Khoảng 30% trạm y tế xã thiếu người cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình
Khoảng 30% trạm y tế xã thiếu nhân lực cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Do đó, cần xây dựng các chính sách phù hợp để đưa dịch vụ đến tận nơi người dân có nhu cầu.
Đây là thông tin từ báo cáo nghiên cứu “Đánh giá chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam” do Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) công bố sáng ngày 8-5.
Nghiên cứu thực hiện qua khảo sát gần sáu nghìn phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49 ở sáu tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Yên Bái, Phú Yên, Đác Lắc, Đồng Nai và An Giang.
Về thực trạng và chất lượng của dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), điểm chất lượng dịch vụ chung ở trạm y tế (TYT) xã là 0,88/1. Kết quả này cho thấy, các TYT đã có đủ cơ sở hạ tầng, trang – thiết bị và nhân viên cần thiết để cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Chỉ số này tại các cơ sở tư nhân/phi chính phủ thấp hơn 34% so với TYT xã (0,58). Tuy nhiên, chỉ 9,7% TYT xã đáp ứng tất cả 25 chỉ số về sẵn sàng cung cấp dịch vụ, và chỉ 27,2% TYT xã hài lòng tất cả 12 chỉ số về chất lượng người cung cấp dịch vụ. Khoảng 30% trạm y tế xã cho biết về tình trạng thiếu nhân lực cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Ngoài ra, chỉ khoảng 51% cán bộ tại TYT yêu cầu khách hàng quay lại hoặc tái khám.
Cùng với đó, TYT xã là cơ sở cung cấp dịch vụ phổ biến cho phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, chiếm hơn 55%. Khoảng 90% phụ nữ cho biết họ nhận được những dịch vụ mình cần tại TYT. Chỉ 15,5% phụ nữ sử dụng dịch vụ ở các cơ sở y tế tuyến huyện và tuyến trên. 8,7% sử dụng dịch vụ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ tư nhân hoặc các cơ sở do tổ chức phi Chính phủ quản lý.
Nghiên cứu cũng cho thấy, 80,5% phụ nữ kết hôn trong độ tuổi 15-49 đang sử dụng một biện pháp tránh thai. Trong đó, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 64,4%; đặt vòng tránh thai (25,2%), thuốc tránh thai (19,3%) và bao cao-su (13,3%). Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở thành thị cao hơn tại nông thôn.
Theo GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Y tế, phương thức cung cấp dịch vụ KHHGĐ được đổi mới căn bản. Các dịch vụ KHHGĐ trước đây chỉ được cung cấp tại cơ sở y tế công từ tuyến huyện trở lên, nay đã được thực hiện tại các TYT xã và các cơ sở y tế tư nhân. Mặc dù vậy, hệ thống cung cấp dịch vụ KHHGĐ hiện vẫn còn những vấn đề cần được tiếp tục quan tâm và cải thiện như chất lượng dịch vụ, tỷ lệ sử dụng không liên tục và tỷ lệ thất bại của các biện pháp tránh thai…
Bộ Y tế giao Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với các cơ quan, liên quan xây dựng “Đề án củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030”, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Astrid Bantcho hay, hiện nay có khoảng 214 triệu phụ nữ có nhu cầu tránh thai, hoặc trì hoãn việc sinh con nhưng chưa tiếp cận được với các dịch vụ và hàng hóa/dụng cụ có chất lượng – bao gồm cả các biện pháp tránh thai hiện đại. Trong số này, có 6,3 triệu trẻ em gái vị thành niên có quan hệ tình dục hiện đang sinh sống tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây là một vấn đề đặc biệt cấp bách vì liên quan trực tiếp tới các ca nạo phá thai không an toàn ở nữ thanh niên và vị thành niên. Hằng năm, ước tính con số này trong khu vực lên tới 3,6 triệu ca.
Bà Astrid Bant nhấn mạnh, nên tổ chức các hoạt động truyền thông, thay đổi hành vi mạnh mẽ để khuyến khích nam giới tham gia vào KHHGĐ, nhằm tăng cường việc sử dụng các biện pháp tránh thai dành cho nam giới như bao cao-su nam. Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình cần xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả để giảm thiểu sử dụng phương pháp truyền thống và tăng cường sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Bộ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()