Khoảng trống an ninh ở I-rắc
Ngày 23-7 vừa qua trở thành ngày đẫm máu nhất ở I-rắc trong hơn hai năm qua với 28 vụ đánh bom liên tiếp làm hơn 100 người chết và hàng trăm người bị thương. "Khoảng trống an ninh" mà Mỹ bỏ lại đã lộ rõ chỉ sau vài tháng kể từ khi Lầu năm góc rút hoàn toàn quân đội khỏi I-rắc. Đất nước I-rắc chìm trong bạo loạn, khủng bố và chia rẽ.Ba tuần trước đây, trong một đoạn ghi âm đăng trên diễn đàn của các nhóm thánh chiến, một phần tử tự xưng là A.Ba An Bát-đa-đi, thủ lĩnh nhóm vũ trang Nhà nước Hồi giáo I-rắc (ISI), thành viên mạng lưới An Kê-đa tại I-rắc, tuyên bố bắt đầu một chiến dịch tiến công nhằm vào các thẩm phán và nhân viên điều tra ở I-rắc. An Kê-đa còn tuyên bố sẽ trả thù cho hai thủ lĩnh của nhóm này bị các lực lượng Mỹ và I-rắc tiêu diệt trong một chiến dịch quân sự tháng 4-2010. Mạng lưới khủng bố thừa nhận đã gây ra 40 vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào người Hồi giáo dòng Si-ít và lực lượng an ninh...
Ba tuần trước đây, trong một đoạn ghi âm đăng trên diễn đàn của các nhóm thánh chiến, một phần tử tự xưng là A.Ba An Bát-đa-đi, thủ lĩnh nhóm vũ trang Nhà nước Hồi giáo I-rắc (ISI), thành viên mạng lưới An Kê-đa tại I-rắc, tuyên bố bắt đầu một chiến dịch tiến công nhằm vào các thẩm phán và nhân viên điều tra ở I-rắc. An Kê-đa còn tuyên bố sẽ trả thù cho hai thủ lĩnh của nhóm này bị các lực lượng Mỹ và I-rắc tiêu diệt trong một chiến dịch quân sự tháng 4-2010. Mạng lưới khủng bố thừa nhận đã gây ra 40 vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào người Hồi giáo dòng Si-ít và lực lượng an ninh I-rắc trong vòng một tháng qua. Chỉ riêng tháng 6, có 234 người I-rắc thiệt mạng trong các vụ tiến công khủng bố.
Sau hơn tám năm chiếm đóng I-rắc, cuối năm ngoái, binh sĩ Mỹ đã rút khỏi nước này. Người dân I-rắc lấy sự kiện Mỹ rút quân (31-12-2011) làm Quốc khánh để đánh dấu ngày đất nước không còn “bóng quân xâm lược”. Vào thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma đã ca ngợi việc Mỹ “hoàn thành sứ mệnh” tại I-rắc. Oa-sinh-tơn hứa sẽ “kề vai sát cánh” hỗ trợ lực lượng I-rắc bảo đảm an ninh. Với Tổng thống Ô-ba-ma, việc rút khỏi “bãi lầy” I-rắc mà Mỹ đã hao người tốn của có thể giúp ông ghi điểm trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng, song, dư luận quốc tế lại không khỏi nghi ngờ về một “khoảng trống an ninh” sau khi quân đội Mỹ rút khỏi quốc gia Trung Đông này. Sau các vụ đánh bom mới đây, người phát ngôn Nhà trắng G.Các-ni buộc phải thừa nhận, tình hình an ninh ở I-rắc tiếp tục bất ổn. Tuy nhiên, bất chấp những tin tức còn nóng hổi về những vụ bạo lực đẫm máu, ông Các-ni vẫn “đề cao” vai trò của Mỹ rằng, nhờ các nỗ lực lớn của quân đội Mỹ, lực lượng an ninh I-rắc đã được đào tạo và “đủ sức đảm đương trách nhiệm bảo đảm an ninh”. Thực tế, các vụ tiến công khủng bố liên tiếp xảy ra ở I-rắc gần đây là câu trả lời cho câu hỏi lớn về “khoảng trống an ninh” mà Mỹ bỏ lại ở I-rắc. Sự “trỗi dậy” của An Kê-đa không là điều bất ngờ. Chính báo cáo của tình báo Mỹ ở I-rắc thừa nhận, các vụ tiến công của An Kê-đa trong năm 2012 tăng 25 vụ mỗi tháng, so với trung bình 19 vụ mỗi tháng trong năm 2011. Các quan chức Mỹ gần đây cho rằng, An Kê-đa đang sử dụng mạng lưới ở I-rắc để gây mất ổn định trong khu vực, đồng thời hà hơi tiếp sức cho các chiến binh người nước ngoài trong những chiến dịch chống chính quyền của Tổng thống Xy-ri B.Át-xát. Đây cũng là lý do khiến Oa-sinh-tơn lúng túng khi vừa muốn giúp đỡ phe nổi dậy ở Xy-ri, nhưng vừa lo như vậy sẽ tiếp tay cho An Kê-đa.
Mỹ đã chi ra gần 1.000 tỷ USD cho cuộc chiến ở I-rắc với mục tiêu lật đổ chế độ X.Hu-xê-in, tiêu diệt khủng bố. Nhưng, sau gần chín năm đồn trú tại đây và chỉ sau vài tháng rút quân, Mỹ để lại một đất nước I-rắc chìm trong bạo loạn, đổ vỡ và chia rẽ. Các loại vũ khí, thiết bị nổ tự chế tràn ngập I-rắc trở thành cơn ác mộng đối với người dân nước này. Các cuộc tiến công của An Kê-đa làm gia tăng căng thẳng giữa người Hồi giáo dòng Si-ít và người Hồi giáo dòng Xun-nít. Và, như một vòng luẩn quẩn, mâu thuẫn sắc tộc lại càng thổi bùng các vụ bạo lực ở I-rắc.
MỸ đã thất bại trong thực hiện các mục tiêu chiến lược tại I-rắc khi Lầu năm góc không những không thể “xóa sổ” An Kê-đa, mà tổ chức khủng bố này ngày càng trỗi dậy, thậm chí đe dọa sẽ “có mặt tại trung tâm nước Mỹ” để tiến công nhằm vào các lợi ích của phương Tây. Trong lúc Mỹ chưa có động thái nào thực hiện lời hứa “không bỏ rơi” I-rắc, cộng đồng quốc tế lo ngại các vụ tiến công đẫm máu sẽ đẩy I-rắc vào cuộc nội chiến, đồng thời kêu gọi người dân I-rắc đối thoại chính trị rộng mở, đoàn kết chống khủng bố cũng như ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ I-rắc nhằm ổn định tình hình đất nước. Cộng đồng quốc tế cũng lên án mạnh mẽ các vụ tiến công đẫm máu tại I-rắc, coi đây là những hành động không thể chấp nhận khi dân thường vô tội trở thành nạn nhân, nhất là trong lúc đang diễn ra tháng lễ Ra-ma-đan của người Hồi giáo.
Theo Nhandan

Ý kiến ()