phục truyền thống là một trong những thành tố văn hóa quan trọng, góp phần phản ánh bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Nhận thức rõ vấn đề này, những năm gần đây, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm thiết thực trong hoạt động giữ gìn phát huy trang phục truyền thống.
Người dân sửa soạn trang phục tham gia Ngày hội Văn hoá các dân tộc thành phố Lạng Sơn năm 2023
Ngày 3/7/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 117 về việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Thực hiện đề án, các cấp, ngành liên quan trong tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều biện pháp thiết thực. Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án, chia làm nhiều giai đoạn nhằm lựa chọn, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy những loại hình trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có giá trị tiêu biểu, đặc sắc. Đồng thời, đầu tư có trọng điểm để tạo ra phương thức, biện pháp bảo tồn gắn với phát triển du lịch…
Theo đó, việc bảo tồn trang phục dân tộc được chia làm 2 giai đoạn: Từ năm 2019 đến 2025 và từ năm 2026 đến 2030. Trong giai đoạn 1 từ năm 2019 đến nay, Sở VHTT&DL đã rà soát, kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống; kiểm kê và lập danh mục, nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu phim khoa học trang phục dân tộc. Cụ thể, ngành đã lập 253 phiếu kiểm kê trang phục của các dân tộc thiểu số trong tỉnh và sưu tầm khoảng 450 hiện vật về trang phục dân tộc và các hiện vật liên quan. Đồng thời, tổ chức liên hoan trình diễn trang phục hát dân ca các dân tộc; xây dựng một số sản phẩm lưu niệm về trang phục truyền thống; tuyên truyền, quảng bá, tổ chức hội thảo nhằm tập trung làm rõ vai trò, vị trí của trang phục truyền thống trong đời sống văn hóa – xã hội của cộng đồng các dân tộc Lạng Sơn.
Cùng với ngành chức năng, chính quyền các huyện, thành phố và cấp cơ sở, các tổ chức liên quan cũng đã vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống đến công sở vào các dịp kỷ niệm, ngày lễ…
Ông Lèo Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Những năm qua, UBND huyện đã chú trọng triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị trang phục các dân tộc. Các giải pháp được đưa ra thực hiện gồm tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng; khuyến khích người dân mặc trang phục vào những dịp lễ, tết; nghiên cứu phục dựng quy trình may, thêu trang phục dân tộc… Cùng đó, UBND huyện và các xã, thị trấn khuyến khích đồng bào mặc trang phục dân tộc trong các cuộc hội họp, tham gia lễ hội, sự kiện, giao lưu văn hóa văn nghệ. Đơn cử như tại Lễ hội cầu mùa xã Mông Ân (mùng 10 tháng Giêng), UBND huyện đã phát động tuần lễ mặc trang phục truyền thống dân tộc huyện Bình Gia năm 2023. Tuần lễ đã trở thành một sự kiện có ý nghĩa, thu hút hơn 6.000 lượt cán bộ, đảng viên, người dân tham gia.
Ngoài huyện Bình Gia, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng phát động phong trào mặc trang phục truyền thống thông qua việc xây dựng không gian văn hoá qua các sự kiện. Tiêu biểu như năm 2022, ngày hội văn hoá các dân tộc với hoạt động mặc trang phục truyền thống được các huyện Cao Lộc, Bắc Sơn, Lộc Bình tổ chức… Mới đây nhất tháng 10/2023, UBND huyện Chi Lăng khai mạc Lễ hội văn hoá các dân tộc huyện Chi Lăng và UBND thành phố Lạng Sơn tổ chức Ngày hội Văn hoá các dân tộc… Qua đó, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Chị Hà Thị Huệ, khu Hữu Nghị, thị trấn Đồng Mỏ cho biết: Tôi là người dân tộc Tày. Gia đình tôi cũng như những hộ dân khác trong thôn đều có trang phục truyền thống và thường mặc vào những ngày lễ, tết, sự kiện trọng đại của gia đình, dòng họ. Hưởng ứng phong trào do UBND huyện phát động, năm nay tôi và nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp (trong đó có nhiều người không phải người dân tộc thiểu số) đã hưởng ứng mặc trang phục dân tộc. Qua đây, chúng tôi rất tự hào về trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Chị Trần Ngọc Anh, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội cho biết: Cách đây ít ngày, tôi đã có dịp được tham gia Ngày hội Văn hoá các dân tộc thành phố Lạng Sơn và vô cùng ấn tượng về quy mô tổ chức. Ấn tượng nhất đối với tôi đó là hình ảnh rất nhiều người tham gia ngày hội diện những bộ trang phục sặc sỡ của đồng bào các dân tộc Xứ Lạng. Qua đây, tôi hiểu hơn về vùng đất, con người nơi đây.
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh và sự đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, tin rằng những nét đẹp trong trang phục truyền thống của Nhân dân các dân tộc của Lạng Sơn sẽ tiếp tục được gìn giữ và phát huy, trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc của Xứ Lạng.
Ý kiến ()