Khoanh vùng bảo vệ 45 điểm di tích của Chiến trường Điện Biên Phủ
Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên vừa ban hành Nghị quyết số 19/NQ-HĐND nhằm rà soát, đánh giá lại hiện trạng các điểm di tích; xác định rõ ranh giới phạm vi đất di tích cần được khoanh vùng, bảo vệ; thực hiện cắm mốc bảo vệ di tích đồng thời phục vụ lập hồ sơ pháp lý liên quan đến các điểm di tích.
Trong giai đoạn 2023 – 2026, Điện Biên dành hơn 130 tỷ đồng để thực hiện dự án Khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các điểm di tích thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.
Số kinh phí trên được dùng để thực hiện các phần việc: Trích đo chỉnh lý trong hệ tọa độ quốc gia VN2000 cho 45/45 điểm di tích; Đo đạc, định vị, cắm mốc bảo vệ có gắn hệ tọa độ VN2000 cho 45/45 theo điểm di tích; Đền bù, giải phóng mặt bằng cho 26/45 điểm di tích; Lập hồ sơ thẩm định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 43/45 điểm di tích; Dò phá bom mìn vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh cho 6 điểm di tích chưa thực hiện trùng tu, tôn tạo; Hoàn thiện hồ sơ khoa học cho 22 điểm di tích được xếp hạng đặc cách chưa có đủ thành phần hồ sơ theo quy định.
Di tích lịch sử Điện Biên Phủ được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Trong quần thể di tích có 45 điểm di tích thành phần nằm trên địa bàn TP Điện Biên Phủ và hai huyện gồm: Điện Biên, Tuần Giáo.
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, vì vậy Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ luôn đối mặt với nguy cơ bị hủy hoại và xuống cấp. Nhiều điểm di tích trên địa bàn TP Điện Biên Phủ có nhiều hộ dân đang sinh sống trong vùng bảo vệ của di tích, là nguyên nhân nhiều điểm di tích vẫn tiếp tục bị người dân lấn chiếm, san lấp, rất khó khăn cho công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích.
Ý kiến ()