Khó trong quản lý
LSO-Gần đây nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) của người dân tăng cao. Kéo theo đó là nhiều loại TPCN xuất hiện gây khó khăn trong quản lý và tâm lý e ngại của người sử dụng. Vì vậy, việc quản lý TPCN đang được các cơ quan chức năng và người dân đặc biệt quan tâm.
Cán bộ Chi cục Kiểm nghiệm Dược phẩm và Mỹ phẩm tỉnh kiểm nghiệm mẫu thực phẩm chức năng |
Theo ông Nguyễn Ngọc Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thì TPCN là các sản phẩm bổ sung hoặc thay thế các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, các sản phẩm này không phải là thực phẩm đơn thuần, cũng không phải là thuốc chữa bệnh. Trong khi đó, thực trạng quản lý, mua bán, sử dụng TPCN trên địa bàn nhiều khó khăn hơn là thuận lợi.
Thống kê của ngành chức năng cho thấy, toàn tỉnh không có cơ sở sản xuất TPCN, song có 3 cơ sở đại lý bán các sản phẩm TPCN; 247 cơ sở kinh doanh TPCN. Qua thực tế kiểm tra, khâu hậu kiểm, kiểm soát chất lượng TPCN là khó nhất. Một phần do thiếu thiết bị kiểm tra, một phần do TPCN thuộc chuyên ngành lĩnh vực y tế nên khi kiểm tra chỉ có thể tin tưởng vào giấy tờ lô hàng, nguồn gốc xuất xứ chứ không thể nhận biết chất lượng bằng cảm quan. Nan giải hơn nữa là việc kiểm soát TPCN “xách tay” rất khó vì giao dịch chủ yếu qua mạng và bán chuyền tay. Mặt khác, lợi nhuận từ kinh doanh mặt hàng này rất cao, trong khi mức xử phạt các vi phạm lại chưa đủ sức răn đe. Hiện nay, hành lang pháp lý về quản lý TPCN tại Việt Nam chưa rõ ràng dẫn đến nhiều bất cập. Thực tế, ở Lạng Sơn xuất hiện tình trạng kinh doanh TPCN hoạt động lén lút, không công khai. Thêm vào đó, một số hãng TPCN quảng cáo, giới thiệu sản phẩm theo hình thức lưu động trên địa bàn từ huyện đến xã nên khó kiểm tra, kiểm soát về chất lượng.
Từ đầu năm 2016 đến nay, liên quan đến TPCN, cơ quan chức năng chủ yếu là tuyên truyền lồng ghép với các nội dung về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân tại trạm y tế xã, phường, thị trấn. Trong khi đó, việc thanh, kiểm tra còn thiếu và yếu do không có kinh phí và không đủ nhân lực. Trong năm, ngành chức năng chưa tổ chức được thanh, kiểm tra chuyên đề về TPCN. Điểm nhấn của hoạt động này khá “khiêm tốn”, đó là 1 cuộc kiểm tra đột xuất của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tại Công ty TNHH Ngày Thắng Lợi ở Hữu Lũng trong tháng 10/2016. Qua kiểm tra, công ty này đã vi phạm việc thực hiện quá phạm vi giới thiệu TPCN trong hội thảo, hội nghị và bị lực lượng chức năng xử phạt 25 triệu đồng.
Bên cạnh đó, năng lực kiểm nghiệm cũng chưa nổi bật. Bà Đinh Thị Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm nghiệm Dược phẩm và Mỹ phẩm tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã kiểm nghiệm 6 mẫu lấy TPCN và 33 mẫu gửi TPCN. Trong đó, có 2 mẫu gửi TPCN không đạt của Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinaphar và Công ty Cổ phần Dược phẩm Đại Y đều có địa chỉ ở Hà Nội. Các mẫu không đạt đã được đơn vị gửi trả kết quả và yêu cầu các công ty thu hồi sản phẩm.
Từ thực tế trên, thiết nghĩ, bên cạnh việc nỗ lực khắc phục khó khăn của ngành chức năng thì sử dụng TPCN như thế nào cho an toàn phụ thuộc rất lớn vào ý thức bảo vệ sức khỏe của chính người dân. Đừng để sức khỏe của bản thân trao gửi vào những sản phẩm không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, không có nhãn hoặc có nhưng sai quy định hoặc chưa công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm.
HOÀI AN
Ý kiến ()