Khó như khấu trừ thuế lao động vãng lai
LSO-Lao động vãng lai là đối tượng lao động tự do hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng. Theo luật thuế, do khó quản lý thu nhập của các đối tượng này nên cơ quan thuế sẽ khấu trừ tại nguồn để sau quyết toán sẽ ấn định mức thuế, hoặc thu, hoặc hoàn.
LSO-Lao động vãng lai là đối tượng lao động tự do hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng. Theo luật thuế, do khó quản lý thu nhập của các đối tượng này nên cơ quan thuế sẽ khấu trừ tại nguồn để sau quyết toán sẽ ấn định mức thuế, hoặc thu, hoặc hoàn. Thế nhưng, để thu được thuế lao động vãng lai khó không khác gì mò kim đáy bể.
Cán bộ Chi cục Thuế Văn Quan kiểm tra mã số thuế |
Theo Luật Sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ ngày 1/7/2013, Chính phủ đã có Nghị định 65/2013/NĐ-CP ngày 7/6/2013, quy định rõ tổ chức cá nhân trả thu nhập cho cá nhân không ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng sẽ phải khấu trừ 10% đối với thu nhập 2 triệu đồng trở lên. Mức thuế này điều chỉnh chung cho tất cả các đối tượng kể cả có mã số thuế và chưa có mã số thuế. Như vậy sẽ tạo sự bình đẳng và công bằng với những người nộp thuế bởi có những lao động thu nhập rất cao nhưng họ làm việc cho nhiều tổ chức, làm việc theo vụ việc. Thu nhập của họ là thỏa thuận hoặc ký hợp đồng nhưng hợp đồng ấy diễn ra trong một thời gian rất ngắn và cùng một lúc họ có thể có nhiều hợp đồng như vậy.
Theo ông Vũ Trung Dũng, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ chính sách thuế Cục Thuế Lạng Sơn, thực tế đã có những cá nhân có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng nhưng rất khó quản lý bởi thu nhập ấy là do thỏa thuận. Bên cạnh đó cũng không ít lao động vãng lai theo đúng nghĩa của nó như nghệ nhân, thợ bậc cao thì tiền thù lao của họ rất khó xác định. Theo Luật Thuế nhu nhập cá nhân các đối tượng này đều phải khấu trừ trước 10% thu nhập nếu mức thu nhập trên 2 triệu đồng. Thế nhưng với lao động vãng lai hầu hết họ không có mã số thuế, đã là vãng lai thì lao động mang tính thời vụ khi hoàn thành công việc họ sẽ chuyển sang công việc khác, địa điểm khác. Trao đổi với chúng tôi, anh Dương Văn Hiệp – cán bộ ủy nhiệm thu Chi cục Thuế Cao Lộc khẳng định, nếu không dựa vào chính quyền địa phương sẽ rất khó thu khoản thu này. Ví như một hộ xây nhà mới, khi cán bộ thuế đưa vào diện quản lý thu, họ lách luật bằng cách chuyển từ làm thuê sang tổ đổi công, thậm chí khai anh em họ hàng giúp nhau nên không có thu nhập. Như vậy nếu tính trung bình một công trình bình thường nhà nước có thể thất thu tiền thuế hàng chục triệu đồng.
Hầu hết lao động vãng lai là lao động khó quản lý, ngành thuế cũng không thể đủ lực lượng kiểm soát toàn bộ địa bàn, cũng như khó có thể biết thu nhập chính thức của họ, thống kê họ làm bao nhiêu việc để tính thuế. Và nếu mỗi vị trí làm, mỗi khu vực làm có mức thu nhập khác nhau thì càng như đánh đố lực lượng thu trừ khi họ tự giác kê khai tự nộp và tự chịu trách nhiệm. Theo Luật Quản lý thuế, Nhà nước khuyến khích tự nộp, tự kê khai. Thế nhưng để họ tự giác thì phải là quá trình nhận thức về luật, về nghĩa vụ công dân phải hết sức sâu sắc. Cũng theo ông Vũ Trung Dũng từ khi có Thông tư 65 đến nay mặc dù được hướng dẫn, tuyên truyền hỗ trợ rất kỹ nhưng chưa có đối tượng lao động vãng lai nào tự kê khai đăng ký nộp thuế. Theo thống kê, hiện trên địa bàn có khoảng 2 vạn lao động vãng lai, họ đến lao động với nhiều hình thức, tất nhiên trong số đó có những lao động chưa đến mức phải khấu trừ thuế, nhưng cũng không ít lao động vãng lai theo thời vụ dưới 3 tháng có thu nhập cao.
Anh Phạm Xuân Bẩy, Công ty xây dựng Quyết Bẩy Thái Nguyên cho biết, có trường hợp thợ nghệ nhân công ty phải trả công vì khoán 1 triệu đồng mỗi ngày, nhưng họ chỉ lao động trong vòng đôi ba tuần. So với quy định họ phải nộp thuế nhưng phần vì thời gian gấp, phần vì khó kê khai nên khi nhận tiền công xong họ không khai. Người trả thu nhập cũng không kê khai. Thế nên những khoản thu nhập như thế làm thất thu cho ngân sách. Với các tổ chức chi trả, sau khi thanh toán xong cho lao động họ cũng khó có thể khấu trừ, vì rất nhiều lao động sau khi xong việc lại di chuyển đến địa bàn khác nên không thể quản lý được thu nhập của họ. Trong các đối tượng lao động vãng lai không ít người cố tình trốn thuế nên thu được thuế là một điều cực kỳ khó khăn. Vì vậy ngay sau khi triển khai cán bộ thu đã rất lúng túng và hiệu quả đạt được mới dừng ở khâu tuyên truyền.
Để quản lý nguồn thu lao động vãng lai, có lẽ cần nhất hiện nay là tuyên truyền ý thức tự giác của người nộp thuế; tăng cường quản lý của chính quyền địa phương và hơn thế là khơi dậy lòng tự hào của người nộp thuế làm nghĩa vụ với Nhà nước. Hơn nữa cũng cần có chế tài xử phạt bởi trốn thuế cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()