Khoa học công nghệ: Góp phần chủ động nguồn thức ăn chất lượng cho đàn bò
LSO-Trong điều kiện hiện nay, các bãi chăn thả dần bị thu hẹp do diện tích rừng tăng, việc phát triển đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh bắt buộc phải theo hướng đi mới, đó là chăn nuôi tập trung.
LSO-Trong điều kiện hiện nay, các bãi chăn thả dần bị thu hẹp do diện tích rừng tăng, việc phát triển đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh bắt buộc phải theo hướng đi mới, đó là chăn nuôi tập trung. Tuy vậy, việc chăn nuôi tập trung lại rất cần có nguồn thức ăn dồi dào. Để giải quyết thực trạng đó, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Lạng Sơn đã nghiên cứu, chuyển giao và hướng dẫn bà con nông dân cách trồng cỏ voi – nguồn thức ăn tốt nhất cho đàn bò.
Nhờ có nguồn thức ăn dồi dào, chất lượng đàn bò ở huyện Văn Quan ngày một cải thiện |
Theo anh Hoàng Vũ Hải, cán bộ Trung tâm Úng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Lạng Sơn, cỏ voi rất phù hợp với đặc điểm khí hậu và chất đất của Lạng Sơn. Đây là loại cây thân đứng, thuộc loài hòa thảo, rễ chùm, mọc cao như mía đến 1,2 – 1,8m, cắt 6 – 9 lứa trong năm, năng suất 200 – 250 tấn/ha/năm. Cỏ voi có thành phần dinh dưỡng cao hơn nhiều loại cỏ hòa thảo khác, trung bình 7 sào đất trồng cỏ, đủ để phục vụ thức ăn cho khoảng 10 con bò trưởng thành. Cỏ voi có năng suất chất xanh rất cao tùy theo trình độ thâm canh, năng suất trên một ha có thể biến động từ 100 tấn đến 400 tấn/ha một năm, cá biệt có thể lên tới 800 tấn/ha 1 năm. Thời gian trồng thích hợp là từ tháng 2 cho tới tháng 5. Thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 11. Nếu mùa khô chủ động nước tưới có thể thu hoạch quanh năm. Chu kỳ kinh tế của cỏ voi là 3-4 năm (tức là trồng 1 lần có thể thu hoạch được 3-4 năm (tức là trồng 1 lần có thể thu hoạch được 3-4 năm) nếu chăm sóc tốt, có lượng phân chuồng ủ vi sinh có thể cho năng suất cao trong 10 năm liền. Không chỉ nghiên cứu và hướng dẫn bà con trồng cỏ voi, thời gian qua Trung tâm còn giúp bà con trồng cỏ Ghi nê ĐT58. Đây cũng là một loại cỏ cho chất lượng dinh dưỡng cao rất tốt cho đàn bò. Cỏ Ghinê là loại cỏ hòa thảo, lâu năm, thân cao tới 2-3m, không có thân bò, chỉ sinh nhanh và mọc thành bụi như bụi sả. Bẹ lá mọc quanh gốc, có mầu tím cả bẹ và lá đều có lông nhỏ và trắng. Cỏ Ghinê có hai loại: loại lá lớn và loại lá nhỏ. Loại lá lớn cho năng suất cao nên trồng để cho gia súc nhai lại ăn tươi hoặc ủ chua dự trữ với cỏ voi. Nhìn chung, cỏ Ghinê có nhiều đặc tính quý, sinh trưởng nhanh mạnh, năng suất cao, với loại có lá lớn vả trồng thâm canh có thể cho năng suất tương đương với mỗi năm thu 8-10 lứa và trên 1ha có thể đạt 100-200 tấn/năm hoặc hơn. Do cỏ Ghinê có khả năng chịu được hạn và bóng râm nên có thể trồng xen với cây lâm nghiệp hoặc cây ăn quả, trồng ven bờ đê, ven đường, xung quanh ao cá, vừa phủ đất chống xói mòn và giữ ẩm vừa tận thu chất xanh cho chăn nuôi trâu bò rất tốt.
Ví dụ về hiệu quả từ dự án “Cải tạo chất lượng thức ăn cho đàn bò” của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đó chính là sự đổi thay chất lượng đàn bò tại xã Tân Đoàn – một trong những xã khó khăn nhất nhì của huyện Văn Quan. Được sự hướng dẫn, giúp đỡ của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, bà con ở đây đã biết cách tận dụng từng mảnh đất xen lẫn trên đồi núi để trồng cỏ voi. Toàn xã đã có hàng chục sào cỏ phục vụ thức ăn cho gần 200 con bò. Anh Vi Văn Cường, cán bộ thú y xã Tân Đoàn cho biết: khi có chương trình, hộ dân nào cũng muốn tham gia nhưng trước mắt những gia đình có 10 con bò trở lên được ưu tiên.
Gia đình ông Vi Văn Bộ ở thôn Khòn Pá là một trong những hộ được ưu tiên thụ hưởng dự án “Cải tạo chất lượng thức ăn cho đàn bò”. Hiện gia đình ông Bộ đang trồng 4 sào cỏ voi và chuẩn bị trồng thêm 5 sào. Ông Bộ khẳng định: cỏ voi rất phù hợp với khí hậu nơi đây, sinh trưởng nhanh, thân cỏ mềm và cao, cho vị ngọt nhẹ, thậm chí gốc cỏ còn ngọt như mía, bò ăn rất chóng lớn và có sức chịu đựng tốt. Mùa đông năm 2012, nhờ có số cỏ voi nên gia đình ông không có con bò nào bị chết rét.
Với giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao mà cỏ voi mang lại, từ tháng 1/2012 đến nay, mô hình “Cải tạo chất lượng thức ăn cho đàn bò” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh Lạng Sơn thực hiện đã làm lợi cho hàng trăm hộ nông dân. Mô hình giúp cung cấp thức ăn chất lượng cho gần 500 con bò của 132 hộ tại 3 huyện Bình Gia, Chi Lăng và Văn Quan bằng cỏ voi, cỏ Ghinê ĐT58. Kết quả, chỉ trong một thời gian ngắn, trọng lượng của đàn bò thịt tại các địa phương trên đã tăng lên đáng kể, trung bình tăng từ 0,7 – 0,8kg/con/ngày đối với bò lai. Nhờ đó hiệu quả kinh tế được nâng lên một cách rõ rệt. Với mô hình trồng cỏ thâm canh như hiện nay sẽ giúp vỗ béo cho đàn bò mà không cần phải chăn thả.
Ông Chu Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cho rằng, không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu và chuyển giao cách trồng cỏ cho bà con, thời gian tới, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sẽ tiếp tục nghiên cứu quy trình công nghệ lên men từ bã của một số cây như mía để làm thức ăn cho đàn bò.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()