Một nhóm nghiên cứu thuộc trường ĐH New South Wales, Australia vừa cho biết họ đã chế tạo thành công một loại dây dẫn điện mảnh hơn sợi tóc người khoảng 10.000 lần nhưng vẫn có khả năng dẫn điện tương đương với những sợi dây điện bằng đồng thông thường.Nghiên cứu này mở ra triển vọng chế tạo được những chiếc máy tính mạnh mẽ hơn nhưng có kích thước nhỏ hơn.Được công bố trên tờ tạp chí khoa học nổi tiếng Science, công trình này đã lần đầu tiên chứng minh được rằng những sợi dây dẫn có kích thước cao 1 nguyên tử và rộng 4 nguyên tử có khả năng dẫn điện tương đương với những sợi dây dẫn thông thường.Và thành công này trong tương lai sẽ giúp ngành công nghiệp chế tạo được những thiết bị điện tử siêu nhỏ, cũng như mở ra những hướng đi mới cho ngành tin học lượng tử, với những chiếc máy tính mạnh mẽ có khả năng xử lý một lượng dữ liệu lớn hơn nhiều so với những máy tính kỹ thuật số sử dụng các mã nhị phân hiện nay.Nhà nghiên cứu Michelle Simmon, một...
Một nhóm nghiên cứu thuộc trường ĐH New South Wales, Australia vừa cho biết họ đã chế tạo thành công một loại dây dẫn điện mảnh hơn sợi tóc người khoảng 10.000 lần nhưng vẫn có khả năng dẫn điện tương đương với những sợi dây điện bằng đồng thông thường.
Nghiên cứu này mở ra triển vọng chế tạo được những chiếc máy tính mạnh mẽ hơn nhưng có kích thước nhỏ hơn.
Được công bố trên tờ tạp chí khoa học nổi tiếng Science, công trình này đã lần đầu tiên chứng minh được rằng những sợi dây dẫn có kích thước cao 1 nguyên tử và rộng 4 nguyên tử có khả năng dẫn điện tương đương với những sợi dây dẫn thông thường.
Và thành công này trong tương lai sẽ giúp ngành công nghiệp chế tạo được những thiết bị điện tử siêu nhỏ, cũng như mở ra những hướng đi mới cho ngành tin học lượng tử, với những chiếc máy tính mạnh mẽ có khả năng xử lý một lượng dữ liệu lớn hơn nhiều so với những máy tính kỹ thuật số sử dụng các mã nhị phân hiện nay.
Nhà nghiên cứu Michelle Simmon, một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết: “Ngành công nghiệp máy tính từ lâu nay vẫn luôn tìm cách thúc đẩy việc thu nhỏ các thành phần chip máy tính để tạo ra những chiếc máy tính nhỏ hơn và mạnh mẽ hơn. Chúng ta đã chuẩn bị chế tạo được các bóng bán dẫn có kích thước tính bằng nguyên tử. Nhưng để chế tạo được các máy tính lượng tử, chúng tôi nhận ra rằng những dây dẫn kết nối cũng như các mạch điện cũng cần phải thu nhỏ xuống tới mức nguyên tử”.
Các nhà khoa học đã chế tạo các dây dẫn kích thước nguyên tử này bằng một kỹ thuật có tên là kính hiển vi quét chui hầm (STM). Nhờ đó, họ đã tìm cách đặt một chuỗi nguyên tử phospho bên trong một tinh thể silicon. Nhà nghiên cứu Bent Weber, người phục trách nhóm nghiên cứu nói: “Kỹ thuật này không chỉ cho phép chúng tôi thấy được hình ảnh của từng nguyên tử mà còn cho phép chúng tôi điều khiển và đưa những nguyên tử này vào vị trí cần thiết”.
Những dây dẫn siêu mảnh mà các nhà khoa học sử dụng phương pháp này chế tạo có độ dày từ 1,5 tới 11 nano mét. Mặc dù kích thước các mạch điện nhỏ đi, nhưng các nhà khoa học thấy rằng việc đưa một điện tích chạy qua nó không hề khó khăn, điều mà trước đây được xem như một rào cản lớn đối với ngành tin học lượng tử.
Công trình này đã được nhà khoa học David Ferry thuộc trường ĐH Arizona (Mỹ) đánh giá là “một tin tức tốt lành cho ngành công nghiệp bán dẫn”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()