Khoảng 4.500 tỷ đầu lọc thuốc lá đầu độc hành tinh mỗi năm
Mỗi năm ngành công nghiệp thuốc lá lấy đi tính mạng của hơn 8 triệu người, làm mất 600 triệu cây xanh, 200.000 ha đất trồng trọt, tiêu tốn 22 tỷ tấn nước và thải ra 84 triệu tấn CO2.
Nhân Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố thông tin mới về tác hại của thuốc lá đối với môi trường và sức khỏe con người.
Trên cơ sở đó, WHO kêu gọi thế giới cần có biện pháp để ngành công nghiệp thuốc lá phải có trách nhiệm hơn đối với những hệ lụy mà nó đang gây ra.
Phần lớn thuốc lá được trồng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình – những quốc gia thường rất cần nước và đất nông nghiệp để sản xuất lương thực cho khu vực. Thay vào đó, quỹ đất tại đây đang được sử dụng để trồng cây thuốc lá gây chết người.
Báo cáo “Thuốc lá đang đầu độc hành tinh của chúng ta” nhấn mạnh lượng khí thải carbon của ngành sản xuất, chế biến và vận chuyển thuốc lá tương đương 20% lượng CO2 mà ngành hàng không thương mại thải ra mỗi năm, góp phần làm tăng sự nóng lên toàn cầu.
“Các sản phẩm thuốc lá xả nhiều rác thải nhất trên hành tinh, chứa hơn 7.000 hóa chất độc hại – những chất sẽ xâm nhập môi trường của chúng ta khi chúng được thải ra. Khoảng 4.500 tỷ đầu lọc thuốc lá gây ô nhiễm đại dương, sông, vỉa hè, công viên, đất và bãi biển mỗi năm”, Tiến sĩ Ruediger Krech, Giám đốc Nâng cao sức khỏe của WHO, cho biết.
Các sản phẩm như điếu thuốc lá, thuốc lá không khói và thuốc lá điện tử cũng góp phần làm tăng ô nhiễm rác thải nhựa. Đầu lọc thuốc lá chứa vi nhựa và tạo thành dạng ô nhiễm nhựa cao thứ hai trên toàn thế giới.
Dù ngành công nghiệp thuốc lá vẫn triển khai chương trình tiếp thị sản phẩm, nhưng không có bằng chứng cho thấy, đầu lọc có bất kỳ lợi ích nào cho sức khỏe con người. WHO kêu gọi các nhà hoạch định chính sách coi đầu lọc thuốc lá là loại nhựa sử dụng một lần và cân nhắc cấm sử dụng đầu lọc thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Điều đáng chú ý là người đóng thuế đang phải “gánh” chi phí dọn dẹp các sản phẩm thuốc lá vứt bừa bãi, mà không phải ngành công nghiệp thuốc lá. Ước tính, chi phí dọn dẹp mỗi năm tại Trung Quốc là khoảng 2,6 tỷ USD, Ấn Độ khoảng 766 triệu USD, trong khi Brazil và Đức là hơn 200 triệu USD.
Tuy nhiên, các nước như Pháp, Tây Ban Nha và các thành phố như San Francisco, California ở Mỹ, đã tuân thủ Nguyên tắc Người gây ô nhiễm trả tiền cũng như thực hiện thành công “luật trách nhiệm của nhà sản xuất mở rộng”, khiến ngành công nghiệp thuốc lá phải có trách nhiệm giải quyết tình trạng ô nhiễm do chính ngành này gây ra.
WHO kêu gọi các quốc gia và thành phố làm theo những hình mẫu này, đồng thời hỗ trợ người nông dân trồng thuốc lá chuyển sang cây trồng bền vững, đánh thuế cao đối với thuốc lá (cũng có thể bao gồm thuế môi trường) và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ để giúp người dân bỏ thuốc lá.
Ý kiến ()