Khoa học kỹ thuật - chìa khóa mở thành công
Mô hình nuôi lợn rừng của chị Nguyễn Thị Cảnh, khối 6, phường Tam Thanh |
TP. Lạng Sơn hiện có 3.278 hộ nông dân. Nhiều hộ khai thác được lợi thế địa bàn đẩy mạnh phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, không ít hộ đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. So với các huyện trong tỉnh, thành phố là nơi đất chật người đông, không có điều kiện về đất đai rộng lớn nên đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Biết vậy nên người dân đã chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ như chọn giống cây trồng, vật nuôi mới, có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất; đồng thời áp dụng kỹ thuật mới vào quá trình canh tác, chăn nuôi và thực tế đã mang lại hiệu quả rất tích cực.
Nhìn hệ thống nhà lưới trồng hoa của hộ ông Hà Quang Trưởng, khối 7, phường Tam Thanh, ai cũng dễ nhận thấy sự đầu tư công sức, tiền của đến mức nào. Năm 2004, ông Trưởng bắt đầu trồng hoa, thời gian đầu chưa có nhiều kinh nghiệm lại thiếu kỹ thuật nên những cây hoa sinh trưởng không đều, bông hoa không to, đẹp nên chưa chinh phục được khách hàng. Thấy vậy, ông lại bỏ công tìm tòi, học hỏi kỹ thuật qua sách báo, đặc biệt đã chủ động tìm đến các mô hình để học tập, rút kinh nghiệm cho bản thân. Và rồi kết quả tốt đẹp đã đến với gia đình ông. Thời gian đầu chỉ từ 1, 2 sào hoa sau ông tăng dần diện tích, lúc cao điểm nhất lên đến 18 sào, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Năm 2013, gia đình ông thu nhập 150 triệu đồng, trừ chi phí lãi từ 70 đến 80 triệu đồng. Từ trồng hoa, gia đình ông đã xây được nhà mới, mua sắm được những vật dụng đắt tiền như ti vi màn hình lớn, xe máy tay ga và có điều kiện cho con cái học hành đến nơi đến chốn.
Rời mô hình trồng hoa của ông Trưởng, chúng tôi thực tế mô hình chăn nuôi lợn rừng của chị Nguyễn Thị Cảnh, khối 6, phường Tam Thanh. Với tổng diện tích đất chưa đầy 2 sào nhưng vợ chồng chị đã bố trí nhà ở, khu bếp và khu chăn nuôi rất hợp lý. Khi được hỏi về kỹ thuật nuôi lợn rừng, chị không ngần ngại mở lời ngay: Nuôi lợn rừng dễ lắm, nếu nuôi 40 con, một năm chỉ cần 1 tấn cám gạo lúa mạch, 1 tấn ngô cùng với lượng rau tận dụng là đủ. Giống lợn này càng cho ăn thức ăn sống chúng càng có sức đề kháng cao; chuồng trại càng bố trí được những chỗ có hang hốc thì càng tốt bởi chúng thích ở những nơi như thế. Hằng ngày cho ăn cũng rất đơn giản, 2 lần/ngày bằng cám và ngô; còn rau xanh, cây lá có lúc nào cho ăn lúc ấy. Rau xanh thì trừ những cây lá đắng, còn lại loại rau nào chúng cũng ăn. Cứ vậy thôi mà thu cả trăm triệu đồng/năm đấy. Chị nói như vậy nhưng chúng tôi hiểu, ngoài chuồng trại và chế độ ăn uống đảm bảo thì cũng còn phải có kỹ thuật phòng bệnh hợp lý nữa.
Cũng là mô hình nuôi lợn nhưng chị Triệu Thị Toan, khối 3, phường Vĩnh Trại lại chọn nuôi lợn ta. Theo chị, làm gì cũng cần có KHKT, bởi chính chị thời gian đầu nuôi lợn chưa có kỹ thuật nên lợn cứ mua về là bị chết, đến mức chị nản đã bỏ chuồng không một thời gian. Sau đó nhờ học hỏi kinh nghiệm từ người thân và tham khảo kỹ thuật qua sách báo, chị đã đầu tư nuôi lợn trở lại, thời kỳ cao điểm chị nuôi đến trên 100 con/lứa, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Trong chăn nuôi, mỗi thời kỳ lợn phát triển đều phải có kỹ thuật riêng, như lợn con, lợn nái chế độ chăm sóc ngặt nghèo hơn lợn thịt rất nhiều từ khâu tiêm phòng, chế độ dinh dưỡng đến vệ sinh chuồng trại… đều phải tuân thủ nghiêm.
Trên đây là 3 trong tổng số 385 mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên tại địa bàn TP. Lạng Sơn. Cá biệt có mô hình cho thu nhập đến 500 triệu đồng. Các mô hình về trồng trọt thường gồm trồng dưa hấu, dưa vàng, trồng nho, trồng dẻ, ươm giống cây trồng lâm nghiệp, trồng lúa, trồng măng bát độ. Còn các mô hình chăn nuôi chủ yếu là lợn, gà, dê, nhím và gần đây bà con thử nghiệm nuôi gà Đông Cảo. Các mô hình kinh tế góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân, khắc phục được tình trạng thiếu đất canh tác tại địa bàn.
Nói về tình hình nắm bắt, ứng dụng KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi phát triển các mô hình tại đại bàn TP. Lạng Sơn, bà Nông Hải Vân, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Lạng Sơn cho biết: Người nông dân trên địa bàn rất năng động, họ thấy rõ thế yếu của mình là không có diện tích đất lớn nên đã chủ động nắm bắt và ứng dụng KHKT vào thực tiễn sản xuất để mang lại hiệu quả cao nhất. Những năm 90 của thế kỷ trước, người nông dân nơi đây mới chú ý đưa giống ngô, lúa mới có năng suất, chất lượng vào trồng. Tuy năng suất có cải thiện nhưng hiệu quả chưa thực sự cao. Từ năm 2000 trở về đây, họ đã chú tâm ứng dụng KHKT vào chăn nuôi như lợn hướng nạc; gà, vịt siêu trứng… Và khoảng 5 năm trở lại đây, người nông dân hướng theo dòng sản phẩm an toàn như trồng các loại rau an toàn… Tiêu biểu là các hợp tác xã Nà Chuông, Rọ Phải thuộc xã Mai Pha và hiện mô hình này đã nhân rộng ra các xã Quảng Lạc, Hoàng Đồng… Trên 300 mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi thành công tại TP. Lạng Sơn đều là của những người nông dân thực thụ, nhờ KHKT mà họ đứng vững và phát triển trở thành những hộ giàu có. Đây là một hướng đi hiệu quả và sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới.
Ý kiến ()