Khoảng 2.000 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Các hợp tác xã nông nghiệp này đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, tăng cường ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, giảm giá thành vào trong sản xuất.
Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 3/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Chuyển đổi số và áp dụng công nghệ vào phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã đã có hiệu lực. Bằng sự áp dụng khoa học, công nghệ, phát triển khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên vẫn chưa phát triển như mục tiêu đã định. Chính vì vậy, hệ thống kinh tế tập thể càng phải chủ động ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số mạnh hơn nữa để đạt được mục tiêu đề ra.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện cả nước có hơn 31.700 hợp tác xã; trong đó có hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp, còn lại là kinh doanh, dịch vụ. Trong số này có khoảng 10% (khoảng 2.000) hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, khoảng 2.200 hợp tác xã đã tiến tới thành lập doanh nghiệp hoặc liên kết đầu tư vốn với doanh nghiệp.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Lê Đức Thịnh chia sẻ trong hai năm qua, số lượng và quy mô hợp tác xã nông nghiệp liên tục tăng, từ quy mô 170 thành viên mỗi hợp tác xã, hiện tăng lên hơn 200 thành viên.
Tổng số thành viên của các hợp tác xã nông nghiệp hiện là 3,85 triệu thành viên. Mặc dù vẫn còn hợp tác xã nông nghiệp yếu, song đa số ngày càng thể hiện đúng bản chất khi tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sẵn sàng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để đưa năng lực của hợp tác xã đi lên.
Đặc biệt kể từ ngày 1/7/2023, Luật Hợp tác xã 2023 bắt đầu có hiệu lực. Điểm mới được nhấn mạnh trong luật là nhấn mạnh và chú trọng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong phát triển hợp tác xã.
Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cho biết hiện nay Việt Nam đã phát triển mô hình hợp tác xã thanh niên, hợp tác xã phụ nữ nên khi Luật Hợp tác xã năm 2023 mở rộng chính sách hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực cho kinh tế tập thể sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao năng lực hợp tác xã, hướng đến năm 2045, Việt Nam sẽ có ít nhất một hợp tác xã nằm trong số 300 hợp tác xã tiêu biểu trên thế giới.
Tại tỉnh Đồng Tháp, để các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có thể tiếp cận với Luật Hợp tác xã 2023 nhanh nhất, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với nhiều đơn vị trường đại học và các doanh nghiệp công nghệ cao liên kết, hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực vận dụng công nghệ vào sản xuất, quản lý và chuyển đổi số.
Ông Lưu Thanh Trung, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiết bị Khoa học Kỹ thuật Trung Hải, chia sẻ Trung Hải đưa các giải pháp công nghệ và liên kết chuyển giao công nghệ sơ chế, bảo quản trái bắp non và khô các loại; giải pháp kiểm an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm vi sinh, dư lượng chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; giải pháp kiểm bệnh, sức khỏe cây trồng và môi trường nông nghiệp… đến với nông dân Đồng Tháp, hướng dẫn các hợp tác xã vận dụng, sử dụng trong quá trình sản xuất và tiêu thụ.
Kinh tế tập thể, điển hình là hợp tác xã, tổ hợp tác là một thành phần kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, tỉnh Đồng Tháp đã chú trọng nhiều phương pháp để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tại khu vực nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp, chia sẻ tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 195 hợp tác xã nông nghiệp.
Các hợp tác xã nông nghiệp này đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, tăng cường ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, giảm giá thành vào trong sản xuất và được người dân tích cực hưởng ứng.
Một bộ phận người dân, đặc biệt là những hộ dân sản xuất cây ăn trái đã có nhận thức tích cực về việc cần thiết phải tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác để có thể nâng cao năng lực sản xuất, dễ dàng tiếp cận công nghệ, tiếp cận số hóa, tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định. Từ đó, giúp người dân yên tâm sản xuất và tin tưởng tham gia góp vốn trở thành thành viên hợp tác xã.
Tại Sóc Trăng, các hợp tác xã cũng linh hoạt, chủ động bắt nhịp với Luật Hợp tác xã mới để có sự chuyển biến tích cực trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo thống kê của Liên minh hợp tác xã Sóc Trăng, toàn tỉnh có 206 hợp tác xã nông nghiệp. Nhiều hợp tác xã đã thể hiện được vai trò trong tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.
Nổi bật trong việc hình thành chuỗi giá trị sản xuất phải kể đến Hợp tác xã Nông nghiệp Tín Phát; Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi; Hợp tác xã Nông nghiệp Vinh Lợi; Hợp tác xã Nông nghiệp Thọ Hòa Đông A; hợp tác xã Nông nghiệp Phước An… thực hiện liên kết hộ dân tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Theo đó, điển hình có hợp tác xã Thủy sản Toàn Thắng ở xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng đã xây dựng vùng nuôi trồng, sản xuất quy mô lớn có áp dụng công nghệ, mang lại giá trị kinh tế cao.
Ông Phạm Văn Mừng, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Toàn Thắng cho biết, Toàn Thắng đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tôm đạt chứng chỉ ASC của châu Âu và Mỹ, đồng thời liên kết với Công ty chế biến thủy sản Út Xi để sản xuất con tôm đặc chất lượng xuất khẩu và đảm bảo khâu tiêu thụ ổn định, với giá cao hơn thị trường, đảm bảo lợi nhuận cho các thành viên trong hợp tác xã.
Để làm được điều này, hợp tác xã còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, giám sát ao nuôi, phát huy hiệu quả trong việc tìm kiếm, mở rộng kênh tiêu thụ, qua đó sản lượng tôm của hợp tác xã tăng mạnh qua các năm, đạt từ 500-700 tấn, tính từ năm 2022 đến nay.
Sau 9 năm thành lập và hoạt động hiệu quả, hiện hợp tác xã Thủy sản Toàn Thắng đã thu hút hơn 70 thành viên, với diện tích sản xuất là 165ha.
Hợp tác xã còn xây dựng, hoàn thiện bộ máy quản lý thành lập Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát, bộ phận kế toán, thủ quỹ, kỹ thuật, trở thành 1 trong 5 hợp tác xã kiểu mới, điển hình của tỉnh.
Theo ông Thạch Phước Tài, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Sóc Trăng, thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao năng lực quản lý và liên kết của hợp tác xã đã đem lại lợi ích cho hợp tác xã và thành viên, góp phần giảm bớt nhiều khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm; trong đó, các thành viên hợp tác xã tham gia các mô hình chuỗi liên kết sẽ được hướng dẫn quy trình, tổ chức sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, đồng thời được bao tiêu sản phẩm, không lo bị thương lái ép giá.
Về phía hợp tác xã, các thành viên sẽ chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng cao, sản lượng hàng hóa lớn, đồng nhất về chủng loại giống, chất lượng sản phẩm và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Việc phát triển các mô hình liên kết hợp tác xã sẽ là động lực để nâng cao năng lực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào tái cơ cấu, liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững./.
Ý kiến ()