Kho thóc chống đói mùa mưa lũ - việc nhỏ, hiệu quả lớn
Vào mùa mưa lũ hàng năm, xã Sơn Long, huyện vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi) thường bị cô lập ít nhất 5 đến 7 ngày, nhất là từ Trung tâm huyện về các xã. Do đường giao thông thường xuyên bị chia cắt nên nhiều hộ dân có thể bị thiếu ăn trong những ngày lũ lụt kéo dài. Để mọi gia đình có cơm ăn trong mùa mưa lũ, nhân dân các thôn ở Sơn Long đều xây dựng kho thóc chống đói mùa mưa lũ. Trước mùa mưa, chúng tôi đến thăm thôn Tà Vây, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây. Tại đây bà con dân tộc Ca dong đang huy động hàng chục ngày công lao động trong thôn khẩn trương xây dựng kho thóc để dự trữ thóc trước mùa mưa lũ. Hỏi thêm được biết: Theo chủ trương của xã muốn không đói trong mùa mưa lũ, mỗi thôn phải có một chòi lúa (kho thóc) để làm quỹ dự trữ. Sau thu hoạch lúa, mỗi hộ phải đóng góp một ang lúa hoặc nhiều hơn tùy vào sự khá giả của từng hộ. Kho thóc này chủ yếu để hỗ trợ những người...
Vào mùa mưa lũ hàng năm, xã Sơn Long, huyện vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi) thường bị cô lập ít nhất 5 đến 7 ngày, nhất là từ Trung tâm huyện về các xã. Do đường giao thông thường xuyên bị chia cắt nên nhiều hộ dân có thể bị thiếu ăn trong những ngày lũ lụt kéo dài. Để mọi gia đình có cơm ăn trong mùa mưa lũ, nhân dân các thôn ở Sơn Long đều xây dựng kho thóc chống đói mùa mưa lũ.
Trước mùa mưa, chúng tôi đến thăm thôn Tà Vây, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây. Tại đây bà con dân tộc Ca dong đang huy động hàng chục ngày công lao động trong thôn khẩn trương xây dựng kho thóc để dự trữ thóc trước mùa mưa lũ. Hỏi thêm được biết: Theo chủ trương của xã muốn không đói trong mùa mưa lũ, mỗi thôn phải có một chòi lúa (kho thóc) để làm quỹ dự trữ. Sau thu hoạch lúa, mỗi hộ phải đóng góp một ang lúa hoặc nhiều hơn tùy vào sự khá giả của từng hộ. Kho thóc này chủ yếu để hỗ trợ những người bị thiếu đói trong mùa mưa lũ, hoặc hộ dân nào bị thiên tai hoạn nạn dẫn tới thiếu ăn, không hỗ trợ đại trà, ưu tiên cho các gia đình nghèo, neo đơn không có lao động chính. Còn tại thôn Ra Pân, với trên 100 hộ dân, các hộ đều phải thực hiện các công đoạn “thóc khô, thóc sạch” trước khi đóng góp vào kho thóc của thôn. Các hộ dân ở đây rất phấn khởi khi được đóng góp thóc để làm quỹ dự trữ cho thôn. Chính việc làm này đã tạo nên tình đoàn kết, cùng chia sẻ khó khăn, hoạn nạn của đồng bào dân tộc Ca dong ở xã Sơn Long.
Hiện nay xã Sơn Long có 4/4 thôn với gần 400 hộ dân tham gia xây dựng kho thóc chống đói mùa mưa lũ. Kho thóc này không phải ai cũng được mở, chỉ có thôn trưởng hoặc già làng có uy tín và những người giao trách nhiệm thủ kho mới được mở kho, xuất kho cho đúng đối tượng cần được hỗ trợ.
Ông Phạm Hồng Khuyến, Chủ tịch UBND xã Sơn Long khẳng định: Kho thóc chống đói mùa mưa lũ của mỗi thôn ở xã Sơn Long, thực chất là thực hiện sự chỉ đạo của các cấp chính quyền về thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong mùa mưa bão. Việc xây dựng kho thóc chống đói là việc làm tuy nhỏ nhưng hiệu quả lớn. Mùa mưa lũ lớn năm nay đường giao thông lên xã Sơn Long bị chia cắt kéo dài hơn 10 ngày nhưng không có gia đình nào bị đói do mưa lũ gây ra. Đây cũng là địa phương đầu tiên ở huyện vùng cao Sơn Tây và của tỉnh Quảng Ngãi xây dựng kho thóc chống đói mùa lũ lụt năm 2011 này.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()