Khơi dậy khát vọng dấn thân, không sợ thất bại
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm và trò chuyện với các bạn trẻ tại một không gian khởi nghiệp của Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2018
Những sản phẩm hữu ích
“Tìm đường Hùng Vương” – người lái xe trẻ tuổi vừa điều khiển xe vừa “ra lệnh” cho trợ lý ảo của mình trên phần mềm VADI. Rất nhanh, màn hình điện thoại hiện ra sơ đồ tuyến đường ngắn nhất kèm theo những cảnh báo về giao thông hữu ích.
Anh Thắng, người có kinh nghiệm lái xe hơn 10 năm cho biết, anh đã sử dụng “trợ lý ảo” VADI đã hơn ba tháng qua và cảm thấy rất hài lòng vì thiết bị có thể nhận diện giọng nói, điều hướng và đưa ra lời khuyên cho lái xe, trong khi họ không cần phải thao tác thêm bất cứ hành động nào.
Ra mắt từ tháng 4-2018, hiện tại VADI đã có hơn 10 nghìn lượt cài đặt từ các kho ứng dụng. Nhóm phát triển sản phẩm đến từ Trường đại học Bách khoa Hà Nội đặt mục tiêu trong hai năm tới, phần mềm sẽ có 1,4 triệu lượt tải, 280 nghìn người dùng thường xuyên, góp phần giải quyết những bức xúc về giao thông đô thị ở các thành phố lớn tại Việt Nam.
VADI cùng các tác giả là sinh viên và giảng viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã khiến Ban Giám khảo cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2018” hết sức bất ngờ vì tính hữu ích của sản phẩm.
Đại diện VADI cho biết, hằng ngày khi phải chứng kiến những vấn nạn về giao thông như: điểm đen ùn tắc, tai nạn, vi phạm giao thông…, các bạn đã nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu của người lái xe muốn có những thông tin chính xác, nhanh chóng và hiệu quả trong giao thông. Từ đó họ đã phát triển giải pháp VADI theo nền tảng 4.0 với các tính năng chính: Dẫn đường nhanh chóng, cập nhật được trạng thái theo lộ trình, và đặc biệt là cảnh báo giao thông bằng giọng nói giúp người dùng có thể tiếp cận thông tin giao thông theo lộ trình mọi lúc, mọi nơi. VADI còn xây dựng một nền tảng mạng xã hội giao thông giúp người dùng chia sẻ thông tin, kết nối sức mạnh cộng đồng và là nguồn thông tin tin cậy giúp người dùng tham khảo.
Đặc biệt, VADI có thể cập nhật 30 đầu báo khác nhau và cung cấp tính năng báo nói cho người tham gia giao thông, tạo thành kênh thông tin giải trí mới mẻ trên ô-tô.
Sản phẩm VADI đã vượt qua hàng trăm dự án khác, đoạt giải Nhì (Khối đại học, cao đẳng) của cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2018”, trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ có mong muốn khởi nghiệp.
Cùng với 14 dự án lọt vào vòng chung khảo, các sinh viên của Trường đại học Ngoại thương mang tới cuộc thi một vị “cố vấn đầu tư 4.0” có tên gọi là Finbox. Lê Ngọc Hải, sáng lập viên của Finbox nhận thấy, có ba lý do khiến một nhà đầu tư thất bại. Đó là không chuyên nghiệp, không có thời gian theo dõi biến động và quan trọng nhất là không kiềm chế được cảm xúc. Nhà đầu tư cần thứ giúp họ sáng suốt hơn, kỷ luật hơn và không rơi vào bẫy của những nhà tạo lập thị trường.
Xuất phát từ những nhận định đó, Hải và các đồng sự của mình đã dày công nghiên cứu hàng ngàn công thức số học để có thể đưa ra các thuật toán mang lại hiệu quả cao nhất cho nhà đầu tư.
“Chúng tôi đã thử 15 nghìn tín hiệu đầu tư xuất hiện trên phần mềm từ năm 2000 và cho ra kết quả xác suất lệnh thắng lên đến 85,09 %, lợi nhuận trung bình mỗi năm là 52,3% trong năm 2017, lợi nhuận luỹ kế của danh mục đầu tư thực lên 63,3%”, đại diện nhóm Finbox nói.
Thuyết trình trước Ban Giám khảo, Finbox đưa ra ví dụ thực tế: Anh Long là người có mức lương tháng 20 triệu đồng và quyết định đầu tư chứng khoán để tăng thu nhập. Anh dành ra mỗi năm 30 triệu và nghiêm túc tuân theo các tín hiệu mua bán của Finbox. Mỗi năm, Long đã có tỷ suất lợi nhuận là 53%.
VADI, Finbox là hai trong số 15 dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết cuộc thi quốc gia “Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2018”. Trong số các dự án đoạt giải năm nay, có những sản phẩm vô cùng thiết thực của các học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Đó là: Chữa bệnh trĩ không cần dùng thuốc (Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội – Giải Nhất Khối học sinh trung học phổ thông- THPT); Sản xuất cao điều trị bỏng ( Trường THPT Phúc Trạch, Hà Tĩnh – Giải Nhì); Sản xuất phân phối sản phẩm từ lá thông phục vụ đời sống (Trường THPT Chu Văn An, Lâm Đồng – Giải Ba).
Nhen lên tinh thần khởi nghiệp
Đây là lần đầu tiên cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2018” được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Sau hơn một tháng phát động, đã có 200 dự án của học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT gửi tới tham dự cuộc thi. Các bài thi được đánh giá là có chất lượng, đa dạng, tập trung vào tất cả các lĩnh vực như: Công nghệ, giáo dục, y tế, cộng đồng…
15 dự án xuất sắc (10 dự án của khối sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và 5 dự án của học sinh các trường THPT) đã lọt vào vòng chung kết.
Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa (bên phải ảnh) trao giải Nhất cho nhóm sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
Các dự án này đều được Ban giám khảo đánh giá rất cao về ý tưởng lẫn mức độ khả thi khi áp dụng vào thực tiễn. Các dự án khi đưa ra thuyết trình đã tạo được sự ngạc nhiên, ngưỡng mộ và truyền cảm hứng cho không chỉ cho Ban Tổ chức mà tới cả các học sinh sinh viên tham dự.
Hội thi nằm trong khuôn khổ Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2018 được Bộ GD-ĐT tổ chức lần đầu tiên vào cuối tháng 12 vừa qua, nhằm thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, tại Ngày hội khởi nghiệp, đặt câu hỏi với các bạn trẻ: “Việt Nam không thể đợi một nước khác hay một ai đó đến làm giàu cho mình. Ai có thể giúp đất nước giàu lên?”
Phó Thủ tướng trả lời: “Đó là tất cả mọi người nhưng trước hết là những người trẻ, trong đó có những người được Đảng, Nhà nước, nhân dân, bố mẹ, gia đình, quê hương… tạo mọi điều kiện vật chất, tinh thần để bước vào giảng đường đại học, cao đẳng. Vì vậy, từng bạn sinh viên phải khơi dậy trong mình khát vọng cháy bỏng đó như là sự đền ơn đáp nghĩa tốt nhất cho cha mẹ, gia đình, quê hương, cho lớp lớp các anh hùng liệt sĩ, anh hùng dân tộc đã hy sinh để có đất nước như ngày hôm nay.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, sinh viên khởi nghiệp không chỉ góp phần tạo ra việc làm cho bản thân mà còn giúp tạo nhiều việc làm cho người khác, tạo cảm hứng cho thế hệ trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước vững tin trên con đường hội nhập quốc tế.
Để “đỡ đầu” cho các ý tưởng sáng tạo, cần phải có những biện pháp hỗ trợ, kết nối từ các doanh nghiệp. Tại cuộc thi vừa qua, ba dự án đoạt giải Nhất, Nhì của khối sinh viên các cơ sở đào tạo đại học đã được Shark Phú và Tập đoàn SunHouse cam kết đầu tư theo các quy định của pháp luật. Các dự án đoạt giải Nhất và giải Ba của khối học sinh THPT cũng đã được một nhà đầu tư cá nhân cam kết hỗ trợ đầu tư.
“Tôi rất ủng hộ các bạn học sinh, sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Tôi mong các bạn sẽ có những ý tưởng thiết thực và thú vị hơn nữa và dám nghĩ, dám thực hiện những ý tưởng khởi nghiệp của mình để các nhà đầu tư như chúng tôi có cơ hội đồng hành hỗ trợ các bạn khởi nghiệp”, Shark Phú, người đã ngay lập tức tuyên bố đầu tư 1 tỷ đồng cho các dự án đoạt giải, nói.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các ban, bộ, ngành ở Trung ương, các địa phương, các tổ chức hỗ trợ ươm tạo khởi nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nhân, nhà đầu tư và chỉ đạo các nhà trường tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp của Đề án 1665, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh sinh viên được học tập, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp để phát huy tối đa tài năng, năng lực của bản thân tạo ra những doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị cho cộng đồng, xã hội.
Ý kiến ()