Khoa học và công nghệ: Giúp nông dân tăng thu nhập
(LSO) – Nâng cao thu nhập cho nông dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh. Góp phần thực hiện nhiệm vụ này, ngành khoa học và công nghệ (KHCN) tỉnh đã đẩy mạnh triển khai các đề tài, dự án và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đầu năm 2018, toàn tỉnh chung tay giúp nông dân huyện Chi Lăng giải cứu khoai tây. Hơn 500 tấn tồn đọng khiến giá khoai tây thấp kỷ lục, chỉ khoảng 5.000 đồng/kg, khiến người trồng lao đao. Thế nhưng cùng thời điểm đó, tại các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định giá khoai tây ổn định ở mức 8.000 – 10.000 đồng/kg. Tại một số xã như: Gia Cát (Cao Lộc), Bằng Khánh, Đồng Bục (Lộc Bình)… các hộ dân đã đưa giống khoai tây đầu dòng của Đức, Hà Lan do Trung tâm Ứng dụng phát triển khoa học – công nghệ và đo lường chất lượng nhân giống thành công vào sản xuất. Giống khoai tây mới cho củ to, đều, màu vàng tươi, nhiều bột, nhẵn, hầu như không có mắt rất thuận lợi cho công nghiệp chế biến. Đặc biệt, nông dân đã biết liên kết với hợp tác xã, sản phẩm được bao tiêu, không phải lo khâu tiêu thụ. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật đưa giống mới vào sản xuất, giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định.
Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Sở KHCN cho biết: Sở KHCN đã chủ động nghiên cứu, đưa các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Các đề tài, giải pháp được triển khai trong các lĩnh vực: trồng trọt – bảo vệ thực vật; chăn nuôi – thú y, thủy sản; lâm nghiệp; cơ điện, bảo quản chế biên nông sản sau thu hoạch; công nghệ sinh học…
Cán bộ Sở khoa học và Công nghệ trao đổi kinh nghiệm sản xuất giống lạc năng suất cao L19 với nông dân xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc
Từ năm 2016 đến nay, Sở KHCN đã triển khai 35 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; triển khai 24 đề tài ứng dụng tiến bộ KHCN vào thực tiễn như: ứng dụng công nghệ mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa; phát triển nghề trồng nấm theo hướng hàng hóa; sử dụng chế phẩm sinh học để khử mùi hôi chuồng trại…
Hoàn thành xây dựng và bảo hộ 5 nhãn hiệu tập thể, triển khai 13 dự án đăng ký sở hữu trí tuệ và phát triển tài sản sở hữu trí tuệ; quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể quýt vàng Bắc Sơn; xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm ngựa bạch huyện Chi Lăng, măng Bát độ huyện Hữu Lũng…
Triển khai đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, Sở KHCN tập trung đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, nhân rộng công nghệ sinh học trong các lĩnh vực sản xuất. Nhiều sản phẩm đã được ứng dụng vào thực tiễn như: chế phẩm sinh học kéo dài thời gian thu hoạch, bảo quản các loại quả; cải tiến thiết bị chưng cất nhằm nâng cao chất lượng rượu Mẫu Sơn; nhân giống hoa, cây ăn quả, cây lâu năm, nấm ăn, nấm dược liệu bằng công nghệ sinh học… Cùng đó, giúp nông dân canh tác thành công một số loại cây mới như: bưởi, thanh long, táo, xoài… góp phần đa dạng hóa mặt hàng nông sản, khắc phục tình trạng được mùa mất giá.
Ông Lương Doãn Nho, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình cho biết: Chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà các loại cây trồng (củ đậu, khoai tây…) của gia đình tôi đều phát triển tốt, năng suất, chất lượng cao. Nhờ đó, thu nhập của gia đình ngày càng tăng lên, các con đều vào đại học và có việc làm ổn định.
Cùng đó, Sở KHCN đưa các cây có giá trị kinh tế cao như: ba kích, sa nhân… trồng xen dưới tán rừng, hướng tới nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích sản xuất.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, năng suất lúa, ngô tăng 15%, giảm 30% chi phí phân bón, giảm 20% công lao động. Đến nay, 100% diện tích trồng ngô trên địa bàn tỉnh được thay thế bằng các giống ngô lai năng suất, chất lượng cao; 50% diện tích gieo cấy lúa của tỉnh được thay thế bằng các giống lúa lai, lúa thuần năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt. Nhờ chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh từ 34 triệu đồng/người/năm (năm 2016) lên 35 triệu đồng/người/năm (năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 giảm xuống còn 19,07%, đạt mục tiêu đề ra.
Ý kiến ()