Khoa học và công nghệ vượt khó tạo động lực phát triển
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn kiểm tra quá trình sinh trưởng của nấm đông trùng hạ thảo |
Khó khăn trước hết là chi ngân sách nhà nước cho KH&CN của tỉnh còn thấp. Những năm gần đây, trung bình chỉ đạt dưới 0,4% so với tổng chi ngân sách của tỉnh, thấp hơn 1,6% so với quy định. Nguồn ngân sách hạn hẹp ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoạt động KH&CN. Tuy nhiên, Sở KH&CN đã tham mưu, đưa ra giải pháp sử dụng ngân sách hợp lý; chi cho những hoạt động, đề tài, dự án mang tính cấp thiết, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
Khó khăn nữa là đội ngũ nghiên cứu khoa học mỏng và yếu về chất lượng. Đội ngũ này chủ yếu là cán bộ làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, thực tế còn thiếu các chuyên gia đầu ngành về KH&CN. Cùng với đó, nhân lực làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, tổ chức KH&CN có nhiều biến động. Đơn cử việc áp dụng chính sách với đội ngũ cán bộ, viên chức Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh thiếu tính đồng bộ và gặp nhiều vướng mắc nên chưa tạo được tâm lý ổn định cho cán bộ, viên chức làm việc.
Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất và đời sống còn hạn hẹp. Ông Lê Minh Thanh, Giám đốc Sở KH&CN khẳng định: Việc nghiên cứu giao nhiệm vụ KH&CN đã khó, việc đưa nhiệm vụ KH&CN vào đời sống còn khó hơn. Tuy nhiên, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động như: chính sách khuyến khích hỗ trợ áp dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống, quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn … Thời gian qua, sở cũng nỗ lực hết mình trong công tác quản lý, tuyên truyền, thanh, kiểm tra các nội dung, hoạt động KH&CN.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng có thể khẳng định KH&CN đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đặc biệt việc triển khai các đề tài, dự án KH&CN được thực hiện đúng các quy định của nhà nước, bám sát chỉ đạo về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Các đề tài, dự án KH&CN đa phần tập trung vào những nhiệm vụ cấp thiết của tỉnh và đảm bảo đa dạng các lĩnh vực nghiên cứu. Trong số này có nhiều nghiên cứu đem lại hiệu quả trong sản xuất và đời sống. Rõ nhất là nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị cao thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân như: khoai tây, chuối tiêu hồng nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào; nuôi bò thịt, cá trắm đen thương phẩm, gà lai hướng trứng… Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Trong lĩnh vực nông nghiệp, các đề tài, dự án đã đưa các tiến bộ kỹ thuật mới vào áp dụng, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành chăn nuôi, thuỷ sản, trồng trọt của tỉnh. Đơn cử đề tài nghiên cứu khoa học về các biện pháp phòng trừ bọ ánh kim hại hồi, sâu róm hại thông giúp cho hàng vạn héc ta hồi, thông ở tỉnh được bảo vệ, không nhiễm bệnh, giảm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho người dân. Nghiên cứu khoa học về cải tạo vườn na hoặc đưa kỹ thuật mới vào thâm canh, chăm sóc góp phần tăng năng suất, sản lượng quả…Cùng đó, một số nghiên cứu khoa học có giá trị lịch sử, văn hóa, chính trị làm căn cứ để tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả. Trong số này có thể kể tên là đề tài “nghiên cứu, xây dựng cơ cấu công chức trong cơ quan hành chính nhà nước ở cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn Lạng Sơn” là căn cứ khoa học để UBND tỉnh giao chỉ tiêu biên chế hằng năm cho các sở, ban, ngành, huyện, thành phố để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức…
Dù đề tài, dự án nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ, tài nguyên – môi trường hay xã hội – nhân văn…cũng đều theo đúng định hướng, thiết thực và phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.
Ý kiến ()