Khốc liệt thị trường bán lẻ
Mặc dù thị trường bán lẻ Việt Nam bị "rơi" khỏi Top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, tuy nhiên, với việc hàng loạt các nhà bán lẻ thế giới đã và đang xây dựng chiến lược "khủng" nhằm thâu tóm, chi phối thị trường khiến các doanh nghiệp (DN) trong nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức.
Sức ép ngày càng lớn
Theo cam kết, khi gia nhập WTO, bắt đầu từ năm 2015, Việt Nam sẽ cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia tham gia vào thị trường Việt Nam nhiều hơn, khiến các DN trong nước chịu nhiều thách thức cạnh tranh. Bên cạnh những DN trong nước đã xây dựng được thương hiệu như Hapro, Saigon Co-op, Citymart, Fivimart,… còn có những DN nước ngoài đang hoạt động khá thành công tại Việt Nam thời gian qua như Metro, Big C, Lotte, Parkson,… “Miếng bánh” thị phần không chỉ dành riêng cho những DN trên mà còn chứng kiến hàng loạt các “đại gia” có tiếng trên thế giới trong lĩnh vực bán lẻ đã và đang tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam. Cụ thể, công ty Power Buy, một công ty kinh doanh chuỗi điện máy hàng đầu Thái-lan thuộc Tập đoàn Central Group đã mua lại 49% cổ phần của Công ty cổ phần thương mại Nguyễn Kim (đơn vị đang sở hữu một chuỗi trung tâm kinh doanh hàng điện máy lớn trong nước). Tiếp đến là các tập đoàn có tiếng như Berli Jucker (Thái-lan), Katasimaia, Aeon (Nhật Bản), Wal-Mart (Hoa Kỳ), Auchan (Pháp), Fairprice (Xin-ga-po),… khiến cho “cuộc chiến” cạnh tranh trên thị trường bán lẻ càng trở nên khốc liệt. Đề cập những thách thức mà DN trong nước phải đối mặt, Phó Tổng giám đốc Liên minh HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co-op) Nguyễn Anh Đức cho biết, thế mạnh của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài so với DN bán lẻ trong nước là vốn, công nghệ, mức độ chuyên nghiệp và đặc biệt là hệ thống chuỗi xuyên quốc gia rất mạnh. Với hệ thống bán lẻ, quy mô phát triển chuỗi đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là sự kết nối liên thị trường quốc tế sẽ bù đắp, hỗ trợ cho nhau.
Trong bối cảnh cạnh tranh như vậy, điều tất yếu các DN phải chọn cách đi riêng để tồn tại. Sài Gòn Co-op xác định tiếp tục mở rộng hệ thống Coop mart, Co-op Food – những hệ thống có quy mô vừa và phục vụ khách hàng số đông.
Đồng thời, tiếp tục liên doanh với các đối tác để triển khai những mô hình lớn như mô hình đại siêu thị Co-op Xtra, mô hình khu phức hợp Vivo City. Trong liên doanh này, Sài Gòn Co-op xác định nguyên tắc xuyên suốt với đối tác là phần bán lẻ siêu thị, đại siêu thị phải độc quyền Sài Gòn Co-op. “Cạnh tranh trực tiếp trên thị trường bán lẻ buộc các DN phải thay đổi, đầu tư nhiều hơn cho những chiến lược dài hạn. Không còn cách nào khác, chúng tôi phải điều chỉnh chiến lược, mô hình, phương thức kinh doanh hiện nay theo hướng đa dạng để đáp ứng đòi hỏi của khách hàng”, ông Đức khẳng định.
Việc mở cửa thị trường bán lẻ là lộ trình tất yếu theo cam kết, bởi vì, có mở cửa để họ du nhập vào thị trường Việt Nam thì hàng hóa Việt Nam mới có điều kiện xâm nhập vào đất nước họ. Muốn cạnh tranh, đòi hỏi các DN trong nước phải tự vươn lên và nỗ lực bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước. Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ cho biết, thời gian gần đây nhiều tỷ phú Thái-lan muốn thâu tóm các chuỗi bán lẻ trong nước và nếu không khéo, hàng Việt Nam trong tương lai không thể chen chân vào các hệ thống siêu thị này.
Ngành thép trong nước hiện chỉ nổi lên vài thương hiệu như Hòa Phát, Hoa Sen hay Pomina. Tuy nhiên, quy mô, doanh số các DN này cộng lại không thấm tháp gì so với dự án Formosa của Đài Loan (Trung Quốc) ở Hà Tĩnh quy mô vốn đầu tư hơn 20 tỷ USD hay dự án Posco của Hàn Quốc ở Bà Rịa -Vũng Tàu,… Chính điều đó phản ánh thực tế “khoảng trống cơ hội” cho những DN Việt Nam dẫn đầu ngành thép không còn, nên việc như Nguyễn Kim bán 49% cổ phần cho tỷ phú người Thái-lan sẽ không còn xa. Bên cạnh thách thức, việc đầu tư của các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam ở chừng mực nào đó cũng mang lại các lợi ích: Người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn; các nhà bán lẻ Việt Nam có động lực phấn đấu để tồn tại trong thị trường mới; các nhà quản lý có điều kiện hoàn thiện các chính sách cho thị trường; ngoài ra, kết nối chung với thị trường bán lẻ cũng thúc đẩy nhiều ngành khác liên quan như sản xuất, dịch vụ,… cùng phát triển.
Chưa liên kết, hợp tác chặt chẽ
Sự xuất hiện của siêu thị cách đây 20 năm cho đến nay được đánh giá đã đem lại luồng sinh khí, bộ mặt mới, phong cách phục vụ mới cho thị trường bán lẻ Việt Nam. Với các phương thức quản trị, quản lý, kinh doanh chuyên nghiệp từ các DN nước ngoài khiến các DN trong nước muốn cạnh tranh phải không ngừng đổi mới, tìm ra hướng đi riêng nhằm khẳng định vị trí, chỗ đứng của mình. Phó Tổng giám đốc Saigon Co-op Nguyễn Anh Đức cho rằng, thế mạnh của các DN trong nước là hiểu rõ thị trường Việt Nam, nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng trong nước. Do có nền tảng nên các DN Việt Nam cũng có sự kết nối cơ bản ban đầu với các hoạt động liên quan như sản xuất, cung ứng dịch vụ, đối tác,… tốt hơn so với các DN nước ngoài mới tham gia thị trường. Ngoài ra, các DN trong nước còn có sự ủng hộ của người tiêu dùng cũng như của các cơ quan, tổ chức trong nước. Do vậy, các DN này cần vận dụng những điểm thuận lợi trên để cạnh tranh với các nhà bán lẻ lớn.
Trong đó, cần phát huy yếu tố sáng tạo và linh hoạt để cạnh tranh với kinh nghiệm và quy mô của các nhà bán lẻ nước ngoài. Đồng thời, cần chú trọng tập trung khai thác những phân khúc dựa trên năng lực cốt lõi của mình. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng cho biết, để đạt được mục tiêu doanh thu 8.950 tỷ đồng trong năm nay, Hapro sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu; tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh của hệ thống thương mại trong nước, trong đó, tập trung vào công tác nâng cao chất lượng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ; cơ cấu và chuẩn hóa lại hệ thống bán lẻ theo chiều sâu, bảo đảm phù hợp trong điều kiện và tình hình mới.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú khẳng định, hiện nay cả ở ba cấp: Nhà nước, ngành và DN ở Việt Nam chưa có chiến lược phát triển bán lẻ; nguồn nhân lực các DN Việt Nam chưa được đào tạo một cách bài bản, quản trị DN yếu; văn hóa kinh doanh bất cập; chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng,… Một thách thức rất lớn của ngành bán lẻ là các DN Việt Nam thiếu tính liên kết, hợp tác một cách chặt chẽ, có cam kết và nguyên tắc.
Do vậy, không phát huy được sức mạnh của cộng đồng, dẫn tới sức cạnh tranh yếu ngay ở thị trường trong nước. Liên kết giữa sản xuất và phân phối, phân phối và phân phối, giữa các thành phần kinh tế với nhau đều yếu. Điều này các DN Việt Nam cần phải tự giác nhận thức để sớm hành động một cách quyết liệt ở thị trường mà mình có lợi thế, nhằm giữ chỗ đứng trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn đến từ các DN nước ngoài. Phó Vụ trưởng Quản lý thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Nguyên Năm khẳng định, bên cạnh sự nỗ lực của DN, cuối năm 2014, Bộ Công thương đã họp với Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam và một số DN lớn tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các DN để tính toán, xây dựng các giải pháp giúp các DN trong nước tồn tại và phát triển.
Muốn làm được điều đó, thời gian tới Bộ Công thương sẽ tham mưu cho Chính phủ xây dựng những cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ về mặt bằng, đất đai, lãi suất, thuế, phát triển nguồn nhân lực,… để các DN yên tâm, nâng cao khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường.
Phải có chiến lược phát triển Năm 2014 vừa qua chứng minh hệ thống bán lẻ của các DN Việt Nam không mấy hiệu quả, so với các DN nước ngoài là một cuộc chơi không cân sức. Trong đó, DN nước ngoài chủ động, kinh doanh theo chuỗi và có chiến lược cụ thể chiếm lĩnh thị trường. Bên cạnh một số DN nước ngoài hoạt động hiệu quả cũng đã có một số DN phải đóng cửa do bán giá quá cao vì người thu nhập thấp không tiếp cận được. Chính vì vậy, các DN trong nước phải có chính sách và chiến lược phát triển đối với từng phân khúc thị trường hợp lý để phát triển bền vững. PHAN THẾ RUỆ Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam |
Cần sân chơi bình đẳng Nếu không có một thị trường bán lẻ bình đẳng cho tất cả các DN, giữa DN trong nước và nước ngoài, giữa tư nhân và quốc doanh thì thị trường bán lẻ không thể ổn định và phát triển được. Đồng thời, phải phân biệt rõ đâu là DN làm ăn có hiệu quả thật sự mới tập trung hỗ trợ và đầu tư, tránh các trường hợp đầu tư sai và dàn trải như Metro hai năm đầu được miễn thuế, 10 năm sau thì chuyển giá trốn thuế. Cứ tiếp tục “không bình đẳng” như thế, các DN bán lẻ trong nước không thể tiếp tục cuộc đua mà sẽ gục ngã. |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()