Khổ vì điện phập phù ở Yên Bái
Suốt trong tháng 10 và các ngày đầu tháng 11-2011, hàng loạt các nhà máy sản xuất xi-măng, dược phẩm, nhựa bao bì... của tỉnh Yên Bái đều khốn khổ vì tình trạng điện yếu, rơ-le nhảy ngắt liên tục, nên chất lượng sản phẩm không bảo đảm theo quy chuẩn.Vào giờ cao điểm, chất lượng điện năng xuống rất thấp, một số khách hàng của ngành điện Yên Bái đã phải giảm hoặc tạm ngừng sản xuất, nhiều hợp đồng kinh tế bị hủy bỏ, ảnh hưởng lớn đến uy tín và tiền bạc các doanh nghiệp trong tỉnh. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?Hiện tại, Yên Bái là tỉnh có tiềm năng về thủy điện với hàng loạt các thủy điện vừa và nhỏ, trong đó Nhà máy thủy điện Thác Bà với công suất ba tổ máy phát công suất 120 MW, chỉ đủ cung cấp cho thị trấn Thác Bà và vùng phụ cận. Nguồn thủy điện nhỏ như thủy điện Mường Kim 13,5 MW, Ngòi Hút 1 công suất 8,4 MW, Nậm Đông 3 là 15,6 MW, Nậm Tục là 3 MW... nhưng các nhà máy này không có hồ chứa, hoàn...
Vào giờ cao điểm, chất lượng điện năng xuống rất thấp, một số khách hàng của ngành điện Yên Bái đã phải giảm hoặc tạm ngừng sản xuất, nhiều hợp đồng kinh tế bị hủy bỏ, ảnh hưởng lớn đến uy tín và tiền bạc các doanh nghiệp trong tỉnh. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?
Hiện tại, Yên Bái là tỉnh có tiềm năng về thủy điện với hàng loạt các thủy điện vừa và nhỏ, trong đó Nhà máy thủy điện Thác Bà với công suất ba tổ máy phát công suất 120 MW, chỉ đủ cung cấp cho thị trấn Thác Bà và vùng phụ cận. Nguồn thủy điện nhỏ như thủy điện Mường Kim 13,5 MW, Ngòi Hút 1 công suất 8,4 MW, Nậm Đông 3 là 15,6 MW, Nậm Tục là 3 MW… nhưng các nhà máy này không có hồ chứa, hoàn toàn phụ thuộc vào lưu lượng nước có được, nên chỉ phát vào giờ có lợi cho doanh nghiệp, không đủ bù điện áp trên lưới điện. Nguồn điện cấp cho trạm 110 kV Yên Bái hiện được mua từ Trung Quốc, qua đường dây truyền tải dài gần 200 km, qua Thanh Thủy (Hà Giang) đến Khánh Hòa (Yên Bái), đều dùng loại dây truyền tải tiết kiệm loại nhỏ (dây AC 150) khi truyền tải công suất lớn hơn 60 MVA vào lúc cao điểm gây tổn thất điện áp rất cao, một phần làm ảnh hưởng tới chất lượng điện năng. Mặt khác, do hợp đồng với Trung Quốc bị khống chế tổng công suất Pmax < 110 MW, bao gồm ba tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Yên Bái nên vào giờ cao điểm Pmax > 110 MW thường xuyên phải điều hòa, khống chế công suất dẫn đến điện áp cuối đường dây bị tụt xuống thấp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.
Theo Giám đốc Công ty Điện lực Yên Bái Đặng Văn Thanh, sản lượng điện tiêu thụ hằng ngày bình quân của tỉnh Yên Bái hơn một triệu kW/giờ; tổng sản lượng điện năng thương phẩm đạt gần 316 triệu kW/giờ. Nhưng do thời gian gần đây, điện áp tại trạm biến áp 110 kW Yên Bái rất thấp, nhất là vào thời gian cao điểm trưa và tối, điện áp phía 35 kV tại trạm biến áp 110 kW này chỉ dao động ở mức 30 đến 33 kV. Điện áp thấp là nguyên nhân nhảy rơ-le tự ngắt của các thiết bị tự động hóa trong sản xuất công nghiệp. Trong báo cáo của chi nhánh Lưới điện cao thế Yên Bái cũng nêu ra nguyên nhân không thể khắc phục được tình trạng thiếu điện, đó là trạm biến áp 110 kV Yên Bái đưa vào vận hành từ năm 1987, có công suất lắp đặt ban đầu một biến áp là 20 MVA, qua hai lần cải tạo đã nâng công suất hai máy biến áp lên 65 MVA, nhưng hiện đã đầy tải. Một số tuyến đường dây truyền dẫn không còn phù hợp khi thay đổi phương thức truyền tải điện, dẫn đến nguồn quá tải cục bộ, cần thay thế sửa chữa thì mới bảo đảm được chất lượng nguồn điện.
Công ty TNHH Yên Phú, đóng tại tổ 14 thị trấn Yên Bình, chuyên sản xuất bao bì các loại, ống nhựa PPR và nguyên liệu phụ gia phục vụ ngành nhựa cũng “kêu trời” vì mức điện áp phập phù, rơ-le tự ngắt hoạt động khiến sản phẩm khi tráng phủ bị hỏng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm. Giám đốc công ty Nguyễn Duy Vượng cho biết: Chúng tôi đã lắp đặt một trạm biến áp riêng thuộc khu công nghiệp phía nam của tỉnh nhằm chủ động điện trong sản xuất, nhưng cứ tình trạng điện phập phù thế này thì sản xuất chỉ đủ lương cho công nhân chứ tiền nộp thuế là khó khăn. Đại diện nhà cung cấp thủy điện nhỏ là ông Bùi Văn Dân, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình cho hay: Đầu tháng 11 này chúng tôi đã ký được hợp đồng bán điện theo ba giá, vừa tiết kiệm được tài nguyên nước, vừa giúp doanh nghiệp có lợi hơn trong thu hồi vốn đầu tư, một phần giúp cải thiện điện áp lưới ở tỉnh Yên Bái.
Hiện tại để khắc phục tình trạng điện yếu nêu trên, Công ty Điện lực Yên Bái đang trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch cắt giảm điện theo các mức 30%, 50%, 70% và danh sách khách hàng ưu tiên cấp điện năm 2011. Công ty tiếp tục điều hòa công suất và sản lượng theo khả năng cấp nguồn thực tế; điều chỉnh nấc phân áp tại các trạm biến áp; huy động tối đa công suất phát hữu công và vô công các thủy điện nhỏ… nhưng các giải pháp này chỉ mang tính tạm thời, cục bộ, không cải thiện chất lượng điện ở Yên Bái. Muốn cải thiện tình hình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng Tổng công ty Điện lực miền bắc cần nâng tiết diện dây dẫn các đường dây 110 kV cấp nguồn; nâng công suất các trạm biến áp 110 kV Yên Bái; điều chỉnh kết dây các đường dây 110 kV Hà Giang – Bắc Quang nhằm khai thác tối ưu khả năng truyền tải của mạch kép. Đồng thời, EVN sớm thay đổi phương thức cấp điện cho trạm 110 kV Yên Bái, bởi dùng nguồn từ nước ngoài bị khống chế tổng công suất nghiêm ngặt, gây khó khăn trong việc điều chỉnh nội bộ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()