Khoảng 260.000 cử tri của Maldives đi bỏ phiếu bầu tổng thống
Ngày 23/9, khoảng 260.000 cử tri Maldives đi bỏ phiếu bầu tổng thống mới ở đảo quốc san hô này.
Nhiều ý kiến cho rằng lợi thế đang nghiêng về đương kim Tổng thống Abdulla Yameen của đảng cầm quyền Cấp tiến. Đối thủ duy nhất của ông Yameen là ứng cử viên của phe đối lập Ibrahim Solih.
Cựu Tổng thống Mohamed Nasheed, người đang sống lưu vong, cũng đã nộp đơn tranh cử tuy nhiên ông này đã bị Ủy ban Bầu cử Maldives từ chối vì vướng cáo buộc ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.
Theo Bộ Ngoại giao Maldives, 38 quan sát viên quốc tế, đại diện cho 11 tổ chức, sẽ có mặt tại đây để giám sát tiến trình bầu cử; trong khi đó đại diện của 14 tổ chức truyền thông cũng sẽ đến để đưa tin về sự kiện này.
Trước khi các điểm bỏ phiếu mở cửa, lực lượng cảnh sát Maldives đã tiến hành khám xét trụ sở ban chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ Maldives (MDP) đối lập với lý do ngăn chặn những hoạt động được cho là bất hợp pháp. Không có người nào bị bắt giữ trong vụ khám xét này.
Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử dự kiến sẽ được công bố vào trưa 24/9. Nếu không có ứng cử viên nào giành 50% số phiếu ủng hộ, vòng hai cuộc bầu cử sẽ được tổ chức 3 ngày sau đó.
Trước đó, Liên hợp quốc đã kêu gọi đảm bảo cuộc bầu cử tổng thống ở Maldives vào diễn ra hòa bình, công bằng và minh bạch, đồng thời cho rằng một cuộc đối thoại chân thành và toàn diện giữa các chính đảng là cách thức có lợi duy nhất để xây dựng một nền dân chủ ổn định ở nước này.
Tháng Hai vừa qua, Maldives rơi vào khủng hoảng chính trị sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết thả các thủ lĩnh chính trị đối lập bị bắt giữ trước đó, cho rằng cần thả các cựu quan chức này cho đến khi có thể tiến hành các phiên tòa xét xử công bằng.
Ngoài ra, Tòa án Tối cao Maldives cũng ra phán quyết yêu cầu chính phủ phục chức cho 12 nghị sỹ bị bãi nhiệm do rời khỏi đảng của Tổng thống Abdulla Yameen.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Yameen đã từ chối tuân thủ phán quyết trên.
Tổng thống Yameen đã gửi thư tới Tòa án Tối cao trình bày những thách thức trong việc thực thi phán quyết của tòa; đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 15 ngày, ra lệnh các lực lượng an ninh bắt giữ cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom, Chánh án Tòa án Tối cao Abdulla Saeed và thẩm phán của tòa Ali Hameed.
Lệnh tình trạng khẩn cấp sau đó được gia hạn thêm một tháng trước khi được dỡ bỏ vào ngày 22/3 vừa qua./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()