Khoai tây được giá nông dân phấn khởi
– Thời điểm này, nông dân các huyện trên địa bàn tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch khoai tây. Năm nay, mặc dù thời tiết không thuận, nhưng do nông dân đã chủ động trong sản xuất nên khoai tây đảm bảo về năng suất, chất lượng, không những vậy giá bán cao hơn năm ngoái.
Những ngày này, trên cánh đồng các xã Tân Liên, Gia Cát, huyện Cao Lộc, người dân đang tất bật thu hoạch khoai tây. Theo tìm hiểu, xã Tân Liên có hơn 40 ha, Gia Cát có 25 ha trồng khoai tây. Tại các cánh đồng, nông dân thu hoạch đến đâu là có tiểu thương thu mua hết đến đấy. Trước khi giao cho thương lái, nông dân chủ động phân loại theo kích cỡ và đóng túi theo quy cách 15 kg/túi. Xách 2 túi khoai tây nặng trĩu đến điểm tập kết, anh Vi Văn Hậu, thôn Bắc Đông II, xã Gia Cát cho biết: Nhờ chủ động nước tưới và trồng đúng khung thời vụ nên năng suất khoai tây của gia đình tôi đạt từ 800 kg đến 1.000 kg/sào, củ khoai to đều, giá bán cũng ổn định khoảng 11.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái 5.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân chúng tôi có thu nhập khá.
Nông dân xã Gia Cát (Cao Lộc) vận chuyển khoai tây đến điểm thu mua
Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc cho biết: Vụ đông xuân 2022 – 2023, toàn huyện Cao Lộc có 120 ha khoai tây, năng suất đạt khá, thương lái thu mua với giá cao hơn năm 2022 và ổn định từ đầu vụ nên nông dân rất phấn khởi.
Không riêng Cao Lộc, nông dân trồng khoai tây ở các huyện khác trong tỉnh cũng chung niềm vui được giá. Nếu như thời điểm này năm ngoái, khoai tây của nông dân chỉ được thu mua với giá 5.000 đồng đến 7.000 đồng/kg thì năm nay giá thu mua ổn định từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/kg. Với giá thu mua này, mỗi sào, nông dân có thu nhập khoảng 14 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Huế, Phó Trưởng Phòng Trồng trọt – Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Vụ đông xuân 2022 – 2023, toàn tỉnh trồng trên 630 ha khoai tây, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Lộc Bình 213 ha; Cao Lộc 120 ha; Chi Lăng 83 ha; Văn Quan 75 ha… Năng suất trung bình ước đạt trên 127 tạ/ha, sản lượng ước đạt 8.100 tấn. Năm nay, ngay từ đầu thời điểm thu hoạch, thương lái từ nhiều địa phương và công ty ký kết hợp đồng đã bố trí các điểm tập kết để thu mua khoai tây. Giá thu mua khoai tây năm nay cao hơn năm ngoái nên bà con rất vui, các hộ khẩn trương thu hoạch, chủ động phân loại, đóng gói theo yêu cầu để thuận lợi cho công tác vận chuyển, bảo quản của bên thu mua.
Các giống khoai tây được nông dân trồng như: Marabel, Solara, Dimant… đây là những giống khoai tây ruột vàng, củ nhẵn, hàm lượng tinh bột cao, thuận lợi cho việc sơ chế, chế biến thực phẩm. Để đảm bảo năng suất, chất lượng khoai tây, trước mỗi vụ sản xuất, các địa phương đã khảo sát, xây dựng kế hoạch chủ động nguồn nước tưới, giúp nông dân gieo trồng kịp thời vụ; kết nối với doanh nghiệp, đơn vị thu mua bao tiêu sản phẩm. Cùng đó, phối hợp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác, phòng chống sâu bệnh hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý.
Để hỗ trợ người dân và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng, Văn Quan đã chủ động phối hợp với một số công ty như: Công ty Cổ phần Đại Nguyễn Lạng Sơn và Công ty TNHH MTV thương mại nông nghiệp ViGia thực hiện cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm cho bà con với diện tích 180 ha. Đối với các địa phương khác, sản phẩm sau thu hoạch chủ yếu do thương lái các tỉnh đến thu mua.
Khoai tây là cây trồng vụ đông mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục khảo sát, tuyên truyền hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; đồng thời, tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ… góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng đó, chủ động tìm hiểu, phối hợp với các công ty để bao tiêu sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất.
Ý kiến ()