Khoa học và Công nghệ: Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số
(LSO) – Hiện nay, dân số toàn tỉnh khoảng 780.000 người, trong đó, người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 82,97%. Trong 200 xã, phường, thị trấn có 107 xã khó khăn. Thời gian qua, bám sát chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khu vực dân tộc thiểu số, áp dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS.
Ông Lưu Bá Mạc, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Quản lý chuyên ngành, Sở KHCN cho biết: Để nâng cao hiệu quả sản xuất thì ứng dụng KHCN vào thực tiễn là rất cần thiết. Những năm qua, các cấp, ngành liên quan, trong đó Sở KHCN đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa các chính sách trong lĩnh vực KHCN vào sản xuất và đời sống; đồng thời, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KHCN vào sản xuất góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, thực hiện chính sách khuyến khích áp dụng thành tựu KHCN vào sản xuất, Sở KHCN đã triển khai 154 mô hình là kết quả từ các đề tài, dự án vào thực tiễn sản xuất gồm: thâm canh chuối tiêu hồng, thanh long ruột đỏ, khoai môn, khoai tây, lúa, ngô; chăn nuôi giống gà lai VCN – G15 hướng trứng; chăn nuôi lợn nái, sản xuất na VietGAP, GlobalGAP… có tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và Nhân dân đối ứng gần 7 tỷ đồng với hơn 400 hộ được hưởng lợi. Những mô hình này đã mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể, một số nơi đã hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên sản xuất.
Nông dân thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình chăm sóc cây thanh long
Chị Lương Thị Hồng Thắm, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lặng cho biết: Gia đình tôi có gần 200 gốc na canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ canh tác theo tiêu chuẩn này mà giá trị quả na tăng. Hằng năm, gia đình tôi có thu nhập từ 20 đến 40 triệu đồng từ vườn na. Tôi đang tiếp tục áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác nhằm tăng trọng lượng, chất lượng quả và kéo dài thời gian thu hoạch.
Song song với đó, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh còn chủ trì nghiên cứu, thực hiện 184 đề tài, dự án khoa học. Trong đó, hơn 50% thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ về giống, quy trình canh tác, chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển đặc sản có thế mạnh của địa phương; nghiên cứu một số loại sâu, bệnh hại trên cây trồng và cách phòng, chống, chữa trị; kéo dài thời gian chín, thời gian bảo quản các loại quả; phát triển thành hàng hóa một số loại giống vật nuôi bản địa như: gà 6 ngón, gà ri, ếch hương…
Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, Sở KHCN đã tăng cường xác lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nông, lâm, đặc sản địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 2 chỉ dẫn địa lý, 2 nhãn hiệu chứng nhận, 20 nhãn hiệu tập thể. Qua đó, đã thay đổi mạnh mẽ nhận thức của người DTTS về sở hữu trí tuệ, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa, phát triển thị trường tiêu thụ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Ông Lâm Văn Viên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Các đề, tài dự án do Sở KHCN tích cực phối hợp với các cấp, ngành liên quan triển khai đã giúp người DTTS trên địa bàn tỉnh thay đổi tư duy, tập quán, cách làm trong sản xuất. Từ đó, nâng cao năng lực và trình độ thâm canh cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp họ vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh, phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống đồng bào. Theo tổng hợp, tỷ lệ hộ DTTS giảm nghèo là trên 3,5%/năm, trong đó, một số huyện nghèo như: Đình Lập, Văn Quan, Bình Gia có tỉ lệ hộ nghèo DTTS giảm nghèo tới 5%/năm.
Thời gian tới, Sở KHCN sẽ tiếp tục nghiên cứu các đề tài, dự án nhằm hỗ trợ tích cực cho người dân khu vực thiểu số trên địa bàn tỉnh trong lao động, sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị lao động, hình thành tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()