Khơi dậy nét đẹp trong các lễ hội Xuân Xứ Lạng
LSO-Tỉnh ta có 7 dân tộc anh em: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa, H’mông, Sán chay, sinh sống tại địa bàn của 226 xã, phường, thị trấn. Trải qua nhiều thập kỷ, biết bao các thế hệ dân cư đã lập thân, lập nghiệp gắn bó với mảnh đất quê hương và hình thành nên những phong tục, tập quán.
Tại mỗi địa phương, các dân tộc, dòng tộc đều xây dựng nên những nét đẹp văn hoá, tròi chơi dân gian và xây dựng các lễ hội, nhằm thu hút đông đảo nhân dân thập phương đến chung vui trẩy hội và cùng tham dự các hoạt động văn hoá tại lễ hội.
![]() |
Rước kiệu Lễ hội Đền Kỳ Cùng năm 2013 |
Theo số liệu của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh có khoảng 340 lễ hội với quy mô khác nhau; trong đó, lễ hội “lồng tồng” tại địa bàn các xã chiếm khoảng 90% tổng số các lễ hội trên địa tỉnh; còn lại là lễ hội gắn với di tích tín ngưỡng, lễ hội lịch sử cách mạng. Trong những năm gần đây, do tác động mặt trái của cơ chế thị trường, nhiều lễ hội đã bị lãng quên; hiện tại, trên địa bàn tỉnh chỉ còn tồn tại trên 100 lễ hội. Lễ hội được tổ chức ngay từ đầu tháng Giêng âm lịch và kết thúc trong tháng 4 âm lịch hàng năm. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và Chỉ thị số 25 /CT-BCT của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, trong nhiều năm qua, các cấp, các ngành, đã quan tâm chỉ đạo hoạt động lễ hội.
Tại 3 cấp: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, phường, thị trấn đều quan tâm phục dựng một số lễ hội truyền thống và lễ hội dân gian. Đối với cấp tỉnh, từ năm 1998 đến nay, toàn tỉnh thực hiện bảo tồn 26 hạng mục lễ hội với tổng kinh phí gần 2,4 tỷ đồng; trong đó ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã tiến hành bảo tồn phục dựng thành công 8 lễ hội từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) với tổng kinh phí thực hiện trên 1 tỷ đồng. Một số lễ hội chính được phục dựng như: năm 2012 phục dựng lễ hội Đình Cao Sơn, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng với kinh phí hỗ trợ 150 triệu đồng; lễ hội Háng Ví, xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng, với kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng; năm 2013 phục dựng lễ hội Nàng Hai, xã Chí Minh, huyện Tràng Định thực hiện với kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng… Bên cạnh công tác bảo tồn phục dựng một số lễ hội, tại một số điểm di tích lịch sử, di tích cách mạng, các hoạt lễ hội mang tính lịch sử được chính quyền các địa phương duy trì tốt, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến dự, mang tính giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha ông..
Nhìn chung các lễ hội sau khi phục dựng hàng năm đều duy trì tốt, khơi dậy các nét đẹp văn hoá dân tộc. Tại các lễ hội, ban tổ chức lễ hội các địa phương đã chủ động phối hợp với cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể nhân dân tuyên truyền về bảo đảm trật tự an ninh, thực hiện nghiêm Chỉ thị 406/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm mua bán, vận chuyển và đốt pháo nổ; tuyên truyền Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh; tổ chức các hoạt động tế lễ, dâng hương, cúng bái theo nghi lễ truyền thống; tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ như: hát sli, hát lượn, hát then, hát dân ca; tổ chức các trò chơi dân gian: múa sư tử, biểu diễn võ dân tộc, tung còn, kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo và các môn thể thao thu hút đông đảo nhân dân tham dự.
Một số lễ hội chính được Sở VH,TT&DL phối hợp với chính quyền các huyện tổ chức thường niên thu hút đông đảo du khách mọi miền tham dự như: lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng (10 tháng Giêng); lễ hội chùa Bắc Nga (15 tháng Giêng); lễ hội rước kiệu Đền Kỳ Cùng (27 tháng Giêng). Đối với cấp huyện: có lễ hội Lồng tồng xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn), lễ hội Trò Ngô xã Thịên Kỵ (Hữu Lũng), lễ hội Báo Slao xã Quốc Khánh (Tràng Định)… là những lễ hội được ngành chức năng phối hợp với chính quyền sở tại phục dựng trong những năm qua, nay được duy trì đều đặn qua các năm. Nhìn chung các lễ hội diễn ra đều thực hiện đúng quy chế, quyết định tổ chức lễ hội của Bộ VH,TT&DL ban hành, theo tinh thần đảm bảo tiết kiệm, không phô trương hình thức, tạo không khí vui tươi, lành mạnh. Bên cạnh những mặt đã đạt được, công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở một số nơi còn buông lỏng; tình trạng lộn xộn, mất trật tự ùn tắc giao thông, mất vệ sinh nơi công cộng; có nơi tình trạng người ăn xin, ăn mày còn diễn ra khá phổ biến; tình trạng tổ chức các trò chơi mang tính đánh bạc, xóc đĩa ăn tiền, hoạt động mê tín dị đoan gây dư luận không tốt trong xã hội.
![]() |
Biểu diễn hát then tại Lễ hội chùa Bắc Nga |
Để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động lễ hội theo đúng các quy định của Nhà nước, ngay từ tháng 12/2013, Sở VH, TT&DL đã có Công văn số 1606/SVHTTDL- NVVH về triển khai nội dung tăng cường công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh năm 2014. Nội dung yêu cầu: tổ chức các lễ hội trên tinh thần bảo đảm an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên tuyền các văn bản, quy định của Nhà nước trên lĩnh vực văn hoá và lễ hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành các quy định về quản lý văn hoá… Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, phối hợp với ban quản lý các điểm di tích, các lễ hội và sự quan tâm của ngành VH,TT&DL khơi dậy, bảo tồn các nét đẹp văn hoá tại các lễ hội, hy vọng rằng năm 2014 sẽ là năm lễ hội trên khắp các địa bàn của tỉnh diễn ra sôi nổi, an toàn và tiết kiệm, là động lực mạnh mẽ tạo ra không khí thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh tế- xã hội của địa phương.
PHAN CẦU
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()