Khoảng lặng sau chuỗi vinh quang
Không thể ghi nổi một bàn vào lưới đội tuyển Thái Lan ở trận bán kết lượt về, khó có thể nói đội tuyển Việt Nam có lời chia tay đẹp ở AFF Suzuki Cup 2020 khi thua chung cuộc 0-2 và trở thành nhà cựu vô địch. Thất bại mang đến nỗi buồn, nhưng nó cũng là khoảng lặng vừa phải trong chuỗi ngày thăng tiến.
Đoạt ngôi Á quân U23 châu Á năm 2018, vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup năm 2019, vô địch SEA Games 30 năm 2019 và vào đến giai đoạn cuối cùng của vòng loại World Cup 2022. Đó là một chuỗi những điểm son không thể nào quên của bóng đá Việt Nam trong bốn năm qua, kể từ khi huấn luyện viên (HLV) Park Hang- seo dẫn dắt các đội tuyển của Việt Nam.
Đêm 26/12, trong một ngày buồn của đội tuyển Việt Nam khi trở thành cựu vô địch sau trận hòa Thái Lan 0-0 ở trận bán kết lượt về AFF Suzuki Cup 2020, chúng ta có thể nhắc lại những chiến tích ấy. Nhưng nhắc không phải theo kiểu “ăn mày dĩ vãng”, mà để nhớ rằng: thế hệ này của bóng đá Việt Nam đã duy trì sự tiến bộ liên tục kéo dài lâu đến thế nào. Một đội bóng khi đã bước lên ngôi vô địch , lối chơi của họ sẽ được các đội bóng khác nhìn vào, học hỏi, khắc chế và cải tiến. Ở AFF Suzuki Cup năm nay, HLV Park Hang-seo rõ ràng đã bị bắt bài bởi những người đồng nghiệp dẫn dắt tuyển Indonesia (HLV Shin Tae Yong) và Thái Lan (HLV Mano Polking). Đó là chưa kể đến một số tính toán chưa phù hợp của chiến lược gia người Hàn Quốc, như việc dốc sức đá với Campuchia ở trận cuối cùng của vòng bảng, nhưng rồi vẫn không giành được ngôi đầu bảng và phải gặp Thái Lan ở bán kết. Ngoài vấn đề chiến thuật, HLV Park Hang- seo đã đem đủ 30 cầu thủ đến AFF Cup 2020, song chiều sâu và chất lượng đội hình mà ông đang có không phải là lực lượng tốt nhất. Số lượng các cầu thủ ra sân thi đấu chỉ khoảng 2/3 đội hình. Những cầu thủ U23 Việt Nam gồm sáu cầu thủ không có nhiều cơ hội ra sân thi đấu. Nhóm cầu thủ dự bị vào sân không tạo ra những đột biến như mong đợi.
Ban huấn luyện đội tuyển Thái Lan đã nghiên cứu rất kỹ cách chơi của Việt Nam suốt từ vòng bảng và về cơ bản, HLV Polking đã đọc ra cách phòng ngự cũng như tấn công của Quang Hải cùng các đồng đội. Thái Lan ít đánh ở hai biên mà chủ yếu sử dụng các pha ban bật từ trung lộ và chơi áp sát không ngại va chạm, nhằm không cho đội tuyển Việt Nam thi triển các pha phối hợp. HLV Polking đã cao tay hơn Park Hang-seo khi xếp đến ba cầu thủ có xu hướng tranh chấp mạnh, không ngại va chạm là Yooyen, Thanawat và Phitiwat chơi ngay trước mặt cặp trung vệ. Ba cầu thủ này thường xuyên vây rát Tuấn Anh, Quang Hải cũng như Hoàng Đức và họ đã làm rất tốt nhiệm vụ chia cắt các tiền vệ có lối chơi sáng tạo của Việt Nam. Đây là vấn đề mấu chốt dẫn đến việc tuyến giữa của chúng ta không cầm được bóng để tổ chức tấn công. Thông số Việt Nam chỉ kiểm soát được 45% bóng trên sân đã nói lên rằng miếng đánh ban bật nhỏ, di chuyển linh hoạt của cầu thủ Việt Nam đã bị đối thủ “bắt bài”. Thái Lan liên tục vào bóng quyết liệt khiến cho các cầu thủ Việt Nam lúng túng trong xử lý bóng. Hai bàn thắng của Thái Lan cũng đến từ những pha tấn công và di chuyển khôn khéo, đồng thời tận dụng tối đa kỹ thuật cá nhân điêu luyện của Chanathip. HLV Park Hang-seo cho rằng việc HLV Polking am hiểu bóng đá Việt Nam chỉ là một phần lý do giúp Thái Lan chiến thắng. Điều mấu chốt vẫn là kỹ năng, trình độ của cầu thủ Thái Lan vẫn nhỉnh hơn đội tuyển Việt Nam.
Bước vào trận lượt về tối 26/12, đội tuyển Việt Nam có hiệp đấu đầu tiên thăng hoa. Lâu lắm rồi người ta mới thấy được một đội tuyển Việt Nam chơi ở thế cửa trên, buộc những cầu thủ tài năng của Thái Lan phải thất điên bát đảo. Đó là cách chơi mà chúng ta rất ít khi làm được trước người Thái. Và thông qua màn trình diễn ấy, người ta thấy một Việt Nam khác, bản lĩnh, đẳng cấp trước đối thủ số 1 trong nhiều thập kỷ. Trong trận đấu tối 26/12, lý do khiến đội tuyển Thái Lan bị dồn ép là vì ngôi sao số 1 của họ là Chanathip Songkrasin hoàn toàn mất hút trước sự tỏa sáng của Quang Hải. Đúng như ông Park Hang-seo đã hứa, tuyển Việt Nam đã chơi một trận ra trò trước người Thái. Chỉ tiếc là bàn thắng đã không tới. Nhìn vào cách tuyển Việt Nam chơi bóng, chắc hẳn không ít người cảm thấy tiếc nuối và đặt ra câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu như ngay từ lượt đi chúng ta thực hiện các thay đổi như đã làm ở lượt về? Tất nhiên, dạng câu hỏi này luôn mở ra quá nhiều đáp án khác nhau, bởi bản thân người Thái đá lượt về cũng khác so với lượt đi, đồng thời tâm thế của cả hai bên cũng khác. Nhưng câu hỏi này là cần thiết nếu nhìn vào không chỉ một trận đấu, một giải đấu mà cả quá trình phát triển đội tuyển trong tương lai.
Công bằng mà nói, Thái Lan xứng đáng giành vé đến trận chung kết. Họ đã cho thấy sự thực dụng và tỉnh táo của mình trong thời khắc quyết định. Còn với đội tuyển Việt Nam, cảm giác sau trận đấu này là sự tiếc nuối bởi chúng ta thiếu may mắn và có những sai lầm về khách quan lẫn chủ quan trong thời khắc quyết định…
Kết thúc một hành trình đầy tiếc nuối, đội tuyển Việt Nam đã rút ra rất nhiều bài học cho hiện tại, cho tương lai. Và chắc chắn một điều, ngay từ thời khắc này, ông Park Hang-seo hẳn có cho mình những đúc rút cho chặng đường sắp tới.
Mất đà thăng tiến không đồng nghĩa với sự đi xuống trong tương lai. Trong chuỗi tiến bộ bốn năm qua, chúng ta đã phải tự nhắc nhở rằng-thành tích của đội tuyển quốc gia không đồng nghĩa với sự tiến bộ chung của cả nền bóng đá. Còn cần đến chất lượng giải đấu, chất lượng đào tạo, cấp độ bóng đá phong trào để bao hàm khái niệm “nền bóng đá”. Vậy thì bây giờ, một thất bại nhất thời cũng không thể đánh đồng là sa sút. Bóng đá Việt Nam vẫn đang duy trì đà tiến bộ vào nhóm hàng đầu châu lục. Và những kỷ niệm ở giải đấu AFF Suzuki Cup 2020 sẽ là những bài học quan trọng để bóng đá nước ta rút ra nhiều kinh nghiệm quý nhằm củng cố và thúc đẩy chất lượng đồng đều trong tương lai ■
Ý kiến ()