Khơi dậy nguồn lực “nội sinh” của các nhà trường
Cùng hoạt động với học sinh – phương pháp dạy học tích cực ở Trường Mầm non xã Mai Pha (TP Lạng Sơn) |
Dân chủ hóa và minh bạch hóa
Năm học 2013-2014, Trường THPT Tràng Định có 1.450 học sinh và 95 giáo viên, trong đó tỷ lệ giáo viên hợp đồng chiếm 16,3%. Một trường đông như vậy, nếu không thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong trường học và Quy chế “3 công khai” rất dễ xảy ra tình trạng vi phạm các quy định về đánh giá đội ngũ giáo viên, quy chế chỉ tiêu nội bộ, nhất là các quy định của pháp luật về mua sắm tài sản công… Như vậy, đội ngũ cán bộ dễ vi phạm kỷ luật, nội bộ sẽ mất đoàn kết và không hoàn thành nhiệm vụ. Thực hiện các quy định của ngành, nhà trường phối hợp với Công đoàn, đưa các nội dung của cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương trách nhiệm” thành những tiêu chí cụ thể cần phải làm trong năm học. Theo đó, kế hoạch năm học được xây dựng trong hội nghị cán bộ công chức đầu năm được cụ thể hóa bằng kế hoạch hằng tháng, tuần; chế độ hội họp được thực hiện nghiêm túc. Việc mua sắm tài sản công theo thẩm quyền được Ban Giám hiệu lấy ý kiến công khai của tập thể hội đồng nhà trường. Công tác thi đua khen thưởng được triển khai rõ ràng về tiêu chuẩn và được xây dựng từ cấp tổ trở lên. Việc thực hiện “3 công khai” (Công khai về chất lượng giáo dục, điều kiện đảm bảo, công thu chi tài chính) và công khai các chế độ được hưởng của giáo viên, nhất là giáo viên hợp đồng được niêm yết đầy đủ để giáo viên, học sinh và phụ huynh được biết.
Cô giáo Nguyễn Thị Định, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: dân chủ hóa và minh bạch hóa để cán bộ giáo viên (CBGV) biết, CBGV làm và họ kiểm tra sẽ tránh được những “dị nghị”, giáo viên cảm thấy mình được tôn trọng, làm chủ nhà trường và qua đó phát huy được sức mạnh của tập thể trong công tác dạy và học.
Không chỉ có Trường THPT Tràng Định, mà trong 10 năm qua, tất cả các nhà trường trên địa bàn tỉnh đều đã thực hiện dân chủ hóa nhà trường và Quy chế “3 công khai”. Kết quả kiểm tra năm 2014 của Sở GD&ĐT cho thấy việc công khai về chất lượng, điều kiện đảm bảo và thu chi tài chính đã có 100% đơn vị trực thuộc thực hiện công khai đầy đủ các biểu mẫu, thông tin phản ánh trung thực.
Nâng cao kỷ cương, kỷ luật nhà trường.
Song song với công tác chăm lo củng cố đội ngũ CBGV, nhân viên, việc thực hiện kỷ cương, nền nếp và kỷ luật nhà trường được tăng cường. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường được quan tâm. Đến nay tất cả các trường đều có tủ sách pháp luật hoặc ngăn sách pháp luật trong thư viện giáo dục. Việc tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, lối sống, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ giáo viên; thay phương pháp “kỷ luật truyền thống” bằng phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực đối với học sinh đã mang lại hiệu quả rõ nét. Thầy giáo Đặng Hồng Cường, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Bắc cho biết: phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực là một sự “tự nhận thức” của học sinh về hành vi của mình dưới sự tác động tích cực của giáo viên qua tư vấn học đường. Đó cũng là một hình thức “dân chủ hóa” trong kỷ luật. Bằng hình thức này, học sinh cảm thấy mình được tôn trọng và tự biết phải làm gì để khắc phục. Năm học 2013-2014, nhà trường còn 26 học sinh vi phạm (9 học sinh đánh nhau, 8 học sinh vi phạm ATGT, 1 học sinh vô lễ với giáo viên và 8 học sinh đánh bài), so với năm học 2011-2012 giảm 44 học sinh- tỷ lệ giảm trên 70%).
Từ năm học 2012-2013, phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực được nhân rộng ra tất cả các nhà trường. Đến năm học 2013-2014, toàn ngành đã có 2.325 cuộc hội thảo cấp lớp, 755 cuộc hội thảo cấp trường về giáo dục đạo đức, lối sống; có 2.220 cuộc hội thảo cấp lớp và 837 cuộc hội thảo cấp trường về phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực; có 4.739 giáo viên tham gia tổ tư vấn học đường và đã tư vấn được 52.810 lượt học sinh sinh viên. Toàn ngành có 8 học sinh bị đuổi học 1 năm, 35 học sinh bị đuổi học 1 tuần và 104 học sinh bị kỷ luật cảnh cáo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Qua 10 năm thực hiện cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, đã chứng tỏ việc lồng ghép “hai trong một” này là đúng đắn, nguồn lực “nội sinh” trong các nhà trường được phát huy. Vì khi khắc phục được tình trạng thiếu dân chủ trong trường học, thì tinh thần, ý thức trách nhiệm của đội ngũ CBGV được nâng lên, kỷ cương nhà trường được thực hiện tốt và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đi vào chiều sâu.
Ý kiến ()