Khoa học công nghệ hướng tới “tam nông”
LSO-Những năm gần đây, việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) về “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Xứ Lạng.
Nông dân thành phố Lạng Sơn tham quan mô hình trồng các loại dưa thơm trong nhà lưới tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh |
Chính sách về “tam nông” được Đảng, Nhà nước và tỉnh Lạng Sơn chú trọng, đẩy mạnh thực hiện, nhất là từ khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay. Song song với nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN đồng bộ ở các lĩnh vực, thì trong tỉnh có khá nhiều đề tài, dự án, mô hình liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Năm 2015, 2016, cả tỉnh triển khai thực hiện 71 đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN thì có 46,4% với 33 đề tài, dự án liên quan đến lĩnh vực này.
Ông Lê Minh Thanh, Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn khẳng định: Nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn khá toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm gắn với thế mạnh và thực tế tại địa phương. Đa phần các đề tài, dự án tập trung nghiên cứu những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết như: nghiên cứu các loại giống cây trồng, vật nuôi có đặc tính thích nghi với điều kiện sản xuất; chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng và giá trị kinh tế cao nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, Lạng Sơn đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu KH&CN hướng về nông nghiệp, nông thôn. Từ năm 2010, nhà xưởng, trang thiết bị của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh được đầu tư đưa vào sử dụng trên diện tích 18.000 ha gồm nhà điều hành, hệ thống phòng thí nghiệm, hệ thống nhà xưởng, kho lạnh, nhà sản xuất công nghệ cao, khu vườn thực nghiệm và các loại máy móc thiết bị cần thiết. Từ đây, nhiều loại cây, con được nghiên cứu trong nuôi, trồng với nhiều phương pháp tiên tiến, hiện đại như sản xuất một số loại cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô, khôi phục và phát triển một số loại cây trồng đặc sản của địa phương, ứng dụng công nghệ sản xuất cây trồng trong nhà lưới, nhà kính…
Nhằm khuyến khích, hỗ trợ nông dân, UBND tỉnh ban hành các chính sách, cơ chế cụ thể gồm: Quyết định 25 ngày 11/1/2012 và Quyết định 41 ngày 9/9/2016 quy định chính sách, khuyến khích, hỗ trợ áp dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống. Từ đây, nhiều mô hình ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật mới phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng và trình độ canh tác của nông dân được triển khai. Từ năm 2015 đến nay, hơn 100 mô hình trồng trọt, chăn nuôi áp dụng kết quả nghiên cứu đề tài KH&CN được hơn 1.000 lượt nông dân áp dụng. Điển hình trong số đó như mô hình trồng các giống đỗ tương, xoài giống mới, thanh long ruột đỏ; trồng chuối tiêu hồng, khoai môn được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào; sử dụng vật liệu polyme siêu thấm AMS-1 trong trồng ngô. Ngoài ra còn có các nghiên cứu, ứng dụng KH&CN liên quan như kỹ thuật trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, diệt trừ sâu róm hại thông… Trong chăn nuôi, thủy sản, ngành chức năng đã định hướng ứng dụng và đưa những giống mới vào sản xuất như nuôi thử nghiệm cá trắm đen, gà lai thương phẩm, lợn nái Móng Cái, chăn nuôi bò thịt…
Thời gian qua, ngành KH&CN tỉnh tăng cường phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong phổ biến các phương pháp nuôi và canh tác mới đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn vào sản xuất. Qua đó, nhận thức về phát triển nông nghiệp của nông dân có chuyển biến tích cực. Anh Nông Văn Quảng, thôn Nà Bang, xã Quốc Khánh (Tràng Định) cho biết: Gia đình tôi trồng 1 mẫu khoai môn nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Cây sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất trên 3 tạ/sào. Qua đây, tôi biết cách trồng, chăm sóc khoai môn đúng quy trình kỹ thuật. Thời gian tới, tôi sẽ nhân rộng diện tích để tăng thu nhập, góp phần phục tráng loại cây khoai môn bản địa của huyện.
HÀ MY
Ý kiến ()