Khói, bụi xi măng Đồng Bành - nỗi ám ảnh của người dân
LSO-Nhiều năm nay, tiếng ồn do khai thác đá và khói, bụi xi măng từ Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành (CT CPXMĐB) trên địa bàn thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực đối với người dân sống xung quanh khu vực.
Những vết nứt kéo dài tại ngôi nhà của bà Lương Thị Toan, thôn Cây Hồng, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng |
Ngày 16/5/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) kết luận thanh tra về bảo vệ môi trường (BVMT) đối với CT CPXMĐB. Theo kết luận, trong quá trình hoạt động, Công ty thực hiện không đầy đủ một số thủ tục hành chính và một số biện pháp BVMT. Qua đo đạc, phân tích thì một số mẫu vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép. Cụ thể Colifom vượt 1,5 lần; N-NH4 vượt 1,2 lần; bụi lơ lửng vượt 1,6 lần; chì và hợp chất chì vượt 1,3 lần… Công ty đã bị xử phạt gần 915 triệu đồng với các vi phạm trên.
Trong tháng 10/2015, Công ty lại phải bỏ ra 300 triệu đồng hỗ trợ thiệt hại cho gia đình ông Nguyễn Văn Hôn, thôn Cây Hồng, thị trấn Chi Lăng do hoạt động sản xuất của công ty gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của gia đình ông Hôn. Mới đây nhất, trong tháng 7/2016 liên tiếp xảy ra 2 vụ đá văng vào nhà dân ở thôn Cây Hồng do việc nổ mìn khai thác đá của Công ty gây ra. Cụ thể ngày 9/7, một hòn đá kích thước 30 x 35 cm văng từ mỏ đá tạo thành hố sâu 50 cm tại vườn na của hộ anh Nguyễn Văn Vinh. Ngày 21/7, một hòn đá kích thước 8 x 6,5 x 4,5 cm cùng một số viên đá khác văng vào nhà bà Vi Thị Hoa khiến 1 tường tầng 3 của ngôi nhà bị ảnh hưởng. Hai vụ việc trên đã được Công an thị trấn Chi Lăng, đại diện hộ dân, người chứng kiến lập biên bản.
Trong số các khu dân cư xung quanh CT CPXMĐB, thì thôn Cây Hồng, thị trấn Chi Lăng là thôn bị ảnh hưởng nặng nề nhất về khói bụi, khí thải, độ rung, tiếng ồn từ Công ty trong quá trình hoạt động, bởi “đại bản doanh” của Công ty nằm ngay trung tâm thôn này. Bà H.T.H, thôn Cây Hồng bức xúc: “Nhà tôi cách nhà máy xi măng gần 300 m. Hằng ngày, bụi xi măng bay khắp nơi từ ngoài vườn đến trong nhà, đâu đâu cũng bụi xi măng. Sáng nào ngủ dậy lỗ mũi cũng đen sì, quét sân thì hót được cả xẻng xi măng”.
Theo phản ánh của nhiều người dân, ống khói của nhà máy xả 24/24 giờ. Đặc biệt vào lúc trời tối, nhà máy xả khói dày đặc hơn. Những gia đình có con nhỏ dưới 2 tuổi thì không dám cho con ra khỏi nhà thậm chí phải gửi con đi lánh ở nơi khác. Trong thôn Cây Hồng, nhiều đứa trẻ đã mắc những bệnh liên quan đến đường hô hấp như ho, viêm phổi, viêm phế quản… Xung quanh khu vực này, cây cối và hoa màu cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Bà Lương Thị An bộc bạch: “Nhà tôi có 200 gốc na ngay dưới trạm đập đá của công ty. Cùng số lượng cây và chăm sóc như nhau nhưng mấy năm nay sản lượng, thu nhập từ 200 gốc na giảm một nửa”.
Không chỉ vậy, tiếng nổ mìn phá đá của công ty còn khiến người dân giật mình thon thót. “Có những hôm đang ngủ trưa đột nhiên tôi nghe thấy một tiếng nổ vang trời, cả nhà, cả giường đều rung lên” – Ông Vi Văn Ven (thôn Cây Hồng) hãi hùng kể lại. Vừa kể, ông Ven vừa dẫn chúng tôi đi xem các vết nứt trong căn nhà 3 tầng của mình và cho biết thêm: “Nhà tôi và căn nhà 2 tầng kiên cố của con trai tôi, căn nhà 3 tầng của hàng xóm tôi đều bị nứt tường, trần, cột nhà. Những căn nhà này xây cách đây gần 10 năm, các vết nứt chỉ xuất hiện cách đây 2, 3 năm, từ khi CT CPXMĐB bắt đầu nổ mìn khai thác đá”. Theo quan sát của chúng tôi tại thôn Cây Hồng, nhiều căn nhà cấp 4 đến nhà 2, 3 tầng kiên cố vừa xây đều có chung một đặc điểm là những vết nứt kéo dài khắp trần, tường, cột nhà. Nhà có nhiều vết nứt nhất phải kể đến như nhà ông Vi Văn Ven, ông Vi Văn Thất, chị Vi Thị Dung, bà Hoàng Thị Hải, bà Lương Thị Toan…
Ông Vi Văn Soạn, trưởng thôn Cây Hồng cho biết: toàn thôn có 151 hộ với hơn 700 nhân khẩu. Hai năm nay, mặc dù môi trường trong khu vực đã bớt ô nhiễm, tuy nhiên, tình trạng khói, bụi và tiếng nổ mìn vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bà con. Dù đã kiến nghị nhiều lần với các cấp chính quyền, nhưng chưa giải quyết, nên người dân ở đây đành bất lực”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Đăng Chinh, Phó tổng giám đốc CT CPXMĐB cho biết: đơn vị đã đầu tư, cải tạo lại hoàn toàn hệ thống lọc bụi, tuân thủ đúng các quy định về BVMT, quan trắc môi trường định kỳ 3 tháng 1 lần. Thời gian gần đây, các thông số, tiêu chí về môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép.
Tuy nhiên, tại báo cáo kết quả quan trắc môi trường đợt 2 năm 2016 (của CT CPXMĐB) chỉ ra hàm lượng chỉ tiêu Colifom trong môi trường nước thải công nghiệp vượt giới hạn cho phép 1,18 lần và vượt 1,02 lần trong môi trường nước mặt. Trong báo cáo kết quả quan trắc môi trường tỉnh Lạng Sơn đợt 1, tháng 6/2016 (do Chi cục BVMT tỉnh thực hiện) cho thấy: bụi lơ lửng TSP tức thời ở khu dân cư thôn Cây Hồng lớn hơn giới hạn cho phép 1,17 lần và nồng độ bụi lơ lửng TSP trung bình lớn hơn giới hạn cho phép 1,13 lần; chất lượng không khí kém.
Những con số trên cho thấy các thông số, tiêu chí về môi trường không nằm trong giới hạn cho phép như lời của ông Phó Tổng giám đốc Công ty. Và, nếu không có những biện pháp thỏa đáng để khắc phục, thì khói, bụi, tiếng ồn từ hoạt động sản xuất của Công ty vẫn tiếp tục ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân xung quanh.
HÀ MY - BÍCH DIỆP
Ý kiến ()