Khoai tây mất giá: Thiếu khâu liên kết
LSO-Vụ khoai tây đông năm nay, đa phần ở các vùng trồng chính trong tỉnh, diện tích, năng suất đều thấp hơn so với năm trước. Trong khi đó, giá khoai tây thương phẩm cũng giảm rất sâu. Có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu vẫn là thiếu những mối liên kết bền chặt giữa các nhà.
Nông dân xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình thu hoạch khoai tây đông |
Tràng Định là huyện thu hoạch khoai tây sớm nhất trong tỉnh, cách đây hơn 1 tháng, nhân dân đã thu hoạch xong. Diện tích khoai tây ở Tràng Định năm nay không nhiều, chỉ cỡ độ 120 ha, chưa bằng 1/3 năm cao điểm. Ông Nông Văn Thoại, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tràng Định cho biết: diện tích ít và năng suất cũng chỉ xấp xỉ 80% so với các năm trước do điều kiện thời tiết không thuận.
Diện tích giảm, năng suất không cao, do vậy, sản lượng khoai tây ở Tràng Định năm nay không lớn. Năm nay cũng không có doanh nghiệp nào liên kết sản xuất, bởi vậy sản phẩm bán lẻ phục vụ tiêu dùng là chính. Cũng may là thu hoạch ở thời điểm sớm và bán lẻ nên giá khoai tây ở Tràng Định tương đối cao. Đối với khoai tây Đức loại I, giá bán trên 10.000 đồng/kg; khoai giống cũ cũng được giá ở mức trên dưới 7.000 đồng/kg tùy từng thời điểm.
Thế nhưng các huyện thu hoạch vào thời điểm cuối tháng 3, lượng sản phẩm tập trung tương đối lớn thì giá thu mua lại rất thấp. Chị Lý Thị Thông, thôn Pò Vèn, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình cho biết: năm nay gia đình tôi trồng 7 sào khoai tây giống mới (Hà Lan), năng suất kém hơn và giá thu mua cũng chỉ bằng ½ so với năm trước. Hiện nay giá thu mua khoai tây thương phẩm giống mới trung bình ở mức 4.500 đồng/kg. Với giá này, người sản xuất lỗ.
Bà Chu Mai Hương, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: diện tích khoai tây ở Lộc Bình năm nay đã giảm xuống rất thấp, chỉ còn khoảng 200 ha. Trên địa bàn huyện chỉ có duy nhất chương trình liên kết cung ứng giống đổi sản phẩm của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (Sở Khoa học Công nghệ), ngoài ra không có bất kỳ doanh nghiệp nào tham gia liên kết sản xuất với người dân. Một số ít diện tích trồng khoai tây giống mới bán buôn được ở mức 4.500 đồng/kg, còn khoai giống cũ (giống Trung Quốc) giá chỉ ở mức 3.000-3.500 đồng/kg, giá thấp mà tiêu thụ cũng rất chậm. Chị Lưu Chiều, thôn Pò Lạn, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình tâm sự: năm trước, giá cao hơn mà người ta đến tận ruộng thu mua, năm nay giá thấp mà bán cũng khó, hiện nay, gia đình tôi còn đến vài tạ trong nhà.
Cũng giống như Lộc Bình, hiện nay giá khoai tây trên địa bàn huyện Chi Lăng cũng đang ở mức rất thấp, chỉ từ 3.000 đồng/kg mà người dân còn phải bán lẻ dọc đường quốc lộ. Ông Lương Thành Chung, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: năm nay, toàn huyện trồng hơn 200 ha khoai tây đông, hầu như không có diện tích nào liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Thiếu người thu mua, người dân phải bán lẻ mà giá thị trường vẫn rất thấp. Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho biết: năm nay Trung tâm triển khai sản xuất 20 ha khoai tây giống mới. Trong đó có 10 ha Trung tâm trực tiếp làm theo mô hình cánh đồng mẫu lớn ở thành phố. Còn lại 10 ha liên kết sản xuất với nông dân ở Lộc Bình, Cao Lộc. Năm nay năng suất khoai tây thấp, lại mất giá, nên Trung tâm đã giảm định mức đổi sản phẩm xuống chỉ còn 1 kg giống lấy 2,5 kg khoai thương phẩm (trước đó hợp đồng với dân là 1 kg giống lấy 3 kg khoai thương phẩm). Số còn lại, theo điều tiết của thị trường, Trung tâm cố gắng nhất chỉ có thể thu mua “đổ đồng” (không lựa chọn, phân loại) với giá 4.500 đồng/kg khoai tây thương phẩm. Ông Tiến thẳng thắn nhận định: nhà nông của chúng ta sản xuất chưa chuyên nghiệp. Thứ nhất là không tuân thủ hướng dẫn về khoa học kỹ thuật, rất nhiều gia đình bảo thủ làm theo kinh nghiệm. Bởi thế, năng suất và chất lượng khoai thương phẩm chưa cao. Rất nhiều sản phẩm Trung tâm thu mua về sau đó bị hỏng hết. Thứ hai là chưa tuân thủ các hợp đồng đã ký với doanh nghiệp. Những năm trước đây có một số doanh nghiệp, thông qua Trung tâm liên kết sản xuất với người dân và ký hợp đồng tiêu thụ với mức giá cố định. Nhưng có thời điểm các tư thương tranh nhau mua, nông dân chạy theo giá thị trường, bán các sản phẩm tốt cho tư thương với giá cao hơn vài trăm đồng, trong khi đó nhà đầu tư trực tiếp không thu được sản phẩm. Rất nhiều doanh nghiệp chỉ liên kết được một vụ đã không dám quay lại đầu tư. Điều này ngoài ý thức của người dân, thì chính vai trò của Ban chỉ đạo sản xuất và chính quyền cơ sở cũng còn mờ nhạt. Thể hiện sự lỏng lẻo trong liên kết 4 nhà. Về phía doanh nghiệp, ngoài một số doanh nghiệp tâm huyết, có năng lực, cũng không ít doanh nghiệp chụp giật tranh thủ thu mua, cạnh tranh không lành mạnh với các nhà đầu tư trực tiếp…
Điều đó dẫn tới các mối liên kết vốn lỏng lẻo lại càng dễ bị phá vỡ. Trong vụ khoai tây đông vừa qua, hầu như không có liên kết sản xuất giữa nhà nông, doanh nghiệp theo hình thức cung ứng vật tư, hợp đồng tiêu thụ. Và hệ quả nhãn tiền là mặc dù diện tích và năng suất thấp, sản lượng sụt giảm, nhưng khoai tây vẫn mất giá.
Khoai tây là một trong những loại cây nằm trong quy hoạch phát triển vùng cây nguyên liệu của tỉnh gắn với chế biến và xuất khẩu đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015, giá trị sản phẩm trong vùng quy hoạch đạt trên 105 tỷ đồng. Thế nhưng thực tiễn đang khác xa so với quy hoạch. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là vùng khoai tây đang thiếu khâu liên kết.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()