Thứ 7, 23/11/2024 05:11 [(GMT +7)]
Khoa học – Công nghệ: Khẳng định vai trò động lực của phát triển
Thứ 5, 28/01/2010 | 15:07:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Tiếp nối kết quả đạt được của những năm trước, năm 2009 được đánh dấu là một năm có nhiều đóng góp của khoa học – công nghệ (KHCN) trong thành quả phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Hoạt động nghiên cứu – triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ đã hướng vào phục vụ sản xuất và đời sống. Các đề tài, dự án được triển khai có hiệu quả, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp; đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Qua đó, hoạt động KHCN tiếp tục khẳng định vai trò là động lực cho sự phát triển.
Năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai 83 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, trong đó có 39 đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất tại các huyện trong tỉnh. Vai trò tác động của KHCN được thể hiện rõ nét nhất trên lĩnh vực nông nghiệp. Các tiến bộ về giống cây trồng, vật nuôi, biện pháp thâm canh tiếp tục được triển khai nhằm tăng sản lượng, hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa, giải quyết vấn đề an toàn lương thực trong điều kiện đất canh tác giảm. Điển hình là các hoạt động triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện các đề tài, dự án như : nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào; chuyển giao kỹ thuật trồng các giống dưa vàng Trung Quốc; xây dựng mô hình cung cấp thông tin KHCN cho tuyến xã… Trong chăn nuôi, thuỷ sản, các ngành chức năng tiếp tục triển khai các tiến bộ kỹ thuật để chọn lọc, lai tạo giống gia súc, gia cầm, thủy sản có hiệu quả kinh tế vượt trội cung cấp cho sản xuất. Chăn nuôi nhỏ lẻ được thay thế dần bằng hình thức chăn nuôi tập trung, xử lý ô nhiễm do chăn nuôi bằng hầm biogas. Nhờ áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi (giống, thức ăn, chăm sóc…) đã rút ngắn được chu kỳ nuôi, nâng cao năng suất, sản lượng, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Trong lĩnh vực công nghiệp, hoạt động KHCN tập trung vào các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, đổi mới công nghệ, nhất là việc hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng mã số, mã vạch, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Với lĩnh vực này, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho Ban chỉ đạo của tỉnh hướng dẫn 14 đơn vị hành chính nhà nước áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 : 2000; thẩm định nội dung và kinh phí dự án cho 13 đơn vị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 : 2008.
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội, ngành chức năng đã đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thực thi các chủ trương, chính sách nhằm ổn định đời sống người nông dân sau khi thu hồi đất để xây dựng khu đô thị; ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001- 2000 phục vụ việc cải cách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Hoạt động KHCN còn được triển khai trong lĩnh vực y tế, môi trường, góp phần giải quyết những vấn đề nổi cộm trong công tác bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo đảm mục tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh đã đề ra.
Với những kết quả thiết thực đã đạt được, vai trò của hoạt động KHCN ngày càng được các cấp, ngành chức năng của tỉnh ghi nhận và đánh giá cao. Trong năm 2010, tỉnh đã tăng chi 10,02% cho sự nghiệp khoa học công nghệ so với dự toán giao năm 2009. Tuy vậy, để KHCN thực sự trở thành động lực thúc đẩy và đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của tỉnh và các cấp, ngành cả về cơ chế, chính sách cũng như nguồn lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác này.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()