Kỳ I: Cán bộ địa phương, chìa khoá thoát nghèoLSO-Suốt dọc những cung đường chúng tôi đi qua, từ Như Khuê đến Nhượng Bạn, từ Xuân Dương đến Ái Quốc, từ Châu Sơn, Bắc Lãng sang Điền Xá, Quảng Ninh, nhiều vùng đất đã thay da đổi thịt đến khó nhận ra.Với người Sán Chỉ, người Dao, người Nùng... cái nghèo giờ không còn là định mệnh để mà tặc lưỡi chấp nhận nữa, không còn là quan niệm nghèo mãi thành quen nữa và cũng không phải là thứ ăn đời ở kiếp với đồng bào vùng khó nữa. Dù ở bất cứ đâu, khát vọng vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương vẫn luôn đượm cháy. Nơi nào khơi dậy được khát vọng ấy, cái đói sẽ biến mất và cái nghèo sẽ dần lùi xa...Bà con xã Châu Sơn thu hoạch lúa mùa sớmTrong chuyến công tác đến Bắc Lãng, xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, có tỉ lệ hộ nghèo trên 60%, cao nhất huyện Đình Lập, chúng tôi không gặp may khi chủ tịch xã Lý Tuấn đi vắng, ông đang cùng cán bộ xã vào thôn Khe Phạ, cách...
Kỳ I: Cán bộ địa phương, chìa khoá thoát nghèo
LSO-Suốt dọc những cung đường chúng tôi đi qua, từ Như Khuê đến Nhượng Bạn, từ Xuân Dương đến Ái Quốc, từ Châu Sơn, Bắc Lãng sang Điền Xá, Quảng Ninh, nhiều vùng đất đã thay da đổi thịt đến khó nhận ra.
Với người Sán Chỉ, người Dao, người Nùng… cái nghèo giờ không còn là định mệnh để mà tặc lưỡi chấp nhận nữa, không còn là quan niệm nghèo mãi thành quen nữa và cũng không phải là thứ ăn đời ở kiếp với đồng bào vùng khó nữa. Dù ở bất cứ đâu, khát vọng vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương vẫn luôn đượm cháy. Nơi nào khơi dậy được khát vọng ấy, cái đói sẽ biến mất và cái nghèo sẽ dần lùi xa…
|
Bà con xã Châu Sơn thu hoạch lúa mùa sớm |
Trong chuyến công tác đến Bắc Lãng, xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, có tỉ lệ hộ nghèo trên 60%, cao nhất huyện Đình Lập, chúng tôi không gặp may khi chủ tịch xã Lý Tuấn đi vắng, ông đang cùng cán bộ xã vào thôn Khe Phạ, cách trung tâm gần 10 km đường rừng để giám sát công trình làm đường tới thôn. Nhắc đến Khe Phạ, anh Mai Hoa, Thư ký toà soạn Báo Lạng Sơn hào hứng rủ chúng tôi cùng vào, hoá ra cách đây khoảng chục năm, anh đã từng lội bộ vào cái thôn nghèo khó bậc nhất huyện này để viết bài. Chuyến đi để lại rất nhiều kỷ niệm, hồi ấy cùng đi với anh còn có bác Đặng Minh Tài, nguyên là Trưởng Ban Định canh định cư huyện và anh Triệu Dũng. Bác Minh Tài giờ đã nghỉ hưu, sống ngay tại thôn Khe Cảy, cùng trục đường vào Khe Phạ, anh Triệu Dũng cũng gắn bó với công tác vận động bà con bỏ du canh, du cư từ đó đến nay, giờ đã là Phó phòng Dân tộc huyện. Sau chuyến đi, anh Mai Hoa viết bài “Bắc Lãng xôn xao mùa xuân về”, lúc ấy, bài viết còn “vinh dự” được đọc trước cuộc họp Chi bộ thôn. Nhắc chuyện này, đến giờ anh vẫn còn tiếc mãi một câu văn rất tâm đắc sau đó đã bị biên tập “cắt” mất vì lý do “tả thực quá”, đại ý câu viết là: Khi chúng tôi đến Khe Phạ, trời đã quá trưa, những đứa trẻ mặt mũi lem nhem thấy khách lạ đến thăm mà chẳng buồn nhìn lên, đôi mắt chúng chỉ chăm chăm ngó vào nồi sắn đang luộc dở. Nói tiếc là tiếc câu văn thôi, chứ chúng tôi đều mừng vì giờ có muốn tìm lại cảnh ấy để tả thật xúc động cũng không có nữa. Từ sau chuyến đi, rất nhiều điều đến giờ đã thay đổi, Quốc lộ 4b đoạn qua Châu Sơn, Bắc Lãng đã được trải nhựa mượt mà, đi qua trung tâm 2 xã vùng 3 mà cứ thong dong như đi dạo trong thành phố vậy. Đường vào thôn được mở rộng, những ngôi nhà ngói mới mọc lên nhiều hơn, trong mắt lũ trẻ cái đói đã lùi xa, chúng tung tăng đến trường trong sắc áo hồng, áo đỏ, nhịp chân sáo nhún nhảy trên đường. Không hừng hực phát triển như thị thành, nhưng sự chuyển mình ấy đối với những thôn bản nghèo khó bậc nhất như Khe Phạ, Khe Pạc, Khe Chòi, Khe Lịm, Khe Hả… đã là cả sự nỗ lực của bao lớp cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo xã Bắc Lãng và huyện Đình Lập trong việc khơi dậy khát vọng, ý thức tự vươn lên của bà con. Chột dạ từ chuyến đi lần trước, anh Mai Hoa cẩn thận hỏi người bán nước xem cái suối cắt ngang đường mùa này có qua được không? Anh chủ quán nhìn chúng tôi như những người trên trời rơi xuống, rồi khẳng định chắc nịch: Làm ngầm lâu rồi, giờ công nông còn vào được nói gì là xe máy. An tâm vững dạ vượt dốc, qua ngầm, chúng tôi rẽ vào nhà bác Minh Tài. Vốn là cán bộ với hơn chục năm làm công tác định canh định cư, xoá đói giảm nghèo cho bà con, hơn ai hết, bác Minh Tài hiểu rõ vai trò của các cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo trong quá trình vận động, thuyết phục bà con vượt qua những rào cản của ý thức và quan niệm về sự nghèo khó. Bác Minh tài nhớ lại: Từ đầu những năm 1990, khi các chương trình xoá đói giảm nghèo của Chính phủ được triển khai, cái khó nhất đối với chúng tôi chính là làm thế nào để thay đổi nhận thức của bà con. Họ dường như đã quen với cái nghèo từ nhiều năm rồi nên cũng không mặn mà hưởng ứng sự thay đổi. Khi vận động bà con trồng rừng, nhiều người vẫn cho rằng: rừng bạt ngàn sau lưng nhà còn chưa khai thác hết, trồng làm gì? Cây giống, phân bón phát không đến tận nơi, người dân vẫn bỏ hết để lên rừng đốt nương làm rẫy, tiếp tục cuộc sống du canh du cư, hoặc theo phong trào di cư vào Tây Nguyên lập nghiệp. Nhìn rừng bị tàn phá, nhìn người Dao dắt díu nhau bỏ những cánh rừng đầy tiềm năng của xã, của huyện để tìm hy vọng nơi vùng đất khác. Khi ấy, trong lòng những cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo không khỏi chán nản, mất niềm tin. Nhưng rồi kiên trì vận động, nhẫn nại thuyết phục, tự mình nêu gương, nhiều người đã ở lại với bản cùng cán bộ giâm từng cây quế, cây hồi, cùng bảo vệ, chăm sóc, cùng hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn để nuôi dưỡng niềm tin vào những cánh rừng trồng.
|
Thôn Khe Cảy, xã Bắc Lãng đổi thay từ kinh tế đồi rừng |
20 năm trôi qua, chứng kiến từng cây hồi, cây quế lớn lên, cho thu hoạch, làm thay đổi cuộc sống, thay đổi tập quán du canh du cư của bà con. Bác Minh Tài vẫn luôn cho rằng, muốn xoá đói giảm nghèo việc đầu tiên là phải khơi dậy khát vọng thoát khỏi đói nghèo của người dân, làm cho họ tin vào thành quả của sự mạnh dạn thay đổi, chứng minh cho bà con thấy kết quả ngày hôm nay ngay từ khi thuyết phục họ trồng cái cây đầu tiên. Hiện nay, trong thôn bản đã có những cánh rừng trị giá hàng trăm triệu đồng, ngay như rừng quế chính tay bác Minh Tài trồng thời ấy cũng đã được trả khoảng 70 triệu khoán gọn. Bà con giờ đã không cần vận động nhiều nữa, rất tự giác phát triển, khoanh nuôi và bảo vệ rừng. Một hộ thoát nghèo, hiệu ứng sẽ tự khắc lan toả hơn bất cứ hình thức tuyên truyền, vận động nào. Câu chuyện bác Minh Tài kể đã cách đây 20 năm, nhưng nó vẫn là vấn đề thời sự đến tận hôm nay, vẫn là vấn đề mang nhiều trăn trở nhất trong công cuộc xoá đói giảm nghèo. Người cán bộ địa phương không tâm huyết thì không bao giờ khơi dậy được khát vọng của người dân, không có khát vọng thoát nghèo sẽ không có đổi thay và mọi sự hỗ trợ, đầu tư sẽ không có tác dụng.
Đi dọc Quốc lộ 4b sang đến đất Quảng Ninh, chợt thấy con đường thoát nghèo của đồng bào vùng khó sao giống con đường này đến vậy. Đoạn làm tốt thì mượt như nhung, đoạn đang làm dở dang thì ngổn ngang gió bụi, đoạn chưa làm thì lọc sọc đá gan gà. Công cuộc xoá đói giảm nghèo của từng địa phương cũng tương tự như thế, nơi nào làm tích cực, chủ động và sâu sát thì nơi ấy thay đổi, vươn lên từng ngày, nơi nào lơi là thì mọi thứ cứ ì ạch mãi. Tất nhiên, chủ thể của mọi chính sách hỗ trợ, đầu tư xoá đói giảm nghèo phải là những hộ nghèo, nhưng để các chương trình đến được trực tiếp và bám sát yêu cầu của người dân thì chìa khoá lại nằm trong tay cán bộ địa phương.
Chúng tôi không gặp được chủ tịch xã Lý Tuấn vì ông bận lo cho con đường đang được làm tới thôn Khe Phạ, tiếc nhưng cũng mừng bởi bà con đã sắp có con đường mơ ước bao năm nay, con đường mở rộng cánh cửa thoát nghèo. Con đường mà ngày xưa anh Mai Hoa mất gần một ngày trời mới vào tới nơi, uống chén rượu nấm lim với Trưởng thôn Bàn Sinh, để rồi ám ảnh mãi lời dặn dò của ông: Nhà báo nhớ về viết bài để nhà nước làm cho bà con người Dao con đường nhé!
Con đường đang được làm, không phải từ bài báo mà từ chính chủ trương và dự án của Nhà nước và những cánh rừng bà con đã bám đất, bám rừng để ươm trồng năm ấy. Nhưng dù sao thì chén rượu nấm lim đã thôi không còn ám ảnh nữa.
Kỳ II: Giảm nghèo, cần các giải pháp đồng bộ
Mai Hoa - Trúc Lam
Ý kiến ()