LSO-Ngay những ngày sau tết, khắp trên cánh đồng khối 8 phường Vĩnh Trại (thành phố Lạng Sơn), khối 11 thị trấn Cao Lộc (Cao Lộc) đã vang lên tiếng máy, tiếng nói cười, không khí vui tươi lao động ngập tràn. Người nông dân nơi đây không cho đất nghỉ để có những mùa bội thu.Thu hoạch cà rốt ngay sau tếtTrời rét ngọt không đủ lạnh để ngăn những giọt mồ hôi túa ra trên lưng áo bác Mạc Thanh Cao, nông dân khối 8 phường Vĩnh Trại, tiếng bác Cao hào sảng hoà cùng tiếng bơm điện chạy rào rào, tưới lên những luống rau mơn mởn hơi xuân: “Năm nay ăn tết vẫn tranh thủ ra đồng làm, ngày tết bận nên phải ra sớm, cả xóm không ai nghỉ đều tập trung ở đây, coi như chúc tết nhau luôn, bao giờ tưới xong đám rau này mới về chúc tết họ hàng”. Rồi bác khoe, sáng nay cùng chị em đi chợ sớm, ngay từ ngày mồng 1 tết mà đã họp chợ rau cứ đắt hàng như tôm tươi. Khắp trên cánh đồng khối 8 phường Vĩnh Trại, kế bên là cánh đồng...
LSO-Ngay những ngày sau tết, khắp trên cánh đồng khối 8 phường Vĩnh Trại (thành phố Lạng Sơn), khối 11 thị trấn Cao Lộc (Cao Lộc) đã vang lên tiếng máy, tiếng nói cười, không khí vui tươi lao động ngập tràn. Người nông dân nơi đây không cho đất nghỉ để có những mùa bội thu.
|
Thu hoạch cà rốt ngay sau tết |
Trời rét ngọt không đủ lạnh để ngăn những giọt mồ hôi túa ra trên lưng áo bác Mạc Thanh Cao, nông dân khối 8 phường Vĩnh Trại, tiếng bác Cao hào sảng hoà cùng tiếng bơm điện chạy rào rào, tưới lên những luống rau mơn mởn hơi xuân: “Năm nay ăn tết vẫn tranh thủ ra đồng làm, ngày tết bận nên phải ra sớm, cả xóm không ai nghỉ đều tập trung ở đây, coi như chúc tết nhau luôn, bao giờ tưới xong đám rau này mới về chúc tết họ hàng”. Rồi bác khoe, sáng nay cùng chị em đi chợ sớm, ngay từ ngày mồng 1 tết mà đã họp chợ rau cứ đắt hàng như tôm tươi. Khắp trên cánh đồng khối 8 phường Vĩnh Trại, kế bên là cánh đồng thuộc khối 11 thị trấn Cao Lộc, người thì thu hoạch cà rốt, người cuốc đất, người tưới rau, tiếng nói cười, tiếng máy bơm rộn rã cả một góc đồng, không khí lao động như xua đi cái lạnh đầu xuân. Trước đây, khối 8 phường Vĩnh Trại trên 40 hộ dân chủ yếu sống bằng làm màu, nhưng khi đồng đất cần giải phóng mặt bằng nhường chỗ cho khu đô thị Phú lộc 4, họ bắt đầu tận dụng các bãi ruộng còn lại để làm rau đặc sản, rau chất lượng cao, sát bên cánh đồng khối 8 là cánh đồng thuộc khối 11 thị trấn cao lộc với tầm 30 hộ làm màu và trên 30 ha đất ruộng được biến thành cánh đồng rau, những người dân học hỏi kinh nghiệm của nhau, cũng từ đó hình thành một vùng rau cao sản, đặc sản. Quý hơn, họ học nhau cái nết cần cù, chịu thương chịu khó, canh tác trên những mảnh ruộng nhỏ nhưng hiệu quả cao. Anh Lương Văn Quý 36 tuổi, một trong những hộ dân trồng nhiều rau đặc sản nhất tâm sự, do đất ít nên em làm màu, trồng rau thì hầu như không có ngày nghỉ, 4 năm rồi tết nào cũng phải lao động sớm, vất vả một chút nhưng vui vì tết cái gì bán cũng chạy hơn. Mới làm màu, mỗi vụ rau cho thu nhập tầm 10 triệu đồng anh Quý đã xây được nhà, mua được phương tiện nghe nhìn và nuôi được con cái ăn học. Nhìn ruộng rau của anh nông dân Lương Văn Quý mới thấy quý từng tấc đất, mỗi luống anh đều tận dụng tối đa các khoảnh đất trống, quy hoạch vòi tưới chạy điện, vì vậy trông vườn rau của anh đã có dáng dấp công nghiệp hoá. Anh tâm sự, bây giờ chủ yếu tập trung trồng các loại rau ngắn ngày, tiết kiệm đất cho thu nhập cao, năm qua làm cà chua trái vụ anh đã có thu nhập khá cao, thành công nữa là trồng súp lơ xanh, và anh cũng đang tìm hiểu trồng súp lơ san hô, nghe nói giá trị còn cao hơn. Tôi hỏi Quý, tết không nghỉ thăm bạn bè, họ hàng có sợ bị chê trách gì không? Quý cười, làm màu mất thời gian lắm nhưng vẫn có thời gian thăm hỏi chúc tết, bận thì có bận nhưng nhà cũng chẳng thiếu vị tết, nhà nông mà không làm cứ thấy nó buồn chân, buồn tay. Tết thì mình bớt đi vài tiếng để chúc tết là tốt rồi. Có lúc đi chơi xa thấy người ta bỏ ruộng không trong khi mình ít đất tiếc lắm. Nói rồi Quý lại quay lại với những luống rau mơn mởn rung rinh trước gió xuân đang về.
Có thể nói với cánh đồng khối 8, cùng với những vùng rau như Phai Lim, Phai Khẩu, Phai Đeo… ngoại ô thành phố Lạng Sơn đã trở thành nơi cung cấp một lượng rau xanh lớn cho thành phố, hơn thế gần đây những rau đặc sản đã trở thành món quà cho du khách gần xa. Cũng từ đây hình thành những nông dân “tiền công nghiệp”, ít đất nhưng biết phát huy hiệu quả của chuyển dịch cây trồng, việc chuyển đổi nghề của họ chính là từ thuần nông sang gắn nông và dịch vụ, chính họ đã vươn lên bằng sự cần cù, bằng lao động không ngừng nghỉ kể cả ngày lễ tết.
Khi chia tay với những người nông dân không nghỉ tết (gần như là thế vì ngay cả mồng một họ vẫn tranh thủ ra đồng), tôi cứ nhớ mãi hình ảnh và câu nói của chị Phùng Thị Trình, đang mải mê thu hoạch cà rốt, chú ạ chúng tôi đón tết cả ở nhà và trên ruộng, như thế đất mới không phụ công người. Nói rồi chị cười rạng rỡ.
Đông Bắc
Ý kiến ()