Khó kiểm soát chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm qua mạng xã hội
(LSO) – Hiện nay, tình trạng rao bán mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội diễn ra tràn lan, gây khó khăn trong kiểm soát chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ. Người tiêu dùng bị “tiền mất, tật mang” khi sử dụng các sản phẩm kém chất lượng này.
Lợi dụng lòng tin
Mặc dù đã đi điều trị tại Hà Nội, nhưng mấy ngày nay, khuôn mặt chị Nguyễn Thị H, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn vẫn còn những vết tấy đỏ. Chị H bức xúc: “Tôi đặt mua mỹ phẩm làm trắng da qua mạng, mới sử dụng đã bị tấy đỏ hai má. Tôi xuống Bệnh viện Da liễu Hà Nội khám, bác sĩ nói da bị nhiễm trùng do sử dụng mỹ phẩm giả. Điều trị đã hết gần 10 triệu đồng, nhưng tôi vẫn chưa hết hoàn toàn các triệu chứng”.
Không chỉ chị H, gia đình bà Hoàng Thị N, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng được một phen lo sợ khi phải đưa bà N vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng tụt huyết áp. Nguyên nhân do con bà N đã mua thực phẩm chức năng qua mạng xã hội với mong muốn cho bà có sức khỏe.
Người mua chỉ cần gõ từ khoá “thực phẩm chức năng”, sau vài giây có thể tìm thấy rất nhiều sản phẩm có mức giá khác nhau với lời quảng cáo, mời chào hấp dẫn
Trên đây là một số ít trường hợp sử dụng các sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Không chỉ có vậy, trên mạng xã hội, đặc biệt là facebook xuất hiện nhiều sản phẩm được quảng cáo phóng đại sự thật nhằm thu hút người mua. Thậm chí, họ còn quay những video, những đoạn hội thoại với khách hàng khen sản phẩm đưa lên facebook để tạo lòng tin cho khách hàng.
Chỉ cần gõ từ khoá tìm kiếm “thực phẩm chức năng”, với 0,71 giây đã cho 122 triệu kết quả với những loại thực phẩm chức năng được tung hô chất lượng cao, được sản xuất từ những quốc gia lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tìm kiếm từ khoá “mỹ phẩm” cũng chỉ với 0,49 giây cho tới 285 triệu kết quả với những loại mỹ phẩm chất lượng cao, giá rẻ trên các trang web và mạng xã hội. Các sản phẩm được rao bán tràn lan như một “mê cung” đối với người tiêu dùng.
Khó kiểm soát
Thời gian qua, ngành y tế đã tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Trong 7 tháng đầu năm 2019, Sở Y tế đã thanh tra, kiểm tra 250 cơ sở buôn bán thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, cơ sở y tế trên địa bàn. Qua kiểm tra, đã xử phạt hành chính 30 cơ sở với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng; tịch thu 25 loại mỹ phẩm và 100 sản phẩm mỹ phẩm… Tuy nhiên, đây chỉ là các cơ sở có cửa hàng cố định, việc kiểm tra, xử phạt các đơn vị kinh doanh qua mạng xã hội vẫn chưa thực hiện được.
Vấn đề khó nhất trong việc xử phạt các tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội để kinh doanh qua mạng xã hội là việc xác định chủ thể. Ông Phạm Công Anh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh cho biết: Các tổ chức, cá nhân khi sử dụng các hình thức quảng cáo sản phẩm, ngoài các điều kiện về hồ sơ, thủ tục pháp lý, cần phải có giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Việc quảng cáo quá mức công dụng của sản phẩm là sai quy định của pháp luật. Hiện nay, hành lang pháp lý để xử phạt những đối tượng này chưa được hoàn thiện nên khó xử lý. Bên cạnh đó, người tiêu dùng khi mua phải các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng không báo với cơ quan chức năng vì tâm lý e ngại nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Thiết nghĩ, người dân hãy là người tiêu dùng thông thái khi lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mua tại các cơ sở uy tín, chất lượng. Khi phát hiện các sản phẩm không đảm bảo an toàn, người dân nên báo cho các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.
TRIỆU THÀNH
Ý kiến ()