Khói cháy rừng từ Australia lan tới Chile và Argentina
Hình ảnh vệ tinh các đám cháy rừng ở bang New South Wales và Queensland
Chuyên gia khí tượng học Chile Patricio Urra cho biết, vào buổi sáng sớm, có thể thấy được hiệu ứng màu đỏ trong ánh mặt trời. Hiệu ứng này được tạo thành do đám mây khói từ các đám cháy rừng ở Australia.
Theo ông Urra, đám mây khói cao 6.000m so với mực nước biển và không lan xuống trái đất cũng như không ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân Chile.
Cơ quan khí tượng Argentina đã công bố các bức ảnh vệ tinh chụp đám mây khói và nói rằng các hệ thống khí tượng đã đưa đám mây khói di chuyển từ tây sang đông.
Tuy nhiên, cơ quan này cho hay tất cả chỉ có thể nhìn được bằng mắt thường là “một mặt trời đỏ hơn một chút”.
Công ty khí tượng khu vực Metsul nói rằng đám mây khói này thậm chí có thể lan tới bang Rio Grande dek Sur của Brazil.
Trước đó, các nhà khoa học thông báo, các đám cháy rừng dữ dội ở Australia đang sản sinh ra quá nhiều nhiệt lượng khiến chúng tạo nên những hiện tượng thời tiết riêng như bão kèm theo chớp hay các cơn cuồng phong.
Theo thông tin từ Cục Khí tượng Australia, các đám mây pyrocumulonimbus về cơ bản là cơn giông bão hình thành từ cột khói bốc lên do nhiệt độ cao. Không khí lúc đó sẽ di chuyển nhanh hơn.
Khi các đám mây bay lên cao rồi nguội đi do nhiệt độ thấp của bầu khí quyển phía trên. Sự va chạm của các hạt băng ở phần cao hơn của đám mây tạo ra điện tích giải phóng dưới dạng sét.
Quá trình này gây ra những thay đổi nguy hiểm và không thể đoán trước trong cuộc khủng hoảng cháy rừng hiện nay, đồng thời làm tăng nguy cơ gây ra các vụ sét đánh tạo ra các đám cháy mới.
Không khí bốc lên cũng đẩy các luồng gió dữ dội hút nhiều không khí làm gia tăng sức mạnh của gió, khiến ngọn lửa nóng hơn và lan rộng hơn.
Ý kiến ()