Kỳ I: Cán bộ địa phương, chìa khoá thoát nghèo Kỳ II: Giảm nghèo, cần các giải pháp đồng bộLSO-Hiện nay cả nước đang thực hiện trên 10 nhóm chính sách, dự án thuộc chương trình mục tiêu xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương nhận thấy rằng: nếu các chương trình dự án triển khai riêng lẻ với cơ chế và đầu mối riêng, thì mọi sự hỗ trợ tới người nghèo chỉ mang tính kích thích chứ không thực sự bền vững. Trong 5 năm từ 2006 tới nay, cả tỉnh giảm được khoảng 18 nghìn hộ nghèo thì có tới trên 7 nghìn hộ tái nghèo do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các cơ chế, chính sách xoá đói giảm nghèo có thể nói là không thiếu, cái thiếu chính là sự đồng bộ trong quá trình triển khai. Hệ thống tín dụng ưu đãi ngày ngày càng đến gần hơn với người nghèo ở vùng caoMột trong những yếu tố quyết định tới chiến lược giảm nghèo bền vững của địa phương chính là tính đồng bộ trong triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ và các...
Kỳ II: Giảm nghèo, cần các giải pháp đồng bộ
LSO-Hiện nay cả nước đang thực hiện trên 10 nhóm chính sách, dự án thuộc chương trình mục tiêu xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương nhận thấy rằng: nếu các chương trình dự án triển khai riêng lẻ với cơ chế và đầu mối riêng, thì mọi sự hỗ trợ tới người nghèo chỉ mang tính kích thích chứ không thực sự bền vững.
Trong 5 năm từ 2006 tới nay, cả tỉnh giảm được khoảng 18 nghìn hộ nghèo thì có tới trên 7 nghìn hộ tái nghèo do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các cơ chế, chính sách xoá đói giảm nghèo có thể nói là không thiếu, cái thiếu chính là sự đồng bộ trong quá trình triển khai.
|
Hệ thống tín dụng ưu đãi ngày ngày càng đến gần hơn với người nghèo ở vùng cao |
Một trong những yếu tố quyết định tới chiến lược giảm nghèo bền vững của địa phương chính là tính đồng bộ trong triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ và các chương trình dự án. Thiếu đồng bộ, mọi sự hỗ trợ hướng tới người nghèo chỉ như những “cú hích nhẹ” không đem lại nhiều kết quả với nguy cơ tái nghèo luôn treo lơ lửng. Trước yêu cầu tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong các cấp uỷ đảng và toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân; đẩy mạnh công tác xã hội hoá, huy động mọi nguồn lực vào việc thực hiện các mục tiêu xoá đói, giảm nghèo. Ngày 12/7/2006, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV đã ban hành một trong những Nghị quyết có tác động mạnh mẽ nhất, sâu rộng nhất tới công cuộc giảm nghèo của tỉnh. Nghị quyết số 03 – NQ/TU về đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010 ra đời và đi vào cuộc sống đã tập hợp toàn bộ các chính sách, chương trình dự án xoá đói giảm nghèo thành một chương trình đồng bộ, tránh được tình trạng manh mún, nhiều cơ chế riêng và nhiều đầu mối trong triển khai hỗ trợ như trước đây.
Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 03, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 29,07% tương đương 44 nghìn hộ nghèo giảm còn 17,85% năm 2009, ước hết năm 2010 giảm còn 15% tương đương 25,8 nghìn hộ, đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nghị quyết 03 đã góp phần quan trọng đưa gần 25 nghìn hộ thoát khỏi đói nghèo và giảm số xã nghèo từ 144 xã năm 2007 xuống còn 20 xã năm 2010. Trong đó, một số huyện có tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh như Tràng Định, Đình Lập, Bắc Sơn… và nhiều huyện đã xây dựng được các mô hình sản xuất có hiệu quả phát huy tốt thế mạnh của địa phương nên số hộ thoát nghèo có tính bền vững cao như Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng… Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 03, có thể nhận thấy cái được lớn nhất chính là tính đồng bộ trong quá trình triển khai các chơ chế, chính sách xoá đói giảm nghèo. Mỗi chương trình, dự án vẫn có mục tiêu, định hướng và hình thức triển khai riêng nhưng luôn nằm trong chủ trương chung của Nghị quyết 03. Và nếu các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được phối hợp đồng bộ sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc huy động, tổng hợp và tranh thủ được các nguồn lực trong công cuộc xoá đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 03, một số hạn chế yếu kém đã dần bộc lộ, trong đó công tác tổ chức triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo chưa quyết liệt, đồng bộ, chưa phát huy được hết vai trò, trách nhiệm của của các cấp, việc triển khai còn chung chung, chưa xác định được rõ trọng tâm trọng điểm để thực hiện. Đặc biệt, cơ chế phối hợp giữa các chương trình, dự án không rõ ràng khiến nguồn lực đầu tư rơi vào manh mún, không phát huy tối đa hiệu quả, không khơi dậy được sự tự giác, ý thức vươn lên của các hộ nghèo thụ hưởng chính sách. Thực tế cho thấy, nơi nào cấp uỷ, chính quyền quan tâm chỉ đạo, phát huy được sức mạnh tổng hợp thì nơi đó giảm nghèo nhanh, tạo được niềm tin phấn khởi trong nhân dân và khi các chương trình, dự án được triển khai đồng bộ, thống nhất, sẽ dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả và kịp thời bổ sung, thay đổi phương án đầu tư hơn.
|
Cơ sở hạ tầng ở xã Châu Sơn, huyện Đình Lập |
Trong quá trình tìm hiểu về công tác giảm nghèo tại một số xã khó khăn, chúng tôi nhận thấy nhiều địa phương còn mang nặng tâm lý ỷ lại, ngồi chờ hỗ trợ của nhà nước, không chủ động đề xuất, kiến nghị các phương án giảm nghèo cho chính địa phương mình. “Cứ nghèo là kêu lên trên thôi”, tư tưởng này khiến cho các chính sách giảm nghèo của tỉnh đôi khi không đạt được hiệu quả như mong muốn bởi không ai hiểu địa phương bằng chính quyền và nhân dân địa phương. Cơ chế của tỉnh được xây dựng chung với những mục tiêu lớn, tuy nhiên cơ chế ấy chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi chính địa phương phải nhận thấy thế mạnh, tiềm năng, và hướng đi của mình để từ đó có đề xuất, kiến nghị chính xác, góp phần đảm bảo các chính sách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đúng, trúng chứ không cào bằng, đâu lại vào đấy như muối bỏ bể. Tư tưởng ỷ lại, chờ trợ cấp nếu xuất phát ngay từ quan niệm của chính quyền địa phương sẽ tạo thành một hiệu ứng không tốt trong nhân dân, chính điều này đã tạo nên một “tâm lý thích nghèo” trong những năm gần đây của nhiều xã nghèo, hộ nghèo và người nghèo, thậm chí mỗi lần bình xét hộ nghèo, không khí ganh đua để thuộc diện hộ nghèo còn sôi nổi như một cuộc thi đấu thể thao.
Còn nhớ trong chuyến làm việc tại xã Ái Quốc hồi đầu năm, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã gọi những đề xuất kiến nghị của các cấp, ngành là sự “hiến kế” cho tỉnh. Gọi là hiến kế, bởi với những xã có tỉ lệ hộ nghèo lên đến gần 82%, thiếu thốn đủ đường như Ái Quốc, tỉnh rất cần những kiến nghị, đề xuất sát thực để đưa địa phương thoát khỏi đói nghèo. Không có những đề xuất ấy, mọi hỗ trợ sẽ trở thành manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ và không đủ mạnh để khơi dậy khát vọng, lôi cuốn người dân tham gia vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của địa phương.
Thăm những công trình thuỷ lợi tại Ái Quốc, tự tay chạm vào những con mương còn thô ráp, xù xì nhưng phát huy hiệu quả cao do chính bà con dân tộc Dao chung sức xây dựng với sự hỗ trợ của nhà nước, nhiều cán bộ trong đoàn công tác đã thực sự cảm phục ý chí, quyết tâm vượt khó của bà con. Một xã nghèo bậc nhất nhưng tràn đầy khát vọng vươn lên như thế, nếu nhận được sự hỗ trợ đồng bộ của nhà nước, sự sâu sát của chính quyền địa phương và tìm ra được hướng phát triển bền vững sẽ dần thoát khỏi ngưỡng cửa của cái nghèo đã đeo bám từ nhiều năm nay…
Kỳ III: Giảm nghèo, cần xác định đúng tiềm năng
Mai Hoa - Trúc Lam
Ý kiến ()