Khó trong đảm bảo nơi ăn nghỉ
Chia cơm cho học sinh lớp 1 |
Đã là cuối tháng 3, song đỉnh Khau Hương vẫn mờ mịt sương. Theo những làn gió, từng đợt mây nặng hơi nước cứ tràn vào các phòng học, phòng ở của trường phổ thông DTBT Bắc Ái 1. Mưa nhiều ngày không chỉ gây khó khăn cho việc bảo quản các trang thiết bị của nhà trường, mà trên từng chiếc giường tầng, chăn chiếu, sách vở của học sinh lúc nào cũng ẩm ướt, lên mốc xanh mốc đỏ. Là 1 trong những trường phổ thông DTBT đầu tiên của huyện Tràng Định, trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Bắc Ái 1 thu hút 175 học sinh 3 cấp học không chỉ của 5 thôn vùng đông nam của xã, mà còn tạo cơ hội cho các cháu 2 thôn Pò Có, Nà Căm của xã Đề Thám và 2 xã Hưng Đạo và Hoa Thám của huyện Bình Gia đến bán trú để theo học.
Là trường phổ thông DTBT có 3 cấp học, đối tượng học sinh rất đa dạng về lứa tuổi, từ cháu bé lên ba đến thiếu niên trong độ tuổi 15,16, nên rất phức tạp cho việc quản lý về ăn, ở, sinh hoạt. Để có nơi cho học sinh ở, các cô giáo phải “co cụm” lên phòng chờ, nhường phòng công vụ cho các cháu. Năm 2013, nhà trường huy động nhân công của phụ huynh hợp lực với Huyện Đoàn Tràng Định và Công ty Bảo Long xây dựng 1 nhà bán trú rộng gần 60m2, trị giá trên 100 triệu đồng, giải quyết cơ bản nơi ở bán trú cho các cháu. Tuy vậy, trong 6 phòng bán trú, có tới 3 phòng công vụ chật chội và một “phòng” trông như cái lều coi nương là nơi cho các cháu cấp học mầm non ở bán trú, có người lớn trong gia đình đi theo để trông các cháu. Nơi ở đã vậy, nơi ăn càng khó khăn hơn. Với nguồn tài chính có hạn, nhà trường chỉ mua sắm được các trang bị cơ bản cho nhà bếp như soong nồi, tô nhựa thay luôn bát cho học sinh. Nơi đun nấu, chế biến chia thức ăn quá tạm bợ và chật chội gây không ít băn khoăn cho những người có trách nhiệm về mức độ an toàn VSTP trong dự trữ, chế biến và đến người ăn. Đã gần 12 giờ trưa, cơm đã được chia vào từng chiếc xô nhựa, thức ăn đã để vào các tô, học sinh vượt qua 51 bậc thang từ lớp học xuống lấy cơm canh, lại leo 51 bậc thang ngược lên trên lớp để chia ra thành từng tô nhỏ cho từng người. Do thiếu bát đĩa nên cơm, canh, thịt, đậu cho lẫn vào với nhau và học sinh mỗi em một tô nhựa cứ thế “tùy nghi di tản”, có em ăn trên lớp, có em lại mang ra bìa rừng… Cô giáo Vũ Thị Hương, Chủ tịch Công đoàn nhà trường nói với chúng tôi: “Do không có nhà ăn, bàn ăn, học sinh buộc phải như vậy. Trong điều kiện mưa dài ngày, việc có được cơm chín, canh nóng cho các cháu đã là một cố gắng lớn của nhà trường”.
Làm việc với cô giáo Nông Thị Giang, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chúng tôi được biết, từ khi chuyển đổi loại hình, do được ăn ở tập trung, học sinh có nhiều thời gian để rèn luyện và học tập, chất lượng giáo dục của nhà trường đã được nâng lên. Nếu năm học 2010-2011, cấp THCS không có học sinh giỏi, tỷ lệ học sinh giỏi cấp tiểu học chỉ ở mức 2,1%, thì năm học 2012-2013, cấp THCS đã có 2 học sinh giỏi và tỷ lệ học sinh giỏi ở cấp tiểu học đã là 26,3%. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất của nhà trường là điều kiện ăn ở của học sinh.
Mang vấn đề của trường Bác Ái 1 trao đổi với cô Đinh Thị Uyên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện và được biết, trường Bắc Ái 1 là trường thuận lợi nhất trong toàn bộ 9 trường phổ thông DTBT của huyện. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều trường như Khánh Long, Cao Minh… thậm chí không có chỗ ở, và lớp học biến thành phòng “đa chức năng”: là phòng học, phòng ăn và phòng ở của học sinh. Tuy vậy, cô cũng thừa nhận rằng, cái cảnh mỗi cháu một tô cơm canh lẫn lộn và “tùy nghi di tản” như ở trường phổ thông DTBT Bắc Ái 1 là không nên và rất phản cảm.
Học sinh lớp 6 tự chia cơm |
Theo chúng tôi, với mặt bằng đã được lát bê tông xi măng ngay cạnh khu bếp, nhà trường hoàn toàn có thể dựng được một “hội trường” nhỏ kiêm nhà ăn với cây, công do phụ huynh đóng góp, huyện hỗ trợ 100 tấm lợp (mỗi tấm lợp từ 35-50 ngàn đồng). Bàn ghế có thể tận dụng bàn ghế học sinh cũ để sửa chữa, cải tạo, hoặc làm bằng cây vầu…Nhà trường cũng có thể mua sắm thêm đĩa nhựa để đựng thức ăn, chậu nhựa nhỏ để đựng canh; và khi ấy các cháu có chỗ ăn đàng hoàng và có chỗ ngồi để xem ti vi mỗi tối.
Trường phổ thông DTBT là loại hình mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh vùng cao, vùng ĐBKK theo học. Là mới, nên cái khó ban đầu luôn là thách thức lớn. Tuy nhiên, trong khó khăn sẽ nảy sinh những ý tưởng sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhất là đối với một ngành có truyền thống vượt khó như ngành GD&ĐT. Vấn đề là sự quan tâm thiết thực của ngành, của địa phương và sự năng động sáng tạo của các nhà trường.
Ý kiến ()