Mặc dù đã rất chủ động trong chuyển dịch cơ cấu giống, chủ động liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, nhưng vụ sản xuất năm nay nông dân Tràng Định vẫn mắc phải vấn đề muôn thủa đó là tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp đã đến đầu tư, liên kết với nông dân, nhưng lại chỉ có 1 đơn vị hợp đồng bao tiêu với giá cả định trước từ đầu vụ, con số này là quá ít ỏi và hàng ngàn tấn sản phẩm còn lại muốn tiêu thụ được, nông dân phải chấp nhận bán giá rẻ. Từ Tràng Định nhìn sang các địa phương khác, như Lộc Bình năm nay trồng 650 ha khoai tây, sự chuyển dịch về giống chưa mạnh, chỉ có 10% sử dụng giống mới, liên kết sản xuất cũng không nhiều như ở Tràng Định, như vậy việc tiêu thụ còn khó khăn gấp bội. Năm trước Lộc Bình tồn 8.000 tấn khoai tây không tiêu thụ được, nông dân thiệt hại cả chục tỷ đồng, với những diễn biến của năm nay, rất có thể tình trạng ấy lại lặp lại. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu rất nhiều mối liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp với nhà nông, thiếu nhiều hợp đồng tiêu thụ nông sản bền vững… và vì thế nhà nông vẫn còn phải chịu thiệt.
LSO-Vụ đông năm nay, diện tích khoai tây trên địa bàn huyện Tràng Định tăng gấp hơn 2 lần so với năm trước. Tỷ lệ sử dụng giống mới của Đức, Hà Lan, Mỹ lên tới hơn 70%. Đã có sự liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp, tuy nhiên đó vẫn chỉ là số ít. Giá cả đang xuống thấp từng ngày, nhưng những người nông dân vẫn phải đôn đáo tìm mối tiêu thụ cho cả ngàn tấn khoai tây thương phẩm.
Phân loại khoai tây tại một điểm thu mua trên địa bàn xã Đại Đồng, huyện Tràng Định
Mấy ngày nay, cánh đồng xã Đại Đồng tấp nập xe vận tải, những tấm biển thu mua khoai tây được gắn dọc đường đi. Với sự tham gia liên kết của 3 doanh nghiệp, vụ đông năm nay, diện tích khoai tây của Đại Đồng tăng chưa từng thấy. Toàn xã trồng được 170 ha. Ông Nông Văn Nho, Phó Chủ tịch UBND xã so sánh: diện tích khoai tây năm nay gấp 3 lần so với năm trước, trong đó trên 110ha là liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, còn lại là tự phát. Trong số đó, khoai tây giống cũ chỉ còn chiếm 10% tổng diện tích, đây là một bước đột phá của địa phương trong chuyển dịch cơ cấu giống. Thoạt nhìn thì cứ ngỡ vụ đông năm nay nông dân Đại Đồng sẽ trúng to, nhưng trên thực tế họ vẫn trĩu nặng bao nỗi lo toan.
Năm nay gia đình chị Hoàng Thị Tấm, thôn Nà Pục, xã Đại Đồng trồng 9 sào khoai tây. Chị tham gia liên kết với cả 3 doanh nghiệp, 2 sào trồng khoai tây Đức, 4 sào trồng giống khoai Hà Lan và 3 sào trồng giống Atlantic. Dụng công chăm sóc, chủ động phòng trừ sâu bệnh, nhưng năm nay thời tiết phức tạp, khoai tây của gia đình chị cũng chỉ đạt khoảng 5 tạ/sào, bằng 2/3 so với năm trước. Trong khi đó chỉ có 3 sào liên kết với Trường Đại học Nông nghiệp I, trồng giống Atlantic là được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 6.000 đồng/kg, diện tích còn lại thuộc chương trình liên kết với doanh nghiệp khác và theo hợp đồng, thì sau khi thu lại sản phẩm tương ứng với số giống họ đã ứng trước, thì các doanh nghiệp này chỉ thu mua sản phẩm với mức giá từ 2.800 đồng- 4.000 đồng/kg, tùy vào phẩm cấp của sản phẩm, mức giá chỉ bằng phân nửa so với năm trước. Ông Hoàng Tấn Phi, Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng xác nhận: năm nay sâu bệnh nhiều, được 5 tạ/sào đã là cao, năng suất trung bình của toàn xã chỉ đạt chưa đầy 4 tạ/sào. Trong khi đó giá thu mua sản phẩm hạ xuống từng ngày, củ to, đẹp nhất mới được 4.000 đồng/kg. Rất may là từ đầu vụ, địa phương đã liên kết với Đại học Nông nghiệp I, có ký kết hợp đồng, nên 60 ha liên kết với đơn vị này đã được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 6.000 đồng/kg. Khoảng 110 ha khoai tây còn lại muốn tiêu thụ được buộc phải theo mức giá thấp mà các doanh nghiệp thu mua đưa ra.
Bức tranh sản xuất và tiêu thụ khoai tây ở Đại Đồng đã phản ánh tình hình chung của toàn huyện. Ông Nông Văn Thoại, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: vụ đông năm nay toàn huyện Tràng Định trồng được 475ha khoai tây vụ đông, vượt 90% so với kế hoạch và gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó điều đáng mừng là khoai tây giống cũ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 80 ha, còn lại là khoai giống mới và trong số đó có tới 70% diện tích liên kết sản xuất với các doanh nghiệp. Tiếng là liên kết sản xuất, nhưng chỉ có 1 doanh nghiệp là có hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả cam kết từ đầu vụ, 6.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp còn lại họ thu mua với giá rất thấp, từ 4.000 đồng/kg trở xuống và theo lý giải của các đầu mối thu mua này, mức giá năm nay thấp là do tình hình chung (?). Trong khi đó, năng suất khoai tây năm nay cũng rất thấp, trung bình của toàn huyện chỉ đạt 3,5 tạ/sào, tức là chỉ trên 9 tấn/ha, so với năm trước con số này chỉ bằng ½. Mất mùa lại rớt giá, trong khi đó giá chi phí vật tư lại cao, chỉ làm một phép tính đơn giản cũng thấy người nông dân đang phải đối mặt với nguy cơ lỗ vốn.
Mặc dù đã rất chủ động trong chuyển dịch cơ cấu giống, chủ động liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, nhưng vụ sản xuất năm nay nông dân Tràng Định vẫn mắc phải vấn đề muôn thủa đó là tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp đã đến đầu tư, liên kết với nông dân, nhưng lại chỉ có 1 đơn vị hợp đồng bao tiêu với giá cả định trước từ đầu vụ, con số này là quá ít ỏi và hàng ngàn tấn sản phẩm còn lại muốn tiêu thụ được, nông dân phải chấp nhận bán giá rẻ. Từ Tràng Định nhìn sang các địa phương khác, như Lộc Bình năm nay trồng 650 ha khoai tây, sự chuyển dịch về giống chưa mạnh, chỉ có 10% sử dụng giống mới, liên kết sản xuất cũng không nhiều như ở Tràng Định, như vậy việc tiêu thụ còn khó khăn gấp bội. Năm trước Lộc Bình tồn 8.000 tấn khoai tây không tiêu thụ được, nông dân thiệt hại cả chục tỷ đồng, với những diễn biến của năm nay, rất có thể tình trạng ấy lại lặp lại. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu rất nhiều mối liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp với nhà nông, thiếu nhiều hợp đồng tiêu thụ nông sản bền vững… và vì thế nhà nông vẫn còn phải chịu thiệt.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()