“Kho tàng tri thức” dần bị lãng quên
LSO-Thư viện huyện là đơn vị trực thuộc trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thông huyện. Đóng vai trò như một kho tàng tri thức, thư viện là cầu nối quan trọng đưa thông tin về cơ sở. Tuy nhiên những năm qua, các thư viện cấp huyện trên địa bàn tỉnh không còn phát huy được vai trò bởi thiếu bóng độc giả.
Cán bộ thư viện huyện Lộc Bình sắp xếp lại những đầu sách |
Thư viện “ngủ” trước những thách thức
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 thư viện cấp huyện. Những năm qua, phần lớn các thư viện đều trong tình trạng đìu hiu, vắng bóng độc giả. Một số thư viện tại các huyện: Văn Lãng, Tràng Định, Chi Lăng… hiện vẫn chung trụ sở với các cơ quan khác với diện tích chỉ khoảng 30 – 40 m², thậm chí chưa có không gian cho độc giả nghiên cứu. Còn tại Cao Lộc, 5 năm qua, thư viện huyện ngừng hoạt động do chưa có địa điểm.
Từng là nơi thu hút lượng độc giả lớn nhất so với các huyện, với trên 15.000 đầu sách, có trụ sở riêng, khang trang, yên tĩnh nhưng đến nay, thư viện huyện Lộc Bình cũng rơi vào trạng thái “ngủ”. Nếu như năm 2012, thư viện Lộc Bình có trên 200 thẻ bạn đọc với 2.413 lượt độc giả thì đến năm 2017, chỉ còn 9 thẻ bạn đọc với 263 lượt độc giả. Lần bổ sung sách gần đây nhất đã từ năm 2016. Còn từ đầu năm 2018 đến nay, thư viện Lộc Bình vẫn chưa được đón lượt độc giả nào. Hệ thống máy tính kết nối Internet sắp xếp ngay ngắn nhưng cũng chỉ ở đó phơi bụi. Bà Nông Thị Tuyết Nhàn, Thư viện viên, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Lộc Bình cho biết: Nếu như trước đây, tôi luôn chân luôn tay phục vụ độc giả còn chẳng kịp thì giờ đây, nhiều người đã không nhớ tới sự tồn tại của thư viện khiến tôi cũng thấy buồn.
Bên cạnh những nguyên nhân về cơ sở vật chất, thư viện còn gặp thách thức lớn từ sự cạnh tranh khốc liệt của công nghệ thông tin. Thời điểm năm 2015 – 2016, dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill&Melinda Gates tài trợ đã đưa máy vi tính về một số thư viện huyện như: Cao Lộc, Văn Lãng, Lộc Bình…, hình thành điểm truy cập Internet công cộng phục vụ miễn phí nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, điểm truy cập Internet công cộng tại thư viện chưa kịp trở thành thói quen thì đã bị ngừng lại bởi sự bùng nổ của các thiết bị thông minh như: điện thoại di động, máy tính bảng … Em Bế Xuân Mai (thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng) cho biết: Khi cần thông tin hay muốn đọc truyện, em chỉ cần mượn điện thoại của bố, mẹ tìm kiếm trên mạng là ra ngay chứ tới thư viện, tìm sách chưa chắc đã có mà còn mất thời gian.
Bạn đọc “ngại” đến thư viện còn bởi hoạt động thư viện huyện trên địa bàn tỉnh bao năm qua vẫn theo cách truyền thống. Độc giả chỉ có thể tiếp cận tài liệu thông qua “thủ thư”, đọc tại chỗ hoặc mượn về nhà. Bên cạnh đó, thư viện huyện còn khá mờ nhạt trong tuyên truyền, tổ chức các hoạt động thu hút, dẫn tới số lượng độc giả có xu hướng “thưa” dần.
Cần thay đổi để có cái nhìn mới về thư viện
Mặc dù công nghệ thông tin phát triển đến đâu, thư viện vẫn mang những giá trị không thể thay thế. Để nhân dân thay đổi theo cái nhìn mới, đã đến lúc ngành văn hóa cần có sự vào cuộc để nâng cao hiệu quả của thư viện.
Ông Hoàng Tự Xê, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể Thao và Truyền thông huyện Cao Lộc cho biết: Với chúng tôi hiện nay, điều trăn trở nhất là đưa thư viện quay trở lại hoạt động, sau đó mới có thể tìm cách nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện. Những năm qua, dù chúng tôi liên tục trình UBND huyện về việc sắp xếp, bố trí địa điểm nhưng do quỹ đất hạn hẹp nên thư viện vẫn chưa có chỗ. Hiện, trung tâm đang có kế hoạch tiếp tục trình UBND huyện xem xét việc tu sửa lại một phòng trong trung tâm, đầu tư trang thiết bị cần thiết, phấn đấu đưa thư viện trở lại hoạt động trong tháng 5 tới.
Khi trình độ dân trí tăng lên, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, điều cần thiết để thư viện thu hút bạn đọc không chỉ là hoạt động thường xuyên, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu độc giả mà còn phải có sự đổi mới toàn diện. Bên cạnh sự quan tâm thích đáng từ các huyện để thư viện có điều kiện hoạt động tốt nhất, hoạt động thư viện cũng cần sự nhạy bén trong việc ứng dụng công nghệ thông tin sao cho việc tìm kiếm, tiếp nhận và xử lý tài liệu của thư viện viên và độc giả trở nên khoa học. Bên cạnh đó, mỗi thư viện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đưa “văn hóa đọc” quay trở lại với nhân dân.
HOÀNG NHƯ
Ý kiến ()