Khó trong quản lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ
– Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cũng như đảm bảo phòng, chống dịch bệnh trên động vật và bảo vệ môi trường, khâu giết mổ gia súc, gia cầm cần được thực hiện theo đúng quy trình và quy định. Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý trong lĩnh vực này còn gặp khó khăn, nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vẫn hoạt động tự do, thiếu giám sát.
Qua tìm hiểu thực tế tại một số cơ sở giết mổ tại các chợ trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, các cơ sở đều thực hiện đăng ký kinh doanh đầy đủ. Tuy nhiên, rất nhiều chủ cơ sở chưa chú trọng việc thực hiện các quy định về ATVSTP.
Anh H.V.Q (huyện Cao Lộc) là một trong những hộ kinh doanh thịt lợn, đồng thời cũng thực hiện các khâu giết mổ thủ công tại nhà. Anh Q cho biết: Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi chỉ mổ và bán 1 con lợn, vào các ngày lễ thì khoảng 4 – 5 con. Nhưng về hoạt động giết mổ thì từ trước đến nay rất ít khi có lực lượng đến kiểm tra. Tôi mua lợn từ nhiều nơi, thông thường là các xã thuộc huyện Cao Lộc, Lộc Bình. Mỗi lần mua với số lượng nhỏ lẻ từ 1 đến 5 con nên tôi cũng không thực hiện các bước kiểm dịch và cũng không biết thực hiện ra sao.
Hoạt động giết mổ gia cầm tại một cơ sở trên địa bàn thành phố Lạng Sơn
Tương tự trường hợp trên, hiện nay, tại một số chợ trên địa bàn các huyện, thành phố, hoạt động giết mổ được thực hiện ngay tại chỗ. Không khó để bắt gặp các cơ sở giết mổ gia cầm dùng chung một chậu nước sôi để nhúng hàng chục con gà, vịt vào đó. Cùng đó, nước thải được đổ trực tiếp ra các cống, rãnh ven đường. Điều này không chỉ gây mất ATVSTP mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường xung quanh.
Không những thế, một trong những loại hình dịch vụ khác đã tồn tại từ lâu là dịch vụ giết mổ gia cầm thuê, gồm giết mổ thuê hoặc giết mổ đi kèm với chế biến (quay, nướng). Thông thường, các cơ sở này giết mổ khoảng 20 đến 40 con gia cầm mỗi ngày. Tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn gốc gia cầm, thực hiện kiểm dịch tại các cơ sở này cũng bị bỏ ngỏ bởi chủ cơ sở.
Anh Nguyễn Trung Thành (phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) cho biết: Do quá bận nên khi cần, tôi thường đưa vịt sống đến một số quầy giết mổ gia cầm thuê trên địa bàn nhờ họ chế biến. Tại đó, chỉ với chi phí 30.000 đồng, các chủ kinh doanh sẵn sàng phục vụ từ khâu giết mổ đến chế biến mà không hỏi bất kỳ thông tin gì đến nguồn gốc, quy trình kiểm dịch của gia cầm.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 540 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó, 100% cơ sở đều có quy mô nhỏ lẻ. Hầu hết các cơ sở chưa chú trọng đầu tư dây chuyền, máy móc hiện đại để thực hiện hoạt động giết mổ đảm bảo ATVSTP cũng như xử lý nước thải. Nguyên nhân chính nằm ở quy mô nhỏ và doanh thu các cơ sở không lớn nên việc bỏ vốn để nâng cấp quy trình còn khó thực hiện.
Theo đánh giá từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, việc kiểm soát các cơ sở giết mổ này còn gặp những khó khăn nhất định. Trong đó, nguyên nhân chính là do các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, các điểm kinh doanh sản phẩm động vật nằm rải rác, không tập trung. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có các cơ sở giết mổ tập trung nên rất khó khăn trong công tác kiểm soát giết mổ động vật. Vì vậy, hàng năm, chi cục đều thành lập đoàn kiểm tra độc lập để kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, hầu hết vẫn chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở.
Hiện nay, nhiều người tiêu dùng vẫn sử dụng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm không rõ xuất xứ, điều này vô hình chung đã tạo điều kiện cho các cơ sở không đảm bảo chất lượng hành nghề. Vì vậy, để góp phần tháo gỡ những bất cập trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, trong lúc chờ đợi các cơ sở giết mổ tập trung được xây dựng, người tiêu dùng cần lựa chọn các sản phẩm có đầy đủ nguồn gốc xuất xứ, quy trình rõ ràng. Đồng thời, cần thông tin đến lực lượng chức năng khi phát hiện các điểm giết mổ có dấu hiệu vi phạm. Từ đó, đảm bảo an toàn cho chính bản thân, gia đình, góp phần vào ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh động vật cũng như bảo vệ môi trường.
“Thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh phối hợp với UBND các huyện, thành phố kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung có công suất phù hợp với từng địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với các điểm giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là các điểm giết mổ không có giấy phép, vi phạm quy định về vệ sinh thú y, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và đặc biệt góp phần thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn”. Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh |
Ý kiến ()