Kỳ III: Giảm nghèo, cần xác định đúng tiềm năngLSO-Người Sán Chỉ ở Nhượng Bạn, Lộc Bình trồng cây thông từ giữa thế kỷ trước để rồi Lạng Sơn nức tiếng với HTX Nà Pán 2 lần Anh hùng lao động; người Tày ở Văn Quan phát triển cây hồi thành thương hiệu của Xứ Lạng khi 2 từ “thương hiệu” còn chưa có trong từ điển. Trong khi đó, người Dao ở Ái Quốc, Lộc Bình rất giỏi nghề rừng nhưng nuôi con lợn hàng năm trời chỉ được có 11 cân; xã Châu Sơn, huyện Đình Lập, đất lâm nghiệp chiếm tới 90 % mà tỉ trọng cả 3 ngành nông - lâm - thuỷ sản chỉ chiếm 42% cơ cấu kinh tế. Trong mỗi câu chuyện trái ngược như vậy, chúng tôi nhận thấy: Những vùng đất khó, những xã nghèo không hẳn là thiếu tiềm năng, cái thiếu chính là việc xác định đúng tiềm năng, thế mạnh để đầu tư chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm từ đó nắm bắt cơ hội vươn lên.Người dân xã Bắc Lãng (Đình Lập) chăm sóc rừng trồng mớiĐi trên Quốc lộ 4b, đoạn giáp ranh giữa Lạng...
Kỳ III: Giảm nghèo, cần xác định đúng tiềm năng
LSO-Người Sán Chỉ ở Nhượng Bạn, Lộc Bình trồng cây thông từ giữa thế kỷ trước để rồi Lạng Sơn nức tiếng với HTX Nà Pán 2 lần Anh hùng lao động; người Tày ở Văn Quan phát triển cây hồi thành thương hiệu của Xứ Lạng khi 2 từ “thương hiệu” còn chưa có trong từ điển.
Trong khi đó, người Dao ở Ái Quốc, Lộc Bình rất giỏi nghề rừng nhưng nuôi con lợn hàng năm trời chỉ được có 11 cân; xã Châu Sơn, huyện Đình Lập, đất lâm nghiệp chiếm tới 90 % mà tỉ trọng cả 3 ngành nông – lâm – thuỷ sản chỉ chiếm 42% cơ cấu kinh tế. Trong mỗi câu chuyện trái ngược như vậy, chúng tôi nhận thấy: Những vùng đất khó, những xã nghèo không hẳn là thiếu tiềm năng, cái thiếu chính là việc xác định đúng tiềm năng, thế mạnh để đầu tư chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm từ đó nắm bắt cơ hội vươn lên.
|
Người dân xã Bắc Lãng (Đình Lập) chăm sóc rừng trồng mới |
Đi trên Quốc lộ 4b, đoạn giáp ranh giữa Lạng Sơn và Quảng Ninh, không cần nhìn mốc ranh giới cũng có thể cảm nhận được khi nào chiếc xe máy đã sang đến tỉnh bạn. Chiếc xe thôi không còn xóc nữa, con đường mượt như nhung, những cánh rừng thôi không còn nham nhở, không còn lẫn lộn giữa thông, quế và hồi nữa, chỉ ngăn ngắt một màu xanh của cây keo, bạt ngàn keo, keo trồng tràn đến sát đường lộ – đó chính là hình ảnh của xã Điền Xá, Quảng Ninh. Giáp với Bắc Lãng của Lạng Sơn, Điền Xá, thuộc Tiên Yên, một huyện giáp biển, tiếng là gần biển nhưng dường như nghề biển chẳng liên quan gì tới Điền Xá cả. Giống như Châu Sơn, như Bắc Lãng, Điền Xá phát triển chủ yếu nhờ trồng rừng. Nếu như sự khác biệt giữa Quốc lộ 4b “của” Lạng Sơn và “của” Quảng Ninh phản ánh điều kiện về cơ sở hạ tầng giữa 2 tỉnh, thì sự khác biệt giữa những cánh rừng của Điền Xá và của Bắc Lãng phản ánh rõ nét tư duy trong phát triển và ý thức vươn lên của người dân 2 xã. Đứng ngay tại cột mốc ranh giới Mũi Chùa 27 km – Lạng Sơn 80km, đưa máy ảnh một góc 45độ, chúng tôi thu được 2 hình ảnh hoàn toàn khác nhau, “bên ta” là một mảng đồi sạt lở, lau sậy chèn thông, “bên bạn” xanh ngát màu rừng keo một lứa. Trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, cây keo tai tượng là độc tôn tại Điền Xá, trước kia, xã cũng loay hoay mãi trong việc tìm cây trồng thế mạnh cho những cánh rừng đầy tiềm năng của địa phương. Nhận thấy giá trị kinh tế và sự thích ứng tốt của cây keo với đồi rừng Điền Xá, người dân chuyển đổi rất nhanh và mạnh mẽ tạo thành một phong trào lan toả rộng khắp. Đến nay, suốt dọc từ Móng Cái, Cẩm Phả, Đông Triều, Mông Dương, Tiên Yên đều rặt keo và keo, theo cách nói của người Điền Xá thì: “sáng mở cửa ra là thấy keo, cả ngày nhìn keo đến mỏi mắt”. Thăm gia đình anh Hoàng Văn Lô, thôn Nà Buống, xã Điền Xá, tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ba tầng xây kiểu biệt thự, xung quanh bao phủ bởỉ rừng keo, anh Lô khẳng định: người Điền Xá đã chọn được cây trồng phù hợp với thế mạnh đồi rừng của xã, tôi trồng keo được khoảng 10 năm, đã thu một lứa, xây ngôi nhà này, lứa thứ 2 có 8ha, khoảng 3 năm nữa thu hoạch. Chúng tôi hỏi giá mỗi ha keo giờ khoảng bao nhiêu, anh Lô trả lời bình thản: “cũng “vừa phải” thôi được giá thì khoảng 70 triệu loại đẹp, keo 7 năm, thấp nhất cũng không thể xuống dưới 40 triệu”. Chúng tôi thầm nhìn nhau, tự tin quá, mà tự tin cũng phải, lứa keo đầu xây được căn nhà hoành tráng, lứa sau nếu được giá thu về trên 500 triệu, thấp nhất cũng ngót nghét 300 triệu. Thế là thành hộ giàu rồi chứ nói gì đến thoát nghèo. Nhìn cơ ngơi khang trang như bây giờ, ai biết cách đây chục năm, cả gia đình vẫn phải chạy ăn từng bữa, bản thân anh thì phiêu bạt làm thuê làm mướn khắp nơi, suýt chút nữa còn bỏ rừng, bỏ đồi dắt díu nhau vào tận Tây Nguyên lập nghiệp. Anh phân trần: “gia đình tôi chưa thấm vào đâu cả, ngay trong xóm có những hộ đang quản lý trên 20 ha, nếu không có gì biến động, lứa keo gần 7 năm tuổi ấy nhân với thời giá bây giờ cũng cho thu nhập ngót nghét 2 tỉ đồng ấy chứ.” Khoan hãy bàn tới chuyện cây keo có hợp với đất rừng của Châu Sơn, Bắc Lãng hay không, chỉ nội việc ý thức phát triển rừng, ý thức vươn lên của người Điền Xá thôi cũng đáng để học tập. Suốt dọc đường đi, chúng tôi hầu như không thấy một khoảng trống nào trên các cánh rừng của Điền Xá, vườn xen với rừng chạy dài như vô tận, cây keo được trồng kín trên từng dẻo đất nhỏ hai bên đường, người dân Điền Xá giờ quý đất rừng, gắn bó mật thiết với rừng lắm. Vì từ rừng, họ đã tìm ra con đường thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đem câu hỏi tưởng chừng như đã cũ ở Điền Xá: “Trồng cây gì, nuôi con gì, hướng đi nào để thoát nghèo?” trở lại các xã vùng khó, chúng tôi thấy bà con vẫn còn lúng túng lắm. Rất rõ ràng rằng: Những xã như Châu Sơn, Bắc Lãng, Ái Quốc, hay Nhượng Bạn với diện tích đất lâm nghiệp chiếm 80 – 90% trên hàng ngàn ha đất tự nhiên thì không thể đi lên từ chân ruộng chưa đầy trăm ha được, cũng không thể giảm nghèo nhanh và bền vững từ mô hình chăn nuôi trên địa hình đồi đất dốc bị chia cắt bởi những khe, những dọc được.
|
Rừng keo ở xã Điền Xá (Quảng Ninh) |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Viện, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Châu Sơn cũng khẳng định: với 90% diện tích đất lâm nghiệp, con đường duy nhất để xã phát triển phải là trồng rừng, tiềm năng thì nhiều đấy nhưng cái khó là tìm ra loại cây trồng thực sự phù hợp để đưa kinh tế xã phát triển. Một số thôn giáp với Điền Xá, bà con đang phá bỏ rừng hồi để trồng keo, nhìn những ngọn keo mới nhú bên cạnh những gốc hồi bị chặt bỏ, chúng tôi thực sự phân vân không biết bà con đã thực sự xác định được hướng đi chưa, xác định được cây trồng mũi nhọn chưa, hay chỉ trồng theo phong trào để rồi loanh quanh mãi với cái nghèo. Ở đâu đó tại Bắc Lãng, tại Châu Sơn người ta đang rủ nhau trồng bầu gió để lấy trầm hương, ở đâu đó trong khát vọng thoát nghèo của bà con vẫn quẩn quanh với câu hỏi: trồng cây gì, cây thông, cây bạch đàn, cây hồi hay cây gì khác? Những cánh rừng suốt dọc đường đi vẫn lộn xộn như thế, và con đường thoát nghèo của bà con vẫn chưa được rộng, sáng và thẳng như con đường của người Điền Xá. Câu chuyện xoá đói giảm nghèo ở những xã đặc biệt khó khăn giờ không phải là câu chuyện của việc lo bữa cơm ngày mai nữa, nhưng câu chuyện ấy vẫn mang nhiều trăn trở. Trên đường về, nhìn lũ trẻ tung tăng đến trường, chúng tôi bỗng thấy công cuộc giảm nghèo là công cuộc dành cho chúng, đảm bảo tương lai bền vững cho chúng. Muốn có được điều ấy, Châu Sơn, Bắc Lãng cần lựa chọn đúng cái cây đầu tiên họ giâm xuống đất đồi hôm nay. Trồng rừng không phải gieo cải ngọt để 2 tháng sau biết mình sai mà cuốc bỏ, trồng rừng phải mất hàng chục năm để biết mình sai và cũng mất ngần ấy năm để sửa sai. “3 năm nữa các anh quay lại đây, Điền Xá sẽ mang một bộ mặt khác hoàn toàn” câu nói chắc nịch của anh Hoàng Văn Lô cứ ám ảnh chúng tôi mãi, liệu 3 năm nữa quay lại Châu Sơn, trở lại Bắc Lãng điều gì sẽ thay đổi?
Sau chuyến đi, về xem lại Nghị quyết 03, chúng tôi thấy một Nghị quyết chuyên đề về xoá đói giảm nghèo như vậy nên được tiếp tục ban hành cho giai đoạn tới và xây dựng tầm nhìn cho những năm tiếp theo, một Nghị quyết khơi dậy được khát vọng thoát nghèo nơi người dân, tạo nên sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ chế, chính sách và xác định rõ hướng đầu tư, hướng phát triển phù hợp với điều kiện, tiềm năng thế mạnh của từng vùng. Một Nghị quyết như thế sẽ huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công cuộc xoá đói giảm nghèo vốn còn nhiều gian khó của Lạng Sơn.
Mai Hoa - Trúc Lam
Ý kiến ()