Khó tuyển sinh đào tạo nghề: Vẫn loay hoay tìm cách gỡ
LSO- Cơ sở vật chất khang trang, thiết bị dạy học đồng bộ, đội ngũ giáo viên đủ và đạt chuẩn... thế nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, Trường Trung cấp nghề Việt Đức không tuyển được học sinh. Nhiều cách làm đã được nhà trường áp dụng để giải quyết vấn đề này, nhưng thực trạng thừa thầy - thiếu trò vẫn chưa được giải quyết...
Trường Trung cấp nghề Việt Đức là cơ sở đào tạo nghề chính quy duy nhất của tỉnh với 3 khoa: cơ khí, điện tử, nông lâm và 3 tổ: may, dịch vụ du lịch; tin học; văn hóa. Được tiếp nhận nhiều nguồn vốn đầu tư nên trường được xây dựng khang trang, thiết bị đồng bộ, hiện đại và đội ngũ giáo viên có trình độ tay nghề cao. Từ năm 2009 đến nay, trường được giao chỉ tiêu đào tạo trung cấp nghề bình quân là 800 học sinh, trong đó có 150 học sinh dân tộc nội trú học nghề. Tuy nhiên, thực tế, tổng số học sinh theo học nghề mỗi năm tại trường chỉ khoảng hơn 100 em, chủ yếu ở nghề may, công nghệ ô tô và điện. Thậm chí khoa Nông Lâm không có học sinh học tại trường. Theo anh Đào Mạnh Hằng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Trung cấp nghề Việt Đức, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó, phải kể đến tâm lý của nhiều học sinh và gia đình muốn con em phải thi bằng được trường đại học hoặc cao đẳng. Trong khi, hiện nay nhiều trường đại học tuyển sinh có sự thay đổi theo hướng mở rộng, lấy tối đa số thí sinh dự tuyển. Ngoài ra, với địa bàn miền núi như Lạng Sơn, nhiều học sinh đang theo học thì bỏ dở để làm công nhân bậc thấp tại các khu công nghiệp hoặc đi làm thuê có thời vụ. Thông tin tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp về dạy nghề còn yếu, chưa làm cho học sinh, thanh niên hiểu đúng và lựa chọn nghề phù hợp với khả năng và điều kiện của bản thân. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có rất ít khu công nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, vị trí việc làm cho người lao động còn hạn chế. Tâm lý thanh niên miền núi, thích lao động tự do, gần nhà, không quen tác phong công nghiệp… phần nào ảnh hưởng tới việc lựa chọn học nghề của thanh niên. Chị Trần Thị Đào, Phó khoa Nông Lâm cho biết: “Trước đây khoa Nông Lâm vẫn có học sinh học tại trường, nhưng 2 năm trở lại đây, mặc dù trường thường xuyên đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên được tập huấn theo đúng hướng, đúng lộ trình, có chế độ chính sách hợp lý cho học sinh, chương trình đào tạo theo cấp quốc gia, cấp ASEAN, nhưng hiện tại khoa không có học sinh nào học tại trường. Nhiều biện pháp được áp dụng, nhưng xem ra kết quả chưa đạt là bao”.
Học sinh trung cấp nghề thực hành cắt gọt kim loại trên thiết bị máy hiện đại tại Trường Trung cấp nghề Việt Đức
Để khắc phục tình trạng thiếu học sinh học nghề, hằng năm công tác tuyển sinh được nhà trường quan tâm đặc biệt để thu hút học sinh đến học nghề. Vào mùa tuyển sinh, nhà trường có kế hoạch giao chỉ tiêu rõ ràng, cụ thể cho từng hệ đào tạo. Các cơ chế khuyến khích tuyển sinh cũng được triển khai linh hoạt. Ban Giám hiệu nhà trường thực hiện liên kết trao đổi thông tin với các Trường THCS để phối hợp tư vấn học nghề cho học sinh lớp 9, ký hợp đồng liên kết tuyển sinh, tổ chức thông tin về học nghề, giới thiệu về trường và các chế độ chính sách ưu đãi khi học tại trường; thực hiện tư vấn trực tiếp nghề cho phụ huynh học sinh tại các lễ bế giảng. Ngoài ra, đến kỳ tuyển sinh, trường đều gửi thông tin về chỉ tiêu, ngành nghề đến tận thôn, xã; thực hiện sửa chữa máy móc tại các xã để vừa tuyên truyền, vừa thu hút học viên. Một hình thức đang được xem khả quan là nhà trường liên kết đào tạo nghề với Trung tâm GDTX các huyện để thuận tiện cho học sinh vừa học bổ túc văn hóa, vừa học nghề. Có thể nói, chưa bao giờ học sinh học nghề ở Lạng Sơn lại được chào đón tích cực như hiện nay. Thế nhưng, nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của nhà trường vẫn cao. Thực tế cho thấy, việc dạy nghề ở Trung tâm GDTX hay tổ chức học nghề ở cụm xã cũng chỉ để giải quyết khó khăn trước mắt là có học sinh học nghề. Còn về cơ bản, lại khó cho việc đi lại, chi phí sinh hoạt cho giáo viên dạy nghề, tiền trả cho các trung tâm, các xã; quan trọng hơn là học sinh sẽ không được trực tiếp học và thực hành trên các trang thiết bị, máy móc đầy đủ, hiện đại tại nhà trường, vừa gây lãng phí, vừa khó rèn luyện tay nghề cao nên khó thu hút học sinh theo học.
Một kỳ tuyển sinh học nghề năm 2014 sắp đến, Trường Trung cấp nghề Việt Đức đã có kế hoạch tuyển sinh cụ thể cho từng ngành học, nhu cầu tuyển mới của nhà trường khoảng 405 học sinh. Song, để nhà trường có thể đạt được chỉ tiêu, góp phần cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh nói riêng, cả nước nói chung, rất cần có một cơ chế đồng thuận giữa doanh nghiệp, các đơn vị cấp ngành như Bộ Chỉ huy Quân sự, Sở GD-ĐT, Sở LĐTB&XH, nhà trường để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyển sinh, tận dụng và phát huy lợi thế, vai trò của trường đào tạo nghề duy nhất của tỉnh. Về lâu dài, đề án nâng cấp thành trường cao đẳng nghề cần sớm được phê duyệt để tạo sức hút với các đối tượng học nghề tại trường.
Bài, ảnh: THANH HÒA

Ý kiến ()