Khô vịt lá mác mật: Ý tưởng khởi nghiệp độc đáo
–Với mong muốn giới thiệu, quảng bá ẩm thực đặc trưng của quê hương, các em sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, thành phố Lạng Sơn đã nghiên cứu và chế biến thành công sản phẩm khô vịt lá mác mật. Tuy mới có mặt trên thị trường nhưng sản phẩm đã được nhiều khách hàng ưa chuộng, từ đó góp phần tạo nên sự phong phú của ẩm thực Xứ Lạng.
Các em sinh viên thực hiện công đoạn xé thịt
Hiện nay, các sản phẩm chế biến sẵn, ăn liền như: heo khô, gà khô, bò khô, trâu khô… đã trở nên khá phổ biến trên thị trường. Với mong muốn tạo ra một sản phẩm đặc trưng, riêng có của tỉnh Lạng Sơn, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhóm sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn gồm các em: Hà Thị Bích Vân, Phùng Thị Hằng, Vũ Hoàng Long, Lương Thị Vân, Dương Thị Hiền đã có ý tưởng tạo ra một món ăn mới lạ, mang đậm hương sắc Xứ Lạng.
Em Hà Thị Bích Vân, trưởng nhóm dự án chia sẻ: Lạng Sơn vốn nổi tiếng với sản phẩm vịt quay từ giống vịt bầu Thất Khê, huyện Tràng Định, tuy nhiên khi vận chuyển vịt quay đi xa lại không giữ được hương vị thơm ngon. Do đó, từ tháng 10/2023, nhóm chúng em đã nghiên cứu tạo ra một sản phẩm đồ khô, với thời gian bảo quản lâu dài để giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Để có món khô vịt thơm ngon, chất lượng, chúng em ưu tiên lựa chọn nguyên liệu tươi, an toàn. Tranh thủ thời gian ngoài giờ trên lớp, chúng em đã tiến hành sản xuất, một phần để trả đơn khách đặt trước, một phần làm sẵn để bán cho khách có nhu cầu. Với tỉ lệ gia vị nhất định, đóng gói kỹ càng, thịt vịt vừa giữ được độ ngon, ngọt hòa quyện cùng lá mắc mật.
Theo đó, nguyên liệu chính để tạo nên sản phẩm khô vịt lá mác mật là thịt vịt tươi, lá mác mật và các gia vị khác. Thịt vịt được chọn để làm phải là phần ức và đùi nhiều thịt, sau khi sơ chế được tách da, rửa với rượu trắng và gừng để khử mùi tanh, sau đó cho lên bếp luộc khoảng 30 phút để thịt vịt chín. Tiếp đến, tách thành từng miếng nhỏ và tẩm ướp với gia vị trong khoảng 30 phút, gia vị để tẩm ướp gồm: lá mác mật, tỏi, ớt, hạt tiêu, đường, dầu điều… Thịt sau khi tẩm ướp ngấm gia vị được xếp vào nồi chiên không dầu để nướng chín.
Hiện sản phẩm khô vịt lá mác mật được đóng túi theo nhiều trọng lượng khác nhau như: 50g, 100g với giá bán 35 nghìn đồng và 65 nghìn đồng/túi. Mỗi sản phẩm đều được gắn tem nhãn để người tiêu dùng dễ nhận biết và phân biệt với các loại thịt đóng gói sẵn khác trên thị trường; ngoài ra, sản phẩm có ưu điểm là đồ khô nên thời gian bảo quản lâu (khoảng 6 tháng), dễ dàng vận chuyển đi xa .Hiện nay, nhóm chủ yếu quảng bá sản phẩm và kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Shopee, TikTok…
Ngoài ra, để tăng độ tin cậy cho khách hàng, tháng 1/2024, nhóm đã chủ động lấy mẫu sản phẩm gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để kiểm tra chỉ tiêu về sinh hóa và đã được chứng nhận đảm bảo an toàn. Nhờ đó, từ khi triển khai dự án đến nay, nhóm khởi nghiệp đã bán ra thị trường trên 400 gói khô vịt mác mật, đem lại doanh thu gần 20 triệu đồng. Tuy mới có mặt trên thị trường nhưng sản phẩm khô vịt lá mác mật đã được người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ưa chuộng, hiện sản phẩm đã được bán tại một số cửa hàng tạp hóa trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và thành phố Hà Nội.
Sản phẩm khô vịt lá mác mật thành phẩm
Chị Nông Thùy Linh, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi đã được ăn thử sản phẩm khô vịt lá mác mật do các em sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn nghiên cứu và chế biến. Tôi thấy sản phẩm rất độc đáo, hương vị mới lạ, thơm ngon, miếng thịt vỏ ngoài khô, bên trong mềm, thịt ăn có vị ngọt và mùi thơm đặc trưng của lá mác mật. Tôi đã mua về cho cả nhà ăn thử và mọi người đều thích sản phẩm này.
Chia sẻ về hướng phát triển dự án trong tương lai, cô Tô Lan Anh, giáo viên hướng dẫn nhóm dự án cho biết: Ý tưởng kinh doanh khô vịt lá mác mật của các em rất phù hợp và có tính thực tiễn, bởi đây là đặc sản truyền thống và có giá trị kinh tế cao. Dự án được hiện thực hóa không chỉ tạo thu nhập cho các thành viên trong nhóm mà còn giúp nông dân có hướng sản xuất mới là cung cấp nguyên liệu để chế biến sản phẩm. Thời gian tới, tôi và các em sẽ tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo thêm nhiều loại sản phẩm như: khô vịt cháy tỏi, chân vịt cay mắc mật, đồng thời tìm kiếm, mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Với quy cách đóng gói bắt mắt, trọng lượng phù hợp, sản phẩm khô vịt lá mác mật đã nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng. Đây là sản phẩm mới có mặt trên thị trường, sử dụng các nguyên liệu sẵn có trên địa bàn tỉnh, chính vì vậy, rất có tiềm năng trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh nếu được đầu tư phát triển. Tại Hội thi học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp trường năm 2023 do trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn tổ chức, dự án được Ban giám khảo đánh giá cao và xuất sắc giành giải nhì tại hội thi.
Một số công đoạn chế biến khô vịt lá mác mật
Ý kiến ()