Khoảng 40% phi công tại Pakistan dùng giấy phép bay giả
Sau vụ tai nạn kinh hoàng ở thành phố Karachi được xác định do lỗi con người, giới chức Pakistan bắt đầu tăng cường siết chặt quản lý đối với đội ngũ phi công.
Ngày 26/6, Bộ trưởng Hàng không Pakistan Ghulam Sarwar Khan cho rằng có khoảng 40% phi công tại Pakistan sở hữu giấy phép, chứng chỉ bay giả.
Ông Khan đưa ra thông tin trên trong buổi công bố báo cáo điều tra sơ bộ về vụ rơi máy bay Airbus A320 ở thành phố cảng Karachi hồi tháng trước.
Theo đó, Bộ trưởng Khan cho biết Pakistan hiện có tổng cộng 860 phi công đang làm việc, bao gồm đội ngũ phi công thuộc hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA), hãng hàng không Serene Air và Air Blue.
Một cuộc điều tra được tiến hành vào tháng 2/2019 cho thấy có 262 phi công đã không tự mình thực hiện các bài kiểm tra và nhờ người khác thi hộ.
Quá trình điều tra cũng phát hiện có nhiều phi công mang bằng giả, thậm chí không có kinh nghiệm bay theo đúng tiêu chuẩn. 40% phi công có giấy phép bay giả cũng bao gồm hàng trăm phi công “chưa từng được bay”.
Bộ trưởng Khan cũng thừa nhận một điều đáng tiếc, đó là nhiều phi công được lựa chọn dựa trên cơ sở chính trị, trong khi nhiều người được đánh giá có năng lực bay lại bị bỏ qua. Nhà chức trách đã gửi thông báo tới ít nhất 54 phi công về vấn đề gian lận và cho tới nay đã có ít nhất 9 người thừa nhận dùng bằng giả .
Trước đó cùng ngày, hãng hàng không quốc tế Pakistan thông báo sẽ tạm đình chỉ hơn 1/3 số phi công của hãng để điều tra vì nghi ngờ có giấy phép bay giả mạo, không rõ ràng.
Theo đó, 150 trong tổng số 426 phi công của PIA sẽ bị đình chỉ bay tạm thời để điều tra. Động thái của PIA được đưa ra sau khi nhà chức trách Pakistan đã đưa ra những kết luận điều tra sơ bộ về vụ rơi máy bay kinh hoàng ở thành phố Karachi hồi cuối tháng 5 khiến gần 100 người thiệt mạng.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy lỗi do phi công và nhân viên kiểm soát không lưu được cho là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn. Theo báo cáo điều tra sơ bộ, các phi công được cho là đã mải mê nói chuyện về dịch bệnh COVID-19 nên đã phớt lờ 3 cảnh báo về việc bay quá cao và hạ cánh khi chưa mở càng đáp.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng phát hiện ra nhiều sai phạm và lỗ hổng trong quản lý tại PIA. Vụ việc xảy ra chỉ 3 ngày sau khi Pakistan bắt đầu nối lại các chuyến bay sau dịch COVID-19./
Ý kiến ()