Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, ngành dầu khí Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đưa nước ta trở thành nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ đứng hàng thứ ba ở khu vực Đông – Nam Á.
Chúng ta đã xây dựng, hình thành và phát triển ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam tương đối hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác tới vận chuyển, chế biến, kinh doanh, dịch vụ, phân phối các sản phẩm dầu khí trong nước. Từng bước vươn mạnh ra thị trường thế giới. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) luôn là một trong những tập đoàn kinh tế đầu tàu và có nhiều đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế đất nước: Tổng doanh thu đạt hơn 110 tỷ USD, duy trì mức tăng trưởng trung bình gần 20%/năm, nộp ngân sách trung bình từ 28 đến 30%/năm, tổng thu ngân sách Nhà nước, kim ngạch xuất khẩu chiếm trung bình 15%/năm tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đến nay đã thu hút hơn 12 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam. Tập đoàn đang triển khai khai thác 18 mỏ dầu, khí (trong đó: 17 mỏ trong nước và một mỏ ở nước ngoài) với tổng sản lượng khai thác dầu, khí (đến hết tháng 5-2010) đạt 317 triệu tấn quy dầu.
Vai trò và vị thế của ngành dầu khí Việt Nam hôm nay, cũng như những thành tựu to lớn mà ngành dầu khí nước ta đạt được trong 35 năm qua là thành quả của lao động và sáng tạo, tâm huyết và trí tuệ của toàn thể hơn 35 nghìn cán bộ, nhân viên trong toàn tập đoàn, trong đó có đóng góp không nhỏ của đội ngũ những cán bộ hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KHCN) giữ vai trò to lớn của KHCN dầu khí Việt Nam.
Những năm đầu 60 của thế kỷ trước, Liên Xô và một số nước XHCN đã giúp đỡ về kinh tế, kỹ thuật và đào tạo cho Việt Nam những chuyên gia dầu khí đầu tiên, đồng thời cử chuyên gia dầu khí trực tiếp tham gia nghiên cứu địa chất, khảo sát địa vật lý và khoan ở miền võng Hà Nội. Kết quả là đã phát hiện mỏ khí Tiền Hải C, một số giếng khoan ở các cấu tạo khác đã gặp khí. Hoạt động KHCN trong thời kỳ này chủ yếu tập trung vào một số chuyên ngành cơ bản của khoa học dầu khí như địa chất dầu khí, địa vật lý, khoan khai thác… Theo tiến trình phát triển, hoạt động KHCN đã được mở rộng, gắn kết chặt chẽ với sự phát triển các lĩnh vực hoạt động khác của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam như thu gom, vận chuyển, tàng trữ, xử lý và sử dụng khí, chế biến dầu khí (CBDK), an toàn sức khỏe môi trường dầu khí, kinh tế và quản lý dầu khí.
Tháng 6-1986, những tấn dầu đầu tiên được khai thác từ mỏ Bạch Hổ ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam. Sự kiện này là một dấu mốc quan trọng ghi nhận thành quả hoạt động KHCN của tập thể những nhà khoa học dầu khí Việt Nam, đồng thời mở ra một giai đoạn sáng tạo, sôi động đối với những cán bộ làm công tác khoa học dầu khí nói riêng và toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức của ngành dầu khí nói chung.
Một số thành tựu KHCN nổi bật
Đến nay, ngành dầu khí Việt Nam đã tiếp nhận chuyển giao, áp dụng và làm chủ hàng loạt công nghệ hiện đại nhất của thế giới vào các lĩnh vực hoạt động ngành.
Trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, ngành dầu khí Việt Nam đang sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, kể cả các ứng dụng mới nhất của công nghệ tin học, như các phần mềm xử lý và minh giải số liệu, tài liệu địa vật lý, mô hình hóa và mô phỏng mỏ, thiết kế khai thác, công nghệ khai thác dầu trong đá móng. Hàng loạt các phần mềm chuyên dụng, tiên tiến của thế giới đã được đưa vào sử dụng thông qua mua bản quyền hoặc hợp tác liên doanh, liên kết cùng có lợi như: phần mềm xử lý tài liệu địa chấn ProMax, minh giải địa chấn của GeoQuest và Landmark, mô phỏng mỏ của GeoQuest (Eclipse), của CMG (IMEX, GEM, STARS), phần mềm cho khoan Drilling Office; các phần mềm minh giải tài liệu địa vật lý giếng khoan: Elan Plus, phần mềm CSDL Finder… Công nghệ điều khiển tự động trong khoan và khai thác cũng được áp dụng rộng rãi như: công nghệ khoan ngang, khoan thân giếng nhỏ, vận hành giếng khai thác tự động trên các giàn nhẹ, vận hành các đầu giếng ngầm trong khai thác… Công nghệ sinh học và hóa học đã và đang được áp dụng để nâng cao hệ số thu hồi dầu ở các mỏ trong khai thác như Bạch Hổ, Rạng Đông, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng… Trong phân tích thí nghiệm phục vụ tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, công nghệ tin học đã nhanh chóng được sử dụng làm tăng độ chính xác của kết quả, tiết kiệm thời gian phân tích ở tất cả các loại mẫu: cổ sinh, thạch học, địa hóa, cơ lý đá…
Qua thực tiễn hoạt động của ngành, công nghệ khai thác dầu trong đá móng nứt nẻ đã được các nhà khoa học dầu khí Việt Nam phát triển và hoàn thiện thành công nghệ của Việt Nam, góp phần quan trọng vào công tác tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các mỏ dầu trong đá móng nứt nẻ trước Đệ tam thềm lục địa Việt Nam. Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đang kiến nghị Nhà nước xem xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN cho công trình khoa học này của tập đoàn.
Trong lĩnh vực hóa – CBDK, mặc dù mới chỉ được bắt đầu trong vòng hơn 20 năm nay, nhưng một loạt công nghệ mới của các nhà bản quyền lớn trên thế giới như UOP, Merichem, ABB (Mỹ), Axens (trước đây là IFP của Pháp), Snamprogetti (I-ta-li-a), Haldor & Topsoe (Đan Mạch)… đã được sử dụng và chuyển giao công nghệ thành công, áp dụng vào các nhà máy trong lĩnh vực này. Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực hóa – CBDK đã phục vụ có hiệu quả cho công tác lập đề án xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu số 2 (Nghi Sơn, Thanh Hóa) và Nhà máy lọc hóa dầu số 3; các dự án sử dụng khí đồng hành và khí thiên nhiên phục vụ cho các nhà máy điện chạy bằng tua-bin khí, nhà máy khí hóa lỏng (LPG), sản xuất dầu nhờn… Các hoạt động nghiên cứu, dự báo công nghệ và thị trường đã phục vụ quy hoạch phát triển công nghiệp lọc hóa dầu cho từng giai đoạn phát triển của ngành. Từ kết quả nghiên cứu sử dụng các nguyên liệu địa phương để phục vụ ngành dầu khí, Tổng công ty cổ phần dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí (DMC) đã hoàn thiện công nghệ sản xuất sét bột bentonit và barit đạt tiêu chuẩn API để phục vụ cho các giếng khoan của Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro và các công ty dầu khí nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam và xuất khẩu ra nước ngoài.
Trong lĩnh vực an toàn sức khỏe môi trường dầu khí, các đề tài nghiên cứu KHCN đã đạt được một số ứng dụng hiệu quả như: Xây dựng được hệ thống các phương pháp kiểm định tiên tiến kiểm soát về mặt môi trường các hóa chất sử dụng trong ngành dầu khí, giúp cơ quan quản lý môi trường đánh giá được mức độ nguy hiểm và quản lý rủi ro đối với việc sử dụng và thải bỏ các hóa chất độc hại; lập bản đồ nhạy cảm môi trường, xây dựng mô hình trôi dạt dầu, xây dựng kế hoạch ứng cứu sự cố tràn dầu phục vụ trực tiếp cho công tác ứng cứu sự cố tràn dầu. Nghiên cứu đánh giá thiệt hại môi trường do sự cố tràn dầu đã được áp dụng để thực hiện việc đánh giá thiệt hại sự cố tràn dầu xảy ra ở Gành Rái tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2001. Nghiên cứu đánh giá định lượng rủi ro các công trình biển của VSP; hệ thống đường ống dẫn khí của PVGAS phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý an toàn. Nghiên cứu về môi trường lao động đã đưa ra định hướng quản lý và cải thiện điều kiện lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu chất thải và quan trắc môi trường, đồng thời thiết lập hệ thống VMEGIS, giúp quản lý tình hình bảo vệ môi trường liên quan đến các hoạt động dầu khí và lập kế hoạch ứng cứu sự cố tràn dầu khi có sự cố.
Trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển KHCN (R&D), trong giai đoạn 2006-2010, tập đoàn đã thực hiện 16 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước/Bộ và gần 170 đề tài nghiên cứu cấp ngành để giải quyết các vấn đề về khoa học và công nghệ theo yêu cầu thực tế sản xuất, kinh doanh, phục vụ và áp dụng trực tiếp vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn. Kết quả các chương trình nghiên khoa học cấp Nhà nước, cấp ngành đã góp phần làm rõ bức tranh tiềm năng dầu khí và chính xác hóa trữ lượng dầu khí toàn khu vực thềm lục địa và lãnh thổ Việt Nam, các bể trầm tích và các lô riêng biệt, phục vụ cho xây dựng quy hoạch phát triển của ngành dầu khí Việt Nam, phục vụ trực tiếp cho công tác thăm dò, khai thác, đàm phán ký kết các hợp đồng dầu khí trong từng giai đoạn.
Với đặc thù là ngành công nghiệp mang tính quốc tế cao, sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, trong những năm qua để thực hiện chủ trương “đi tắt đón đầu” trong phát triển KHCN, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về KHCN với nhiều tổ chức, các đối tác và công ty dầu khí nước ngoài, các viện nghiên cứu và trường đại học của nhiều nước trên thế giới như Nga, Pháp, Mỹ, Đan Mạch, Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng là thành viên tích cực của nhiều tổ chức hợp tác quốc tế song phương và đa phương như CCOP, ASCOPE, Hội địa chất dầu khí quốc tế… Thông qua quan hệ hợp tác quốc tế, nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được chuyển giao vào Việt Nam và theo đó đã đào tạo được một lực lượng cán bộ nghiên cứu KHCN.
Định hướng phát triển
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế phát triển kinh tế tri thức trên thế giới đã và đang đặt ra những thách thức và yêu cầu mới cho hoạt động KHCN của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Chiến lược KHCN ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 đã chỉ ra quan điểm phát triển KHCN của ngành trong thời gian tới là: “KHCN dầu khí là nền tảng, động lực cho sự nghiệp phát triển bền vững ngành dầu khí Việt Nam; Phát triển có hệ thống, có lộ trình cụ thể, đồng bộ; Trọng tâm là nghiên cứu ứng dụng, có chú ý đúng mức đến nghiên cứu cơ bản phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và cho khoa học dầu khí; Ưu tiên phát huy nội lực, tranh thủ hợp tác quốc tế đa dạng, nhằm đạt trình độ tiên tiến của khu vực vào năm 2015 và trình độ tiên tiến của thế giới trong một số lĩnh vực quan trọng từ sau năm 2025”.
Trên cơ sở quán triệt quan điểm phát triển KHCN của ngành và định hướng các mục tiêu chiến lược quan trọng trong chính sách phát triển KHCN của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong thời gian tới, cần tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
Nâng cao tiềm lực KHCN của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, phấn đấu đạt trình độ tiên tiến của khu vực vào năm 2015 và đạt trình độ trung bình, trong đó có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến của thế giới sau năm 2025. Tiếp thu và làm chủ công nghệ hiện đại thuộc các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cốt lõi và từng bước có sáng tạo công nghệ/sản phẩm KHCN của riêng tập đoàn. Cung cấp đầy đủ và kịp thời các luận cứ khoa học cho các quyết định quản lý và điều hành của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Nâng cao trình độ, chất lượng, và hiệu quả của các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KHCN. Đổi mới cơ chế quản lý các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KHCN đồng thời xây dựng các tiêu chí cụ thể, rõ ràng đánh giá hoạt động KHCN. Gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong ngành, giữa sản xuất, kinh doanh với nghiên cứu và đào tạo, giữa nghiên cứu với ứng dụng. Xây dựng và hình thành đội ngũ cán bộ KHCN có trình độ chuyên môn cao, có đủ khả năng tổ chức nghiên cứu và giải quyết các nhiệm vụ KHCN của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam ở trình độ khu vực và quốc tế. Đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế hoạt động KHCN, tiếp thu có chọn lọc tri thức khoa học, chuyển giao công nghệ, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển KHCN của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Ý kiến ()