Khó kiểm soát chất lượng
LSO-Lạng Sơn đã và đang trở thành trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp lớn của khu vực phía Bắc với năng lực sản xuất khoảng 150 triệu cây giống lâm nghiệp các loại một năm. Tuy nhiên, công tác quản lý, kiểm soát chất lượng và hoạt động sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp tại các vườn ươm còn nhiều bất cập.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Hữu Lũng kiểm tra giống cây lâm nghiệp tại một vuờn ươm trên địa bàn huyện |
Năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN ngày 29/12/2005 về việc ban hành quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Theo đó, quy định rõ việc khai thác, sử dụng nguồn gen, khảo nghiệm, đánh giá, công nhận, sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp và giám sát chuỗi hành trình giống cây trồng lâm nghiệp chính. Qua đó nhằm tạo hành lang pháp lý cho các địa phương, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất kinh doanh giống cây trồng theo đúng quy định, thúc đẩy phong trào trồng rừng, nâng cao thu nhập cho người dân và bảo vệ, duy trì nguồn gen đối với cây trồng bản địa. Tuy nhiên, đối với Lạng Sơn, việc triển khai thực hiện các quy định về quản lý giống cây lâm nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Một vườn ươm giống cây lâm nghiệp đạt tiêu chuẩn tại xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng đóng gói giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng |
Theo tìm hiểu, phong trào sản xuất giống cây lâm nghiệp tại tỉnh phát triển khoảng 10 năm trở lại đây. Trong đó, các loại cây giống như: keo, bạch đàn, thông chiếm tới 90% tổng sản lượng cây giống được sản xuất bán ra thị trường hằng năm. Hiện toàn tỉnh có gần 700 vườn ươm giống cây lâm nghiệp của tổ chức, cá nhân. Trong đó, riêng huyện Hữu Lũng đã có đến 623 vườn tại 9 xã, thị trấn. Tuy nhiên, theo số liệu của Chi Cục Lâm nghiệp tỉnh thì số vườn ươm đăng ký giấy phép kinh doanh theo đúng quy định chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Huyện Hữu Lũng có 8 vườn ươm đủ điều kiện và có giấy phép đăng ký kinh doanh; các huyện còn lại có 9 vườn ươm có đăng ký kinh doanh và đủ điều kiện hoạt động theo quy định. Tổng số 17 vườn ươm đạt tiêu chuẩn hoạt động khá hiệu quả và là nguồn cung ứng giống chủ yếu cho tỉnh thực hiện các chương trình trồng rừng sử dụng ngân sách nhà nước. Mỗi năm, các vườn ươm này cung ứng cho tỉnh và nhu cầu khác khoảng 20 triệu cây giống/năm. Tất cả các vườn ươm còn lại đều do người dân tự phát làm theo thời vụ và ươm giống theo kinh nghiệm.
Ông Nông Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh cho biết: Một trong những khó khăn trong quản lý cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay là giám sát quá trình sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp tại các xã do người dân tự phát lập vườn ươm. Hầu hết các vườn ươm do dân tự làm đều sử dụng nguồn hom trôi nổi trên thị trường, có rất ít hộ tạo được vườn giống cây bố mẹ để hái hom, tạo mô. Hơn nữa, vai trò, trách nhiệm thuộc cấp huyện trong quản lý nguồn giống cây lâm nghiệp chưa được quy định rõ ràng trong quy chế quản lý giống cây lâm nghiệp khiến cho công tác quản lý, định hướng đối với lĩnh vực quản lý nguồn giống cây lâm nghiệp do các hộ dân tự phát làm gặp nhiều khó khăn. Hằng năm, chi cục đều xây dựng kế hoạch kiểm tra các vườn ươm cũng như tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký kinh doanh và áp dụng quy định về sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp nhưng chuyển biến trong nhân dân rất chậm và cũng không thể kiểm soát hết được quá trình sản xuất cây giống của các chủ vườn.
Tại điều 12 và điều 14 của Quyết định 89/2005/QĐ-BNN ngày 29/12/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp chưa quy định về vai trò của cấp huyện trong quản lý nguồn giống, sản xuất cây giống và kinh doanh nguồn giống. Toàn bộ các khâu trong chuỗi sản xuất cây giống đều thuộc về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng, để từng bước quản lý các cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp tự phát, đề nghị Nhà nước quan tâm hoàn thiện khung pháp lý, đẩy mạnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tạo cơ chế để các hộ dân liên kết hình thành các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất giống cây trồng theo hướng chuyên nghiệp, bài bản là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Cùng với đó, bản thân các cơ sở vườn ươm đủ tiêu chuẩn cần phải có chiến lược cụ thể trong việc quy hoạch, bảo tồn các nguồn gen giống bản địa, xây dựng các rừng giống.
TRANG NINH
Ý kiến ()